Ngày 23/5, giàn khoan nước sâu 3.000m ký hiệu “Dầu khí hải dương 981” đã được hạ thủy tại Thượng Hải. Ngày 26/5, dàn khoan này sẽ chính thức ra biển, tiến hành công tác thử nghiệm và dự kiến đến tháng 7/2011 sẽ được đưa ra khu vực Biển Đông để tiến hành thăm dò dầu khí ở khu vực nước sâu.

Giàn khoan nước sâu này với số vốn đầu tư 6 tỷ NDT (922,37 triệu USD), được thiết kế chuyên dùng cho khoan thăm dò và khai thác dầu khí nước sâu, trọng tải khoảng 31.000 tấn, mặt sàn lớn tương đương một sân bóng đá tiêu chuẩn, mực nước sâu tác nghiệp lớn nhất đạt 3.000m, độ khoan sâu nhất có thể đạt 12.000m. Đây là bước nhảy vọt lớn trong kỹ thuật khoan thăm dò, khai thác dầu khí nước sâu của Trung Quốc vốn chỉ hạn chế ở độ sâu 500m trước đây. Điều này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện ở vùng biển phía Nam Biển Đông rộng lớn có nhiều tài nguyên chưa được khai thác, đánh dấu lần đầu tiên ảnh hưởng của Trung Quốc đi xuống phía Nam. Các nước khát năng lượng ở ven Biển Đông đã khai thác tài nguyên dầu khí trong nhiều năm nay. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích việc một số nước ASEAN khai thác dầu khí ở khu vực quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền không thể tranh cãi. Chủ tịch Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) Song Enlai nói với “Tạp chí Oriental Outlook” rằng, các nước xung quanh những năm gần đây tăng cường khai thác dầu khí biển và hàng năm Trung Quốc đã mất khoảng 20 triệu tấn dầu.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và năng lượng thuộc Trường Đại học Hạ Môn Lin Boqiang cho rằng, giàn khoan “Dầu khí hải dương 981” là một dấu mốc quan trọng trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí của Trung Quốc và đó luôn là trò chơi “ai đến trước thì được trước” trong cuộc tranh giành tài nguyên dầu khí có hạn, không thể tái sinh ở vùng biển tranh chấp. Khả năng khai thác dầu khí nước sâu là một yếu tố khác biệt mà các nước như Việt Nam, Philíppin không có.

Chủ nhiệm Nhóm chuyên gia tư vấn Ủy ban Năng lượng quốc gia Trung Quốc Trương Quốc Bảo cho rằng đây là công trình mang tính biểu tượng trong ngành công nghiệp dầu khí hải dương và công nghiệp đóng tầu của Trung Quốc, có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong việc thực hiện chiến lược năng lượng và bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Tính đến giữa năm 2010, có khoảng 180 mỏ dầu và khí thiên nhiên, 200 cấu tạo dầu khí được tìm thấy ở vùng biển Biển Đông, trong đó phần lớn đều ở độ sâu từ 500 - 2000m. Tuy nhiên, Trung Quốc dường như rất chậm trễ trong việc thăm dò, khai thác các mỏ dầu khí lớn ở khu vực này. Năm 2009, Trung Quốc đã hoàn thành việc khoan mỏ khí thiên nhiên lớn và sâu nhất trên biển Liwan3-1 với tổng vốn đầu tư 35 tỷ NDT và sẽ đưa vào sản xuất trong năm 2013.

Học giả Viện Khoa học xã hội Trung Quốc Zhao Ying cho rằng, giàn khoan mới này là một dấu mốc quan trọng mang tính chiến lược. Giá trị của tài nguyên khí thiên nhiên ở Biển Đông là rất lớn. Hiện nay Trung Quốc đã có kỹ thuật để khai thác tài nguyên ở khu vực này. Việc bảo vệ các hoạt động của Trung Quốc và ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác bất hợp pháp của nước ngoài ở khu vực này đang trở nên cấp bách và cần thiết.

 

 Theo Global times

Anh Tuấn (gt)