Khi sự kiện Việt Nam yêu cầu Trung Quốc “ngừng ngay việc đe dọa chủ quyền lãnh thổ ở Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam" còn chưa lắng xuống thì Philíppin lại khiến cho vấn đề Biển Đông trở thành tiêu điểm của dư luận quốc tế. Bắt đầu từ tháng 6/2011, Philíppin tiến hành kêu gọi đầu tư nước ngoài vào 15 lô tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối vì cho rằng trong số 15 lô này có lô thứ 3 và 4 thuộc chủ quyền của nước này. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Philíppin lên tiếng bảo đảm với các nhà đầu tư nước ngoài rằng, hai lô này thuộc lãnh thổ của nước này và các nhà đầu tư có thể hoàn toàn yên tâm tiến hành khai thác. Đáp lại, phía Trung Quốc tuyên bố nước này có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận quần đảo này. Bất cứ quốc gia hay công ty nào tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc quyền quản lý của Trung Quốc mà không được sự cho phép của Trung Quốc đều là phi pháp.Tại sao Philíppin lại bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, cố tình mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài thăm dò dầu khí tại vùng biển tranh chấp? Thực chất, ý đồ của Philíppin tại Biển Đông là gì? Theo "Đa chiều", cách đây không lâu có tin Mỹ muốn quay trở lại đóng quân ở Philíppin, địa điểm được lựa chọn là đảo Palawan. Dự kiến trong tháng 3 hai bên sẽ có kết quả đàm phán cụ thể về việc này. Đây rất có thể là mấu chốt của vấn đề. Một trong những mục đích chủ yếu của Philíppin khi quyết định mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài vào thăm dò dầu khí tại vùng biển tranh chấp chính là muốn làm nóng vấn đề Biển Đông. Trong việc này, Philíppin có thể nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Còn Mỹ đang sử dụng vấn đề Biển Đông cho chiến lược "trở lại" khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tiếp tục làm nóng vấn đề Biển Đông chính là giúp Mỹ chuẩn bị cho việc "trở lại" khu vực châu Á-Thái Bình Dương, "trở lại" Biển Đông. Đồng thời, qua việc này, Philíppin cũng làm sâu sắc thêm quan hệ với Mỹ, tạo cớ cho tàu chiến Mỹ hiện diện ở vùng biển nước này. Trong giai đoạn hiện nay, nếu tàu Mỹ đi vào vùng biển Philíppin sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân Philíppin và cũng không dám ngang nhiên hành động. Việc Philíppin làm nóng vấn đề Biển Đông sẽ giúp chính phủ nước này xử lý tốt dư luận trong nước và quốc tế. Đây cũng là một mục đích quan trọng của Philíppin. Một mục đích khác của Philíppin là muốn kéo các doanh nghiệp nước ngoài vào cuộc. Các doanh nghiệp nước ngoài này đều là những “ông trùm” dầu khí phương Tây. Khi các công ty này đã vào và có lợi ích trong các dự án thăm dò với Philíppin, chính phủ các nước phương Tây đương nhiên sẽ đứng về phía Philíppin trong vấn đề lợi ích tại Biển Đông, cũng có nghĩa là đứng cùng phía với Mỹ. Như vậy, thông qua việc dùng lợi ích thương mại để thu hút các “ông trùm” dầu khí phương Tây, Philíppin cuối cùng có thể ghi điểm về chính trị. Ngoài ra, ở trong nước, Chính phủ Philíppin đang phải đối mặt với nhiều áp lực chính trị. Từ khi lên nắm quyền tới nay, tuy đạt được một số thành quả nhất định nhưng Tổng thống Benigno Aquino vẫn chưa thể thực hiện tốt những cam kết khi tranh cử về chống tham nhũng và giúp đỡ người nghèo nên tỷ lệ ủng hộ giảm xuống. Benigno Aquino luôn muốn sử dụng chính sách ngoại giao cứng rắn để xây dựng hình ảnh của một “nhà lãnh đạo mạnh mẽ”, lợi dụng vấn đề nhạy cảm để chuyển hướng sự chú ý của người dân, lôi kéo thế lực dân tộc chủ nghĩa thân Mỹ chống Trung Quốc ở trong nước, nhằm củng cố chính quyền và đạt mục đích liên nhiệm.

Theo trang "Đa chiều" (ngày 29/2)

Lê Sơn (gt)