Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể tuyên bố rút bớt lực lượng Mỹ đang tham chiến tại Ápganixtan, nhưng ông sẽ lấy cớ gì để duy trì 268 căn cứ quân sự của Mỹ tại Đức? Liệu có phải ông Obama đang phòng ngừa một cuộc tấn công của Hồng quân (Liên Xô trước đây)? Lý do thực sự là có nhiều người đang sống dựa vào 268 căn cứ quân sự này, nhờ vào tiền của những người đóng thuế Mỹ.

Không có quốc gia nào có đủ sức duy trì một phần nhỏ trong số hơn 865 căn cứ quân sự mà Lầu Năm Góc đang triển khai ở nước ngoài để bảo vệ người dân Mỹ khỏi những kẻ thù nguy hiểm đang ẩn nấp ở khắp nơi; hoặc để chi phối cả thế giới. Hàng triệu người trên thế giới quan ngại rằng "chú Sam" có thể tìm cách "nô dịch hóa" họ. Bản thân người Mỹ cũng quan tâm đến vấn đề này, bởi vì mỗi năm nước Mỹ phải chi tới 140 tỷ USD để duy trì số căn cứ quân sự này.

Các cuộc thăm dò dư luận trên toàn cầu cho thấy những người nước ngoài sợ Mỹ hơn cả sợ những kẻ khủng bố. Trong một số cuộc thăm dò, trùm khủng bố Osama bin Laden đã tụt xuống vị trí thứ hai để nhường vị trí "quỷ sứ" số một thế giới cho cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush. Theo ông Steven Kull, người đứng đầu Chương trình chính sách quốc tế thuộc trường Đại học Maryland, "sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Đông làm mất lòng dân ở hầu hết các nước. Trung bình có tới 69% số người được hỏi tin rằng sự có mặt của Mỹ tại Trung Đông đang kích động, chứ không phải ngăn chặn, các cuộc xung đột ở đây và chỉ có 16% số người được hỏi coi Mỹ là một lực lượng ổn định. Tại nhiều nước trên thế giới, người dân lo ngại rằng Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để chống lại họ".

Theo các số liệu thống kê, nếu Mỹ đóng cửa toàn bộ số căn cứ quân sự tại nước ngoài, Oasinhtơn vẫn còn 6.000 căn cứ ở trong nước và các vùng lãnh thổ. Nhiều người Mỹ đã nhận thức được sự giận dữ của người dân vì sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ tại các nước như Arập Xêút, Yêmen, Irắc và Ápganixtan, nhưng ít người Mỹ nhận thức được sự phẫn nộ của những người dân bình thường đối với những căn cứ của Mỹ tại Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.

Tại Guam, hòn đảo mà Mỹ coi là thuộc địa từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ đã biến hầu hết diện tích của đảo này thành một căn cứ quân sự và từ chối cho phép người dân ở đây được độc lập, hoặc có quyền công dân đầy đủ của Mỹ. Tại Okinawa (Nhật Bản), đa số người dân địa phương rất vui mừng được "tạm biệt chú Sam". Còn tại Diego Garcia, một hòn đảo nằm trên Ấn Độ Dương, Mỹ đã cưỡng chế trục xuất toàn bộ 2.000 cư dân của hòn đảo này. Một khi được biến thành căn cứ quân sự, hòn đảo này trở thành một đường băng cho máy bay chiến đấu Mỹ bay sang Irắc. Và bằng cách cấm phóng viên, Hải quân Mỹ đã thực hiện tội ác này mà không bị phơi bày trên báo chí. Những người dân của đảo Diego Garcia đã bị đẩy lên thuyền, đưa tới Môritani và Xâysen, bị bỏ lại trên bến tàu không tiền bạc, không nhà cửa. Họ được hứa hẹn tạo việc làm, nhưng không bao giờ có. Họ đã từng sống trên đảo Diego Garcia với trường học, bệnh viên và công việc, nhưng sau đó họ phải sống cuộc đời lưu vong, thất nghiệp, đau ốm và nghèo khổ nhất trong số những người nghèo.

Vậy những phương pháp "găngxtơ" được Hải quân Mỹ sử dụng tại Diego Garcia có phải để bảo vệ người Mỹ khỏi những kẻ thù nguy hiểm? Hay Mỹ không màng đến những người bị tổn thương, khi họ tiến hành tấn công một quốc gia trong một cuộc chiến tranh dựa trên những dối trá?

Theo các số liệu thống kê mới nhất, Mỹ hiện đang có 268 căn cứ quân sự tại Đức, 124 căn cứ tại Nhật Bản, 87 tại Hàn Quốc, 83 tại Italia, 45 tại Anh; 21 tại Bồ Đào Nha và 19 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu đóng cửa các căn cứ này, Mỹ có thể đưa về nước nửa triệu quân và 100.000 nhà thầu dân sự được thuê để bảo dưỡng số căn cứ này, cùng 140 tỷ USD mỗi năm để chuyển sang các dự án có ích hơn như "trường học hoặc các nhà máy sản xuất năng lượng xanh".

Theo Global research

Tuấn Anh (gt)