Mối quan hệ song phương Trung Quốc- Ấn Độ được thúc đẩy mạnh mẽ trong chuyến thăm Niu Đêli gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt khi hai nước láng giềng, vốn cạnh tranh quyết liệt với nhau từ trước đến nay, nhất trí thúc đẩy một liên minh nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đang theo đuổi một cách tiếp cận mới, theo đó Trung Quốc thừa nhận các lợi ích ngoại giao và chiến lược của Ấn Độ ở Đông Nam Á và bên ngoài khu vực. Thực tế đây là một dấu hiệu khác thường khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc không phản đối các ưu tiên chiến lược của Niu Đêli. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh bất ngờ chuyển sang thái độ hòa giải với đối thủ Niu Đêli là do các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy hợp tác với một nền dân chủ có tiềm năng kinh tế lớn như Ấn Độ không những có thể tạo nên cân bằng chiến lược trong khu vực mà là một chất xúc tác nhằm cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc với các cường quốc khu vực và phương Tây khác, kể cả một số cường quốc đang tranh giành chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc.

Thực tế, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang nỗ lực khai thác sự do dự của Ấn Độ trong việc công khai ủng hộ các nỗ lực lớn của Mỹ nhằm bao vây Trung Quốc, mặc dù Chính phủ Ấn Độ rất khó chịu về thái độ hiếu chiến của nước láng giềng phương Bắc trong các vấn đề tranh cãi như: quyền tự do hàng hải và thăm dò khai thác các vùng biển quốc tế ở Biển Đông. Quyết định thay đổi trọng tâm chiến lược của Chính quyền Mỹ từ khu vực Trung Đông về châu Á-Thái Bình Dương và thúc đẩy mối quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương đã buộc các nhà lãnh đạo Bắc Kinh phải xác định lại chính sách chiến lược của Trung Quốc để phù hợp với những phát triển nhanh chóng đang diễn ra trong vòng cung kéo dài từ Thái Bình Dương đến vành đai Ấn Độ Dương bao gồm khu vực phía Nam và Đông Nam Á.

Tại các diễn đàn quốc tế, các quan chức ngoại giao Trung Quốc có thể dễ dàng nhận thấy Mỹ bắt đầu triển khai chiến lược ngăn chặn sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc quyết định bố trí lại 60% hạm đội chiến đấu của hải quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sự hiện diện mạnh mẽ của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ trên lãnh thổ phía bắc Ôxtrâylia khiến nhiều quan chức chỉ huy quân sự cấp cao của quân đội Trung Quốc tỏ ra tức giận. Nhưng quan trọng hơn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy chính sách châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama có khả năng sẽ gây nên một cuộc chiến tranh lạnh giữa một Trung Quốc đang vươn lên và một nước Mỹ suy giảm, từ đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức chính trị, xã hội và hành chính của Trung Quốc.

Để hạn chế "cuộc tấn công" của Mỹ, Bắc Kinh đang hướng nội nhằm duy trì ổn định trong nước. Các biện pháp giải quyết bất đồng sắc tộc một cách ôn hòa và khoan dung hơn trước các ý kiến và tư tưởng khác nhau cùng với việc sẵn sàng chấp nhận những lời chỉ trích của công chúng có thể là dấu hiệu phân biệt một Trung Quốc đã thay đổi. Tóm lại, do cuộc cạnh tranh Trung Quốc-Mỹ biến thành một cuộc chiến lôi kéo các đồng minh quan trọng ở một khu vực châu Á hồi sinh, Bắc Kinh sẽ sử dụng mọi thủ đoạn lôi kéo Niu Đêli khỏi mối quan hệ đối tác Ấn Độ-Mỹ. Do đó, Bắc Kinh sẽ sẵn sàng giải quyết các bất đồng vốn chia rẽ Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu cho dù Trung Quốc phải từ bỏ các lợi ích của họ ở khu vực Kashmir và các khu vực lãnh thổ Đông Bắc của Ấn Độ hiện vẫn phức tạp do sự can thiệp của Trung Quốc. 

Lê Sơn (gt)