Phân tích trên trang web "Đa chiều" (Hồng Công) ngày 19/4:

Đầu tiên là việc Đại sứ Thường trực của Philíppin tại Liên hợp quốc trình Đại hội đồng Liên hợp quốc thư kháng nghị nói rằng quần đảo Kalayaan (nhóm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Philíppin chiếm giữ trái phép) là lãnh thổ của nước này vào ngày 5/4. Tiếp đó là việc Chủ tịch Thượng viện Philíppin Juan Ponce Enrile ngày 17/4 lên tiếng kêu gọi quân đội Philíppin đổi mới trang thiết bị vũ khí, tăng cường quân lực nhằm bảo vệ “lãnh thổ đất nước”, trong đó có quần đảo Kalayaan. Ông Enrile còn nói rằng “kháng nghị ngoại giao dường như không có ý nghĩa gì, ai nhiều súng, nhiều dao, người đó sẽ giành thắng lợi”.

Theo "Đa chiều", trên thực tế, Philíppin sớm tăng cường đầu tư, xây dựng hạ tầng quân sự ở Biển Đông. Năm 2010, lực lượng vũ trang Philíppin đã bỏ ra 31 triệu peso (710.000 USD) để tu sửa đường băng sân bay trên đảo Thị Tứ (Philíppin gọi là đảo Pagasa) thuộc quần đảo Kalayaan. Mới đây, Tổng thống Philíppin Benigno Aquino III đã phê chuẩn chương trình mua sắm pháo hạm, máy bay tuần tra tầm xa và rađa cho hải quân và không quân trị giá gần 184 triệu USD nhằm cải thiện năng lực quân sự của Philíppin ở quần đảo Kalayaan.

Ngoài ra, Philíppin còn coi Mỹ là đồng minh kiên định nhất để bảo vệ lợi ích của Philíppin tại Biển Đông. Ngày 9/4, Tổng thống Aquino III đã phát biểu tại tỉnh Bantaan rằng “trong số các nước bạn bè của Philíppin, không có quốc gia nào vĩ đại hơn Mỹ và Nhật Bản”. Aquino III nói: “Thời gian đã chứng minh rằng chúng ta (Philíppin) có thể dựa vào những nước đồng minh như họ (Mỹ và Nhật Bản). Khi an ninh và chủ quyền của chúng ta bị uy hiếp, chúng ta tin rằng họ sẽ đứng về phía chúng ta”. Tuyên bố của Aquino III, theo một số nhà phân tích, ngầm cho thấy Philíppin hy vọng Mỹ và Nhật Bản đứng về phía mình trong vấn đề Biển Đông, giúp nước này chống lại “mối đe dọa từ Trung Quốc” và bảo vệ an ninh, chủ quyền.

Và Philíppin không cảm thấy thất vọng trước những biểu hiện của Mỹ. Ngày 15/4, quân đội Mỹ và Philíppin đã tổ chức cuộc tập trận song phương thường niên mang tên “Vai kề vai 2011”, với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Lực lượng tham gia về phía Mỹ có 3.000 binh sĩ, trong đó khoảng 500 quân thuộc lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc, về phía Philíppin có hơn 5.000 quân thuộc 3 lực lượng là hải, lục, không quân. Ngoài ra, Mỹ còn dự định bán cho Philíppin một chiếc tàu tuần tra biển cỡ lớn lớp Hamilton. Sở dĩ Mỹ làm như vậy, theo nhiều chuyên gia, là nhằm tăng cường khả năng chống lại Trung Quốc của Philíppin tại khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Do sau khi tuyên bố "quay trở lại châu Á", Mỹ thận trọng tiến từng bước một, thúc đẩy việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông để tỏ rõ “vai trò lãnh đạo” của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hợp tác quân sự với Philíppin có thể giúp Mỹ nhanh chóng thực hiện được mục tiêu chiến lược này.

"Đa chiều" nhận định các bước đi của Philíppin và Mỹ trong vấn đề Biển Đông đang ngày càng hướng tới sự nhất trí. Đây là tính toán kĩ càng của hai nước xuất phát từ những cân nhắc về lịch sử và hiện thực. Philíppin từng là thuộc địa của Mỹ. Hai nước trong thời gian dài duy trì quan hệ đồng minh chặt chẽ. Mỹ là nước cung cấp viện trợ quân sự chủ yếu cho Philíppin. Năm 1998, hai nước ký Hiệp định thăm viếng quân đội, cho phép quân Mỹ đồn trú ở Philíppin vô thời hạn và quy định Mỹ và Philíppin có quyền tham gia các hoạt động quân sự với các hình thức khác nhau.

Điều này đã mang lại khả năng cho quân Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông. Bắt đầu từ năm 2002, với lý do chống khủng bố, Mỹ đã lần lượt đưa hàng trăm binh sĩ tới khu vực Mindanao thuộc miền Nam Philíppin. Mỹ và Philíppin tiến hành diễn tập quân sự “Vai kề vai” lần đầu tiên vào năm 1991. Bắt đầu từ năm 2004, cuộc diễn tập này được di chuyển về khu vực biển gần đảo Thị Tứ. Khoa mục diễn tập cũng thay đổi từ bắn đạn thật, tập luyện chiến thuật hợp thành truyền thống… sang tác chiến chiếm đảo, giữ đảo lấy các đơn vị đặc nhiệm là lực lượng đột kích chủ yếu. Vì thế, các nhà quan sát quân sự quốc tế cho rằng Philíppin đã lặng lẽ kéo quân Mỹ vào cuộc chiến tranh giành Trường Sa.

Ngoài tranh chấp giữa Trung Quốc và Philíppin về Biển Đông, hiện nay, Việt Nam, Đài Loan, Malaixia và Brunây cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Gần đây, Đài Loan còn quyết định nâng cấp vũ khí để kiểm soát đảo Ba Bình (Đài Loan gọi là Thái Bình) cũng như binh lực ở đây. Quân đồn trú của Đài Loan ở Ba Bình vốn được lựa chọn từ lực lượng hải quân, sẽ được thay bằng các binh sĩ lựa chọn từ lực lượng hải quân lục chiến được huấn luyện kĩ càng… Tất cả đang khiến tình hình ở Biển Đông ngày một căng thẳng, dần trở thành vũ đài của các thế lực quốc tế và không ai bảo đảm rằng cuộc tranh chấp hải đảo của các nước liên quan sẽ không gây ra chiến tranh thực sự.

 

Theo Đa Chiều 

Trần Quang (gt)