Lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí thành lập "Nhóm công tác về phân định ranh giới biển trên Hoàng Hải" từ tháng 7/2014. Cuộc gặp đầu tiên của nhóm này đã diễn ra vào ngày 29/1 để thảo luận về các Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Hai bên nhất trí sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc làm việc tương tự trong năm nay.

Trung Quốc và Hàn Quốc đều đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) vào năm 1996, song rõ ràng việc áp dụng vào vùng biển Hoàng Hải là không thực tế. Tháng 11/2013, Trung Quốc đã liệt khu vực đảo Ieodo (Hàn Quốc) vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) mà họ đơn phương đưa ra. Tuy nhiên, cả Bắc Kinh và Seoul đều nhất trí rằng trạm nghiên cứu khoa học đặt trên đảo Ieodo cần được xem là một nội dung đàm phán ranh giới biển hơn là một tranh chấp lãnh thổ.

Việc tàu Trung Quốc đánh bắt cá trái phép ở Hoàng Hải không chỉ là hành động vi phạm của một bên, mà còn là vấn đề song phương. Để đảm bảo ổn định, Trung Quốc và Hàn Quốc đã nhất trí thiết lập Vùng đánh cá tạm thời Trung-Hàn ở khu vực EEZ chồng lấn (do đường ranh giới trên biển giữa hai bên vẫn chưa được phân định) cũng như một Ủy ban khai thác thủy sản chung Trung-Hàn.

Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục xây dựng mối quan hệ "Đối tác hợp tác chiến lược" thành công, với hội nhập kinh tế sâu hơn và hợp tác ngoại giao gần gũi hơn, coi Hoàng Hải là một phương tiện thiết yếu để phát triển quan hệ song phương trong tương lai. Tuy nhiên, ở khu vực này hiện vẫn đang tồn tại một số vấn đề lịch sử nghiêm trọng nhất định: Trung Quốc và Nhật Bản đã giao chiến trên biển gần lãnh thổ Trung Quốc, cũng như nhiều cuộc va chạm giữa hải quân hai miền Triều Tiên gần đường giới tuyến phía Bắc.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã công khai ý định biến Trung Quốc trở thành một "cường quốc biển thực sự", và việc hiện thực hóa "Con đường Tơ lụa trên biển Thế kỷ 21" sẽ cần Hoàng Hải như một "đầu cầu" phía Bắc. Vì thế, Bắc Kinh có lợi ích trong việc thể hiện lòng tin, tiến tới hợp tác trên biển toàn diện với Seoul. Với Trung Quốc, Hoàng Hải là cơ hội để nước này được nhìn nhận là đang đóng vai trò xây dựng, trái ngược với cách hành xử quá quyết đoán đã và đang diễn ra ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Về phần mình, Hàn Quốc đặc biệt lo ngại về hoạt động đánh cá trái phép của Trung Quốc ở Hoàng Hải, dẫn đến một loạt vụ va chạm giữa lực lượng tuần duyên Hàn Quốc với tàu cá Trung Quốc những năm gần đây. Hàn Quốc coi một thỏa thuận phân định ở Hoàng Hải là chất xúc tác để thúc đẩy phát triển hơn nữa cũng như củng cố đối tác hợp tác chiến lược với Trung Quốc và có thể tác động hữu ích đến cuộc đàm phán phân định lãnh hải giữa Hàn Quốc với Nhật Bản.

Các cuộc đàm phán gần đây giữa Trung Quốc và Hàn Quốc không chỉ liên quan đến việc duy trì ổn định và trật tự trên biển trong dài hạn, mà còn nhắm đến mối quan ngại của các nước lân cận. ASEAN lo ngại về vấn đề Biển Đông, nơi dường như Trung Quốc đang tìm cách áp đặt quy định riêng và phớt lờ luật pháp quốc tế. Một thỏa thuận phân định biên giới biển ở Hoàng Hải sẽ cho phép Bắc Kinh thể hiện sự sẵn sàng tôn trọng khuôn khổ luật pháp quốc tế, phần nào có thể khiến các nước láng giềng của Trung Quốc yên tâm.

Chính phủ Trung Quốc cho rằng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết song phương mà không làm ảnh hưởng đến giải pháp cuối cùng cho vấn đề phân định ranh giới biển. Từ những tiến triển đạt được trong những cuộc gặp Trung-Hàn gần đây liên quan đến Hoàng Hải có thể thấy Bắc Kinh dường như sẽ sẵn sàng thỏa hiệp với các nước láng giềng ở những vùng biển khác - một sự thay đổi rất đáng kể. 

Nhóm công tác của Trung Quốc và Hàn Quốc về phân định ranh giới biển trên Hoàng Hải đang đặt nền tảng cho một tiểu khu vực hòa bình trong tương lai. Theo đó, một thỏa thuận đạt được có thể khuyến khích sự thay đổi lớn hơn trong chính sách biển của Trung Quốc, dẫn đến sự hợp tác trên biển tốt hơn trên toàn khu vực, kể cả ở Biển Đông.

Tiến sỹ Sukjoon Yoon, Đại tá (đã về hưu) Hải quân Hàn Quốc. Ông là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Chiến lược Biển Hàn Quốc (KIMS). Bài viết được đăng trên RSIS

.

 

Trần Quang (gt)