Thứ nhất, chòm sao quyền lực trên bầu trời “toàn cầu”, nhất là ở cấp độ khu vực Đông Á đã trải qua những thay đổi đáng kể. Cái gọi là "Thế kỷ châu Á" đã hình thành, đặc biệt là với sự nổi lên của Trung Quốc, trong khi thế giới đã chứng kiến Mỹ phải chịu áp lực nặng nề như thế nào vì cuộc khủng hoảng kinh tế. Thứ hai, như một sự phân nhánh của tình hình nói trên, các mối quan hệ mạnh mẽ và gắn kết giữa Mỹ (như một siêu cường hiện tại) và Trung Quốc (như một cường quốc đang nổi) đã trở thành bóng đen bao trùm trên toàn cầu cũng như các cam kết khu vực. Sự hợp tác hay cạnh tranh, hoặc đồng thời cả hai đều khiến thế giới phải theo dõi với sự lo lắng liệu lịch sử của Chiến tranh Lạnh có lặp lại. Là một quốc gia có sức mạnh trung bình đang thực hiện vai trò này tương đối tốt hơn so với những nước khác trong khu vực, và như một "nhà lãnh đạo tự nhiên" ngày càng nổi lên trong ASEAN, Inđônêxia thực sự có thể đóng một vai trò duy nhất trong việc định hình các chòm sao quyền lực ở Đông Á. Quan hệ đối tác chiến lược của Inđônêxia với Trung Quốc là một trong các yếu tố thiết yếu cho nỗ lực này. Có những thay đổi xảy ra ở Trung Quốc cần phải chú ý. Chính sách đối ngoại lâu nay của Trung Quốc bao giờ cũng dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ với các nước lớn, tiếp theo là quan hệ với các nước láng giềng, các nước đang phát triển và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, khi cụm từ "Thế kỷ châu Á" từng bước đạt được giá trị thực tế của nó trong vốn từ vựng của các mối quan hệ quốc tế, thì từ phía Trung Quốc cũng đã xuất hiện một gợi ý về sự thay đổi ưu tiên trong chính sách đối ngoại: Trong bài phát biểu tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội Trung Quốc hồi đầu tháng 3/2012, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã báo hiệu một sự thay đổi tinh tế này. Ông Ôn Gia Bảo đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, tiếp theo là các nước đang phát triển và các nước lớn. Điều này không có nghĩa là mối quan hệ với các nước lớn không còn quan trọng đối với Trung Quốc, nhưng nó cho thấy Trung Quốc có thể đã chú ý nhiều hơn đến châu Á. 

Vậy Inđônêxia là gì đối với Trung Quốc? Inđônêxia thực sự là một nước đang phát triển, tuy không phải là láng giềng trực tiếp khi không chia sẻ biên giới, nhưng trong nhiều dịp chính thức khác nhau các quan chức Trung Quốc vẫn thường gọi Inđônêxia là “hàng xóm”. Những tranh luận mang tính học thức hiện nay ở Trung Quốc đã xác định một số xu hướng ảnh hưởng đến quan điểm của Trung Quốc đối với Inđônêxia. Trước hết, Inđônêxia đã đóng vai trò ngày càng tích cực trong các vấn đề quốc tế và khu vực (đặc biệt trong G20 và ASEAN/Hội nghị cấp cao Đông Á-EAS). Điều này cộng với vị trí địa lý tự nhiên là một quốc gia quần đảo trải dài trên biển khiến Inđônêxia là một đối tác tiềm năng, quan trọng của Trung Quốc trong khu vực. Thứ hai, những thay đổi trong nhận thức của Trung Quốc và người Inđônêxia gốc Hoa ở Inđônêxia đã cho phép các nhà quan sát ở Trung Quốc dần dần cảm thấy ít gặp khó khăn bởi tình cảm chống Trung Quốc/người Hoa trong quá khứ và trong tương lai ở Inđônêxia. Năm mới của người Trung Quốc, hoặc Imlek, cũng là các ngày lễ toàn quốc ở Inđônêxia, việc bổ nhiệm nữ Bộ trưởng đầu tiên người Inđônêxia gốc Hoa và sự tham gia lớn hơn của người Inđônêxia gốc Hoa trong quá trình dân chủ hóa ở đất nước “Vạn đảo” thực sự là những tín hiệu tích cực. Thứ ba, Inđônêxia được nhìn nhận là có mối quan hệ rõ ràng với Mỹ, song không giống như của Nhật Bản hay Hàn Quốc - những đồng minh truyền thống của Mỹ. Ngoài nhiều thập kỷ quan hệ thân Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, quan hệ đối tác toàn diện của Inđônêxia với Mỹ và những gì được coi là kết nối cá nhân với Tổng thống Mỹ Obama cũng là những gì Trung Quốc quan tâm. Thứ tư, tiềm năng kinh tế của Inđônêxia như một nguồn tài nguyên phong phú, dồi dào và một thị trường lớn rất có ý nghĩa cho những nỗ lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện tại của Trung Quốc, từ một nền kinh tế định hướng xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng trong nước để thúc đẩy tăng trưởng. Chương trình kết nối của ASEAN cũng nằm trong khuôn khổ mối quan tâm này. 

Với những lý do nêu trên, có thể thấy chính sách ngoại giao tự do và độc lập của Inđônêxia là con đường tốt nhất cho Inđônêxia. Một số nhà quan sát ở Trung Quốc thậm chí còn tin rằng với vị trí hiện tại của mình, Inđônêxia có thể đóng một vai trò duy nhất trong việc quản lý mối quan hệ Trung-Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, bất chấp quan điểm của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono về chính sách ngoại giao của Inđônêxia là “càng nhiều bạn càng tốt và không có kẻ thù”, tại Trung Quốc và cả ở Inđônêxia vẫn có những ý kiến nghi ngờ tính nhất quán của chính sách này - đặc biệt là sau phát biểu của ông về việc Mỹ triển khai quân đồn trú tại Darwin, Ôxtrâylia, do hành động này được nhiều người ở Trung Quốc coi là một động thái của Mỹ nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Vì vậy, vai trò duy nhất của Inđônêxia được đề cập tới ở trên có nghĩa Inđônêxia phải là một đối tác năng động, cân bằng ngoại giao song phương (với cả Trung Quốc và Mỹ) cũng như ngoại giao đa phương (thông qua khuôn khổ ASEAN). Inđônêxia chắc chắn không thể có được một vai trò như vậy nếu tham gia vào một bên này hay bên kia, hoặc vờ như ở đây không có sự ganh đua. Sự thay đổi lãnh đạo ở Trung Quốc sẽ diễn ra vào mùa Thu năm nay, nhưng là một sự thay đổi liên tục và tiếp nối, chứ không phải là thay đổi cơ bản trong chính sách tổng thể của Trung Quốc. Nói cách khác, gợi ý tinh tế của Thủ tướng Ôn Gia Bảo có thể là sự khởi đầu của một chính sách gắn kết năng động hơn với Châu Á của Trung Quốc, đã được thể hiện qua chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Yudhoyono./.

Tác giả Christine Susana Tjhin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Giacácta. 

Theo Thejakartapost (ngày 3/3)

Vũ Hiền (gt)