Với những tranh chấp tại Biển Đông đang bùng phát trong những tuần gần đây, tháng 7 có thể là tháng quan trọng cho các cuộc thảo luận về vấn đề này.

Giới truyền thông Philippines cho biết, ngay sau chuyến thăm Bắc Kinh của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn vào cuối tháng 6/2011 với một thỏa thuận đạt được trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của đàm phán ngoại giao trong giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, TTh Philippines Benigno Aquino cũng sẽ tới thăm Trung Quốc trong tương lai gần và vấn đề Biển Đông sẽ là ưu tiên cao trong chương trình nghị sự.

Tiền trạm cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống, Ngoại Trưởng/Philippines Albert del Rosario sẽ tới Trung Quốc vào ngày 7/7. Giới truyền thông Philippines cho rằng chuyến thăm này có thể góp phần giảm bớt căng thẳng đang gia tăng do tranh chấp lãnh thổ. Ông Abigail Valte, Phó Phát ngôn của TTh Philippines phát biểu trên Thời báo Philippines cho biết “chúng tôi hy vọng chuyến thăm của Ngoại Trưởng Del Rosario sẽ góp phần thúc đẩy cho giải quyết vấn đề tranh chấp trên biển hiện nay bằng con đường ngoại giao”. Các quan chức Philippines cho biết họ cũng hy vọng tổ chức đối thoại cấp cao với Trung Quốc trong vài tháng tới sẽ góp phần duy trì các mối quan hệ tốt đẹp mặc dù tranh cãi đã ngày càng nóng lên trong vài tuần qua về những tranh chấp tại Biển Đông.

Một số nhận định của các chuyên gia về cách giải quyết vấn đề tại Biển Đông: Theo ông Su Hao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thái Bình Dương thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho biết đối thoại song phương như đã diễn ra giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây có thể được coi là hình mẫu để giải quyết những tranh chấp tương tự. “Trao đổi thông tin cấp cao góp phần giảm thiểu những hiểu lầm và ổn định tình hình để phục vụ lợi ích cơ bản của tất cả các bên. Đây là mô hình tốt có thể áp dụng trong giải quyết các tranh chấp tương tự”.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây trên truyền hình, thiếu tướng hải quân Trung Quốc Yin Zhuo, đã nêu lại kết quả thăm dò của LHQ cho thấy giá trị dầu và khí ga tự nhiên tại Biển Đông tương đương 20.000 tỷ USD. Hơn nữa, Biển Đông còn là nơi có nhiều tuyến đường biển quốc tế trọng yếu trong đó hơn 80% thương mại thế giới được vận chuyển bằng đường biển qua khu vực này.

Ông Ma Zhengang, cựu Giám đốc Học viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho biết, Biển Đông là một phần của lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời cổ đại và Trung Quốc đã quản lý, khai thác những đảo trên biển này hàng trăm năm nay. Không có bất kỳ sự phản đối của bất cứ nước nào về chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực này cho tới tận những năm 1970. Phần lớn các tài liệu đa phương và bách khoa toàn thư của nước ngoài cũng đã đưa Biển Đông là bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi nhiều nghiên cứu tiến hành trong những năm 1960 cho thấy sự tồn tại mỏ dự trữ khổng lồ dầu và khí ga tự nhiên tại Biển Đông và nhiều nhận định đánh giá khu vực này là “Vùng Vịnh thứ 2” thì giữa những năm 1970 cả Việt Nam và Philippines đã chiếm đóng vài hòn đảo bất hợp pháp và bắt đầu khai thác dầu khí, làm dấy lên tranh chấp. Philippines, Bruney, Malaysia và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với một số đảo và bãi đá thuộc Biển Đông. Để giải quyết tranh chấp năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông (DOC) với sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong đó các nước này đều cam kết cùng Trung Quốc bảo đảm ổn định khu vực, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình giữa các bên có tuyên bố chủ quyền trực tiếp. Tuyên bố cũng nhấn mạnh các bên liên quan cần tự kiềm chế và không có bất kỳ hành động có thể làm phức tạp tình hình.

Tuy nhiên. theo các chuyên gia, một số nước đã tiếp tục đơn phương tiến hành khai thác dầu khí bất hợp pháp trên Biển Đông nên đã dẫn đến căng thẳng gần đây.

Theo ông Chu Hạo, nhà nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh và sự thật là giá dầu đang tăng nhanh khiến các nước ngày càng sốt ruột và họ sẽ không có cơ hội để tuyên bố quyền lợi nếu họ không nắm được cơ hội cuối cùng này”. Kết quả là tình hình khu vực ngày càng trở nên căng thẳng khi một số bên đã có ngôn từ thô bạo với bên kia và tiến hành tập trận quân sự.

Ông Nazery Khalid, chuyên gia cao cấp thuộc Học viện hàng hải Malaysia, căng thẳng ngày càng gia tăng tại khu vực sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào và cách tốt nhất là giảm căng thẳng thông qua đàm phán ngoại giao. Trích trên tờ Hoàn cầu, ông Khalid cho biết giải quyết tranh chấp đóng vai trò vô cùng quan trọng với Trung Quốc nhằm tạo lộ trình mà trước hết là giải quyết các vấn đề ít phức tạp hơn sau đó tiến dần đến những vấn đề khó hơn. Thí dụ, các bên liên quan có thể tiến hành các hoạt động chung như quản lý ô nhiễm, khảo sát sinh học biển dù đều có quan điểm khác nhau về vấn đề lãnh thổ.

Đánh giá về sự can thiệp của Mỹ trong các tranh chấp tại Biển Đông gần đây. Các chuyên gia cũng nhận định sự can thiệp của Mỹ tại Biển Đông là yếu tố quan trọng châm ngòi cho những căng thẳng gần đây.

Ngày 1/7 Mỹ đã nhấn mạnh Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) diễn ra vào cuối tháng 7 tại Bali, Indonesia cần thảo luận về tranh chấp tại Biển Đông.

Một số chuyên gia Phương Tây coi sự can thiệp của Mỹ như một khởi điểm quan trọng cho chính sách quay lại châu Á của Mỹ trong khi một số nước đang đối đầu với Trung Quốc lại rất hy vọng vào việc Mỹ can thiệp.

Ông Bonnie Glaser, chuyên gia về chính sách an ninh Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington cho biết “Để chuẩn bị cho ARF tháng 7 và tiếp theo là Thượng đỉnh Đông Á tại Bali, một số nước có tuyên bố chủ quyền tranh chấp tại Biển Đông đang đua nhau để định hình những thảo luận về vấn đề này”.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Trung Quốc không được phép để vấn đề này bị đưa ra theo kiểu tự do hàng hải cũng như không được để vấn đề này bị quốc tế hóa. Hiện tại cả ASEAN và Trung Quốc đều thống nhất rằng tự do hàng hải không bị ảnh hưởng tại Biển Đông. Theo ông Su Hao, cái gọi là tự do hàng hải chỉ là cái cớ và đằng sau đó là ý đồ mở rộng và lợi dụng vấn đề này của Mỹ. Ông Su Hao cũng lưu ý Mỹ gần đây đang đóng vai trò nổi trội hơn trong vấn đề này và trích lại nhận định gần đây trên tờ Financial Times: “Tuyên bố của Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc họp ASEAN tại Việt Nam năm 2010 về việc Mỹ có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải tại Biển Đông là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến ngoại giao sẽ phân định châu Á trong vài thập kỷ tới”.

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng hiện đang có sự hiểu nhầm lan rộng về cách tiếp cận của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông rằng Bắc Kinh phản đối bất kỳ đối thoại đa phương. Ông Su Hao cho biết “Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề biên giới trực tiếp với các nước láng giềng trên cơ sở đàm phán song phương và sẽ chủ động tham gia vào các kênh đa phương nhưng sẽ bác bỏ bất cứ nỗ lực nào nhằm mở rộng các vấn đề thuộc Biển Đông”.

Theo học giả Yang Baoyun, Đại học Bắc Kinh về các vấn đề đảo, Trung Quốc sẵn sàng ngồi lại và đối thoại song phương. Trung Quốc đã thể hiện sự chân thành trong thực hiện đối thoại đa phương như những gì đã đạt được khi ký DOC 2002. Điều đó có nghĩa là không nên có sự can thiệp của bên ngoài khu vực”. Theo các chuyên gia vấn đề thực sự hiện nay là thực hiện các thỏa thuận đã đạt được bởi tất cả các bên thay vì thực hiện những đàm phán mà chỉ là thủ thuật câu giờ nhằm hành động đơn phương.

Trần Anh tổng hợp