Theo các nhà quan sát, những sự kiện dồn dập trên đây là dấu hiệu rõ nhất phản ánh xu hướng tăng cường vũ trang trong vùng, cho dù đó là một cuộc chạy đua không cân sức, giữa một bên là Trung Quốc và bên kia là các nước Đông Nam Á bị Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Tình trạng bất cân xứng nói trên bắt nguồn từ ngân sách mà các nước dành cho chi phí quân sự. Ngân sách quốc phòng khổng lồ của Trung Quốc với hơn 90 tỷ USD đã làm cho tiềm lực quân sự của Bắc Kinh mạnh hơn bất kỳ một nước nào khác tại châu Á.

Ở cực ngược lại, Philippines là một nước có ngành hải quân cực yếu, từng bị bỏ bê trong cả chục năm nay. Vì ngân sách không dồi dào, Manila chủ yếu tiếp nhận và tân trang lại các thiết bị có từ thế chiến thứ 2 mà quân đội Mỹ không còn sử dụng. Ví dụ điển hình là chiếc tàu loại Hamilton vừa được tiếp nhận tại cảng Manila hôm 23/8.

So với Philippines, thì ngân sách quốc phòng của Việt Nam lớn hơn. Theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS, trụ sở tại Washington, Việt Nam phải tăng cường tiềm năng hải quân của mình để có thể củng cố thêm khả năng bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền của mình tại vùng Biển Đông, mà đối thủ chủ chốt là Trung Quốc.

Theo các nhà quan sát, nếu chỉ tính về mặt thực lực hiên nay, sức mạnh của Philippines, hay Việt Nam, không thể sánh với lực lượng hải quân hùng hậu của Trung Quốc. Nhưng việc cả Hà Nội lẫn Manila đều tăng cường vũ trang, với các phương tiện càng lúc càng hiện đại hơn, các hạm đội của 2 nước này hoàn toàn có thể đóng vai trò răn đe, khiến Bắc Kinh phải ngần ngại hơn khi muốn đi quá trớn.

Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu ngày 24/8 bày tỏ, chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Philippines Aquino III chắc chắn sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước; cho rằng chuyến thăm có ý nghĩa trọng đại đối với việc phát triển quan hệ hai nước.

Lưu Kiến Siêu tiết lộ, hai bên sẽ ký kết một loạt các thỏa thuận phát triển và tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực văn hóa và du lịch giữa hai nước, nhằm tăng cường giao lưu giữa nhân dân hai nước.

Về vấn đề Biển Đông, Lưu Kiến Siêu cho rằng lãnh đạo hai bên sẽ thảo luận vấn đề Biển Đông, tuy nhiên vấn đề Biển Đông chỉ là một bộ phận của quan hệ giữa hai nước, hai bên sẽ cố gắng trên tinh thần tránh để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ toàn diện giữa 2 nước để xử lý vấn đề này./.

Hạnh Quyên (gt)