So với những bất ổn tại Iraq và Ukraine thì khu vực Đông Á có vẻ tương đối bình yên. Tuy nhiên, ẩn dưới sự ổn định đó là một xu hướng chính trị cường quyền đáng lo ngại, mà cuối cùng sẽ tái định hình bộ mặt của khu vực. Các sự kiện diễn ra trong tuần qua cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền tại những khu vực đang có tranh chấp theo những cách thức ngày càng khó để phản đối, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ có chiều hướng phai nhạt dần. 

Trong một động thái "đổ thêm dầu" vào "ngọn lửa" tranh chấp kéo dài, tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố sẽ xây dựng 5 ngọn hải đăng trên năm hòn đảo đang trong tình trạng tranh chấp ở Biển Đông. Các hòn đảo này thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Động thái này của Bắc Kinh là nhằm bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, Philippines và vùng lãnh thổ Đài Loan đối với các hòn đảo này. 

Mới đây, Trung Quốc đã cử một đội tàu hải giám trở lại các vùng biển ngoài khơi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku - hiện do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tokyo công bố Sách Trắng Quốc phòng năm 2014, chỉ trích cụ thể Trung Quốc đã có những "hành động nguy hiểm" gần quần đảo này. Đáp lại, Bắc Kinh có vẻ cương quyết thách thức ý chí của Nhật Bản. 

Những tháng ngày Nhật Bản lưỡng lự công khai chỉ trích Trung Quốc là "nhân tố gây rối" đã qua. Giờ đây, Thủ tướng Shinzo Abe đang đưa ra đề xuất Nhật Bản trở thành "đối tác an ninh" của các quốc gia châu Á, những nước vẫn lo ngại về sự phát triển quân sự của Trung Quốc. Tokyo mới đây đã công bố kế hoạch bán cho Việt Nam 6 tàu hải giám để giúp Hà Nội giám sát vùng biển của mình tốt hơn. Nhật Bản cũng bán 10 tàu tuần tra cho Philippines. Tháng 7 vừa qua, Nhật Bản và Australia công bố kế hoạch cùng phát triển công nghệ tàu ngầm tân tiến. Việc tăng cường hợp tác giữa Tokyo và New Delhi cũng là một ưu tiên của chính phủ hai nước. Tuy nhiên, các mối quan hệ chiến lược mới này của Nhật Bản cũng không làm cho Bắc Kinh suy nghĩ lại về cách hành xử của mình ở các vùng lãnh thổ, lãnh hải có tranh chấp. 

Đông Á vì thế đang ở trong thời kỳ hết sức bất ổn bởi lập trường ngày càng cứng rắn của mỗi bên. Sức mạnh của Trung Quốc đã giúp nước này trở thành nhân tố chiếm ưu thế so với bất kỳ quốc gia nào khác. Những liên kết chính trị mới khó có thể trở thành một hình thức tổ chức an ninh nào đó đủ để giúp đối phó với các hành động gây hấn của Trung Quốc. Và có vẻ như các địch thủ của Trung Quốc cũng không muốn đảm nhiệm vai trò đối kháng với nước này. Trong thế "tiến thoái lưỡng nan" đó, các quốc gia châu Á chỉ phản ứng một cách đơn thuần với các sáng kiến của Bắc Kinh. 

Cả Washington và Tokyo đang hy vọng có một sự tái thiết lập cán cân chính trị tại châu Á. Mỹ và Nhật Bản dường như đánh cược rằng Bắc Kinh sẽ dung hòa cách hành xử của mình nếu cảm thấy ngày càng bị cô lập. Các nỗ lực đầu tiên của Mỹ và Nhật Bản trong việc cô lập Bắc Kinh vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi, và áp lực lớn hơn có mang lại kết quả hay không vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, nếu cảm thấy "bị dồn vào chân tường", Trung Quốc sẽ có quan điểm ngày càng cứng rắn hơn. 

Theo chuyên gia Michael Auslin, nhiều khả năng đó sẽ là đặc trưng của nền chính trị cường quyền ở Châu Á trong tương lai. Một nhóm nhỏ các nước sẽ tăng cường hợp tác, nhưng sẽ có ít hành động để trực tiếp thách thức những tiến triển vững chắc của Trung Quốc. Mỗi khi Bắc Kinh thực hiện một sáng kiến nào đó của mình, cán cân an ninh tại châu Á sẽ chậm rãi được tái định hình theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Ông Michael Auslin nhấn mạnh thêm rằng, chỉ có một nỗ lực đoàn kết và táo bạo của các cường quốc có thực lực về quân sự trong khu vực - chẳng hạn như sử dụng lực lượng để ngăn chặn Bắc Kinh xây dựng các ngọn hải đăng - mới có thể đưa ra một tín hiệu cảnh báo rằng Bắc Kinh cần phải thay đổi cách hành xử. Tuy nhiên, khả năng đó là rất thấp, vì vậy Châu Á sẽ vẫn phải chứng kiến sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp.

Vũ Hiền (gt)