1(1).jpg

Trong khi thế giới còn đang tập trung chú ý đến viễn cảnh thất thường của một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, triển vọng cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim hay thỏa thuận hạt nhân Iran... thì Bắc Kinh đã và đang triển khai mạnh mẽ (nhưng lặng lẽ) và gia tăng từng bước vững chắc năng lực cũng như sức mạnh trên biển. Những động thái mang tính khiêu khích mới nhất của Trung Quốc nằm trong một loạt những thách thức đầy chủ đích đối với vị thế truyền thống của Mỹ - quốc gia có sức mạnh hải quân và không quân hàng đầu trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Năng lực hải quân và không quân của Trung Quốc đã lớn mạnh đến mức Mỹ không thể còn khả năng giành được một chiến thắng nhanh gọn và dễ dàng nếu xảy ra một tình huống đối đầu trên biển sau đó leo thang thành xung đột quân sự. Điều này đã khiến Washington trở nên cẩn trọng hơn trước khi bắt đầu một điều gì đó mà có thể là không hoặc sẽ không thể kết thúc được.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London gần đây đã lưu ý rằng chỉ trong vòng 4 năm qua, Trung Quốc đã hạ thủy số lượng tàu chiến nhiều hơn tổng số tàu mà các lực lượng hải quân của Đức, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Anh và vùng lãnh thổ Đài Loan đang sử dụng. Thậm chí, viện này còn khẳng định rằng tổng trọng tải các tàu chiến mới mà Trung Quốc hạ thủy từ năm 2014 đến nay ở mức thấp hơn so với tổng trọng tải tất cả các tàu của hải quân Nhật Bản hay hải quân Anh.

Thế hệ tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc - tàu sân bay Liêu Ninh - một phần được đóng tại Ukraine từ thời Xô Viết, đã được đưa vào sử dụng từ năm 2012 với chức năng của một tàu huấn luyện. Tuy nhiên, chiếc tàu này cũng được sử dụng để phô diễn sức mạnh ngày càng lớn mạnh trên biển của Bắc Kinh. Biểu hiện gần đây nhất là chiếc tàu này đã tiến hành triển khai một số nhiệm vụ quan trọng tại các điểm nhạy cảm như eo biển Đài Loan hay trên Biển Đông. Tàu sân bay thế hệ thứ hai của Trung Quốc được thiết kế dựa trên khuôn mẫu của tàu Liêu Ninh. Tuy nhiên, chiếc tàu này cũng có một số cải tiến đáng kể, bao gồm hệ thống ra-đa và khả năng chứa được nhiều máy bay hơn. Tuy nhiên, chiếc tàu sân bay mới này cũng có lẽ được chế tạo để chủ yếu phục vụ vai trò huấn luyện. Việc có được tàu sân bay thứ hai sẽ cho phép Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ phát triển năng lực hoạt động toàn diện của nước này.

Và có những kế hoạch dường như đang được tiến hành đối với chiếc tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc - vốn có những gợi ý rõ ràng rằng nó có thể sẽ hiện đại hơn rất nhiều so với hai tàu sân bay trước đó. Một khả năng có thể xảy ra là tàu sân bay này được chạy bằng năng lượng hạt nhân, giống như các tàu sân bay của Mỹ. Khả năng khác là việc chiếc tàu sân bay này có thể có thêm khả năng sử dụng máy phóng máy bay tương tự tàu của Mỹ. Đây sẽ là một bước tiến quan trọng. Cả hai tàu sân bay hiện tại của Trung Quốc đều có các bệ dốc để phóng các máy bay theo lực đẩy của chúng. Tuy nhiên hải quân Trung Quốc vẫn đang phải tích cực nghiên cứu để phát triển hệ thống điện - từ tính cho việc phóng máy bay từ bệ phóng bằng phẳng, cho phép vận hành các máy bay cỡ lớn hơn.

Hiện tại, chỉ có tàu sân bay của Mỹ và tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp là sử dụng năng lượng hạt nhân và được trang bị hệ thống phóng máy bay. Chính vì vậy, việc Trung Quốc theo đuổi các công nghệ này rõ ràng là tín hiệu cho thấy phạm vi, quy mô tham vọng dài hạn của Bắc Kinh là gia nhập đội ngũ dẫn đầu trong các hoạt động hải quân hiện đại nhất và đòi hỏi khắt khe nhất này. Tuy nhiên, trong trường hợp này vẫn còn một vấn đề khó lý giải rằng tại sao người Trung Quốc lại đang tiến hành tất cả các điều đó? Tất nhiên, rõ ràng là Trung Quốc mong muốn bám sát Mỹ như một "cường quốc biển" bởi đó là yếu tố sống còn nếu Bắc Kinh muốn thay thế vị trí của Mỹ làm quốc gia lãnh đạo trong khu vực Đông Á và rõ ràng là Bắc Kinh cũng đã thể hiện quyết tâm để đạt được điều đó. Câu hỏi rất mập mờ là tại sao Trung Quốc lại dành quá nhiều nguồn lực vào việc chế tạo các tàu sân bay chỉ để giải quyết vấn đề như vậy?

Có thể nói nguyên nhân cơ bản là các tàu sân bay hiện nay trên thế giới, kể cả việc sử dụng động cơ gì, cũng đều rất dễ "bị tổn thương" trước một loạt các mối đe dọa từ tàu ngầm, tên lửa chống hạm hay thậm chí cả tên lửa xuyên lục địa. Không ai có thể hiểu rõ hơn là người Trung Quốc, bởi trong quá khứ 20 năm qua, họ đã rất thành công trong việc xây dựng năng lực đó nhằm vào các tàu sân bay của Mỹ trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Các chuyên gia quân sự của Trung Quốc cũng đã thấy được rõ ràng là các tàu sân bay của hải quân Mỹ cũng rất dễ "bị tổn thương" nên đã dành nhiều công sức cũng như nguồn lực để khai thác triệt để điểm yếu này.

Mục tiêu của Bắc Kinh là nhằm ngăn chặn Washington điều các tàu sân bay tới đủ gần để có thể hoạt động chống Trung Quốc hoặc hoạt động trong các vùng biển mà Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát. Theo quy trình, quân đội Mỹ đã phát động một cuộc tranh luận trong nước Mỹ, và thậm chí ngay trong lực lượng hải quân Mỹ, với câu hỏi là liệu các tàu sân bay đã lỗi thời hay chưa? Luận điểm đưa ra là tàu sân bay quá dễ "bị tổn thương" và quá tốn kém để đạt được hiệu quả trong các cuộc xung đột trên biển hiện tại. Vai trò duy nhất của chúng chỉ là phản ánh sức mạnh tại những nơi không có các mối đe dọa nghiêm trọng tồn tại trên biển.

Người Trung Quốc phải hiểu rằng tàu sân bay của họ cũng sẽ chỉ là mục tiêu dễ "bị tổn thương" như của người Mỹ, thậm chí còn hơn thế. Và cũng không chỉ đối với các lực lượng quân đội Mỹ: Các cường quốc như Nhật Bản và Ấn Độ có thể dễ dàng tiến hành những động thái tương tự đối với tàu sân bay của Trung Quốc như những gì mà Bắc Kinh hiện có thể làm đối với tàu sân bay của Mỹ. Do vậy, sẽ chẳng có ý nghĩa gì để chế tạo các tàu sân bay chỉ với lý do trông đợi sự phản đối mạnh mẽ từ các cường quốc hải quân khác.

Do vậy, có lẽ chương trình tàu sân bay của Trung Quốc không nhằm đến việc chống hay đối phó với Mỹ tại châu Á. Thay vào đó Bắc Kinh đang nhìn về phía trước, xây dựng các tàu sân bay để đặt kế hoạch tăng cường sức mạnh và củng cố vị thế "đầu tàu" ở khu vực châu Á mà nước này đang kỳ vọng tạo ra trong tương lai. Đó có thể là một châu Á mà ở đó Mỹ đã bị loại ra, và tại khu vực đó Trung Quốc đã giành lấy vị trí của Mỹ với sức mạnh vượt trội, không có đối thủ xứng tầm. Nói cách khác, Trung Quốc phát triển các tàu sân bay không nhằm để thách thức Mỹ tại châu Á, mà là để thực thi sức mạnh khi mà Mỹ đã rời khỏi khu vực này. Một lần nữa, Bắc Kinh đã có những suy nghĩ vượt trước tới “hai bước” đối với phần còn lại của thế giới.

Theo “Straitstimes

Vũ Hiền (gt)