Giáo sư Michael Levinson thuộc Trường doanh nghiệp ĐHTH Fordem phát biểu với tờ Kommersant của Nga rằng Mỹ thực hiện bước dịch chuyển sang Châu Á-TBD vì Mỹ không thể tiếp tục sa vào những dự án tốn kém ở nước ngoài như Iraq hay Afghanistan mà buộc phải quan tâm đến các vấn đề trong nước, trước hết là kinh tế. Đó không những là tiền đề cho phục hưng kinh tế Mỹ mà có lẽ còn là vấn đề chủ chốt đối với Nhà trắng trong năm 2012, nếu Obama muốn tái đắc cử vào tháng 11 tới. Kinh tế Mỹ không thể phục hồi nếu Mỹ không chiếm được vị thế ở châu Á năng động, - ông khẳng định. Giới chính trị gia và chuyên gia Mỹ không che giấu rằng mối quan tâm hàng đầu của Mỹ ở châu Á chính là một nước Trung Quốc đang phát triển mạnh. Theo dự báo của đa số ngân hàng đầu tư toàn cầu, đến năm 2025 Trung Quốc có thể vượt Mỹ về sản lượng GDP. Cùng với phát triển kinh tế, Trung Quốc còn ra sức củng cố sức mạnh quân sự, hiện đại hóa quân đội. Cho dù chi phí quân sự của Trung quốc còn kém xa Mỹ, cho dù quân đội Trung Quốc còn thua kém quân Mỹ về trang bị kỹ thuật song nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã tiến gần tới mức đủ sức chiến thắng trong cuộc chiến cục bộ quy mô nhỏ. Sự phát triển của Trung Quốc lẽ ra đã không khiến Mỹ phải quá lo ngại, nếu như Trung Quốc không đột nhiên tăng cường sự hiếu chiến trên mặt trận ngoại giao. Trong năm 2011, Bắc Kinh đã củng cố yêu sách đối với thềm lục địa đầy dầu khí trên biển Biển Đông. Không chỉ dừng lại bằng tuyên bố của các nhà ngoại giao, Trung Quốc còn vài lần phái tàu chiến đến cắt cáp tàu nghiên cứu khoa học của Việt Nam và Phi-lip-pin đang thăm dò địa chấn trên Biển Đông (ở khu vực tranh chấp – nguyên bản tiếng Nga).

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều người ở Trung Quốc đã sai lầm khi cho rằng kinh tế Mỹ đã chìm xuống đáy và Trung Quốc có thể nhân cơ hội này mở rộng ảnh hưởng ở các vùng biển lân cận, đặc biệt là Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc định tăng cường ảnh hưởng bằng cách gây e ngại cho bạn bè và đồng minh của Mỹ. Hơn nữa, ngay sau khi Tổng Thống Obama lên nhậm chức (2008), Nhà trắng đã nhiều lần tuyên bố Mỹ coi hợp tác với Trung Quốc là một trong những ưu tiên đối ngoại, song các nhà lãnh đạo Trung Quốc lại coi tuyên bố này là biểu hiện của sự mềm yếu. Chính vì vậy, Mỹ chuyển hướng chiến lược là để tìm kiếm câu trả lời cho thách thức của Trung Quốc, đồng thời cũng là tín hiệu cho các đồng minh rằng họ không bị Mỹ bỏ rơi. Hiện nay, Mỹ đã chuẩn bị cho những kịch bản có tính xung đột cao hơn. Chiến lược quân sự mới của Mỹ thông qua tháng 2/2011 (thay cho bản Chiến lược năm 2004) đặc biệt chú ý đến sự lớn mạnh của Trung Quốc. Cùng với hoạt động quân sự, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ cũng tích cực xung trận. Nhiệm vụ chính của Oa-sinh-tơn lúc này là lôi kéo các nước láng giềng của Trung Quốc vào liên minh mềm nhằm kiềm chế Trung Quốc. Ngoài các đồng minh truyền thống như Nhật và Hàn Quốc, liên minh này còn có nhiều nước Đông Nam Á. Ngay cả Việt Nam cũng đang cố gắng tăng cường đối thoại với Mỹ. Mặt trận tranh giành chính trong cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc ở châu Á hiện nay là Mi-an-ma, nơi bắt đầu cải cách dân chủ và Bắc Triều Tiên với ban lãnh đạo vừa được thay thế. Tình hình này khiến Nga không thể đứng ngoài cuộc. Một mặt, Nga cần tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa các siêu cường. Mặt khác, Nga cũng có cơ hội nếu biết tận dụng đạo lý “tọa sơn quan hổ đấu” của người Trung Quốc.

Theo Kommersant (ngày 13/3)

Lê Sơn (gt)