Các bức ảnh này khiến người ta nhớ lại sự kiện diễn ra vào tháng 5/2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 tới vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Những hình ảnh được công bố càng củng cố thêm quan điểm rằng Trung Quốc cương quyết theo đuổi lợi ích riêng của mình, bất chấp những tác động đối với các nước láng giềng. Điều này, cùng với các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang tiến hành tại Biển Đông, khiến nhiều quốc gia châu Á như Indonesia và Malaysia không thể không cảm thấy quan ngại về các tham vọng của Trung Quốc trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhanh chóng phản bác việc Nhật Bản công bố các bức ảnh nói trên, đồng thời cho rằng đây là hành động mang tính khiêu khích, Tokyo đã dùng các bức ảnh này để “kích động mâu thuẫn và đối đầu giữa hai nước”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh: “Hành động này không hề có lợi cho việc kiểm soát tình hình tại biển Hoa Đông cũng như việc thúc đẩy quan hệ song phương”.

Trung Quốc nói rằng các giàn khoan dầu khí mà họ triển khai tại Biển Hoa Đông là nằm ở phía bên này đường trung tuyến phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước, bởi vậy, Trung Quốc có toàn quyền triển khai các hoạt động khai thác tài nguyên và năng lượng tại đây.

Tuy nhiên, trên thực tế, các đường ranh giới mà con người tự đặt ra không thể là cơ sở phân chia cụ thể và công bằng các nguồn tài nguyên khí đốt và dầu mỏ tại Biển Hoa Đông. Nhật Bản hiện lo ngại Trung Quốc sẽ rút cạn nguồn tài nguyên tại khu vực mà họ tuyên bố là họ có chủ quyền tính từ đường trung tuyến phân định vùng đặc quyền kinh tế.

Nguy cơ này tưởng chừng đã được giải quyết triệt để vào năm 2008, khi Nhật Bản và Trung Quốc nhất trí cùng nhau khai thác các nguồn tài nguyên trên Biển Hoa Đông. Theo cam kết, không nước nào được tự ý đơn phương tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển tranh chấp này. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi. Trung Quốc không ngừng lớn mạnh và công khai thể hiện quyết tâm mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực. Nhật Bản - dù có chủ đích hay không - đã ở vào thế đối đầu với Trung Quốc khi chính quyền Nhật Bản mua lại quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) từ các nhà sở hữu tư nhân vào năm 2012. Điều này là nguyên nhân dẫn đến việc tăng mạnh số vụ đụng độ giữa các tàu cá Trung Quốc và lực lượng tuần tra bờ biển Nhật Bản tại khu vực xung quanh quần đảo này, và kích động Trung Quốc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) vào tháng 11/2013. Cũng trong khoảng thời gian này, theo những hình ảnh mà Nhật Bản vừa công bố, Trung Quốc đã bắt đầu đơn phương tiến hành các hoạt động thăm dò tài nguyên trong khu vực.

Tuy nhiên, có thể Trung Quốc đã đúng khi nhận ra có động cơ chính trị đằng sau việc Nhật Bản công bố các bức ảnh gây tranh cãi kể trên. Lý do thực sự khiến Nhật Bản công bố các bức ảnh có thể không phải là để chỉ trích và lên án Trung Quốc, mà là nhằm củng cố các nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm thông qua các dự luật cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được tham gia các chiến dịch phòng vệ tập thể - hay nói cách khác là tham chiến cùng đồng minh khi các đồng minh hoặc chính Nhật Bản bị đe dọa. Trên thực tế, các bức ảnh được công bố chỉ một tuần trước khi Thượng viện Nhật Bản bắt đầu cuộc tranh luận về các dự luật an ninh mới của ông Abe.

Các bức ảnh càng củng cố lập luận của đảng Tự do Dân chủ (LDP) rằng các lợi ích quốc gia của Nhật Bản đang đối mặt với những mối nguy rõ ràng và trực tiếp, và người ta cần phải làm nhiều hơn để bảo vệ các lợi ích này. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia thuộc các đảng phái khác đang ra sức phản đối việc thông qua dự luật an ninh của ông Abe mà không cần tới 100% số phiếu. Nhiều người, trong đó có cả các nghị sỹ LDP lo ngại về việc thông qua dự luật mà không có những lý giải cụ thể về các trường hợp triển khai lực lượng Nhật Bản. LDP hiện chỉ chiếm đa số mong manh ở Thượng viện nên kết quả cuộc bỏ phiếu có thể sẽ rất sít sao.

Những bức ảnh có thể nói lên rất nhiều điều, song những gì mà ông Abe mong muốn đơn giản chỉ là chúng sẽ giúp ông có thêm vài lá phiếu đủ để đạt được những gì ông mong muốn.

Theo “Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại

Nhật Linh (gt)