Trong một cuộc họp báo, Đô đốc Mullen đã bày tỏ sự quan ngại của Mỹ về khả năng xảy ra xung đột vũ trang tại khu vực này sau một loạt sự cố vừa qua. Ông nói: “Tôi rất lo ngại các sự cố gần đây sẽ châm ngòi cho một tính toán sai lầm, dẫn đến một tai họa không ai dự đoán được”. Ông Mullen cũng nói thêm rằng do Mỹ đã hiện diện lâu dài ở khu vực châu Á nên Mỹ cũng có “một trách nhiệm lâu dài”. Với tinh thần đó, ông Mullen cho biết Mỹ “ủng hộ mạnh mẽ cách giải quyết các tranh chấp” trong khu vực một cách hòa bình.

Mặc dù nhấn mạnh đến mong muốn của Mỹ về một giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song Đô đốc Mullen vẫn khẳng định: “Mỹ sẽ không rời khỏi khu vực. Sự hiện diện lâu dài của chúng tôi ở khu vực này có ý nghĩa rất quan trọng với các đồng minh của chúng tôi trong nhiều thập kỷ qua, và chúng tôi sẽ tiếp tục đóng vai trò như vậy”.

Theo các nhà quan sát, tuyên bố của Đô đốc Mullen là một lời đáp trả nữa của Oasinhtơn đối với một loạt tuyên bố gần đây của Bắc Kinh rằng Mỹ không được quyền can dự vào vấn đề Biển Đông mà hãy để yên cho các nước trong vùng giải quyết vấn đề trong khuôn khổ song phương. Theo nhận định của hầu hết các chuyên gia phân tích, chiến thuật đàm phán song phương do Trung Quốc chủ trương không ngoài mục tiêu “chia để trị” và dùng uy lực nước lớn để chèn ép các quốc gia nhỏ yếu hơn.

Trong một bài xã luận ngày 8/7, "Nhật báo Trung Quốc" xuất bản bằng tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không nên chấp nhận cho các thế lực bên ngoài can thiệp vào tranh chấp song phương. Theo giới quan sát, đó là một lời chỉ trích nhằm vào cam kết của Mỹ là sẵn sàng giúp đỡ Philíppin và quyết định của Mỹ cử chiến hạm đến Đà Nẵng tham gia các hoạt động hải quân phối hợp với Việt Nam từ ngày 15/7.

Ngoài thông điệp gửi tới Trung Quốc, tuyên bố của Đô đốc Mullen còn nhằm trấn an các nước châu Á đang lo ngại bị Mỹ bỏ rơi vì thấy Oasinhtơn đang có những động thái hòa hoãn với Bắc Kinh. Trong những tháng qua, quan hệ quân sự Mỹ-Trung đã hòa hoãn trở lại một cách đáng kể so với cách đây một năm, và chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tham mưu trưởng quân đội Mỹ -diễn ra sau chuyến công du Mỹ của Tướng Trần Bính Đức, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc - là nhằm cải thiện mối quan hệ quân sự vốn khá căng thẳng giữa hai nước. Đô đốc Mullen cho rằng Oasinhtơn và Bắc Kinh nên nỗ lực hơn nữa để phát triển cái mà ông gọi là “lòng tin chiến lược” giữa hai bên. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng về căn bản, quan điểm của Mỹ vẫn không thay đổi so với tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở Hà Nội hồi năm ngoái.

Lê Quang (tổng hợp)