Theo Lin Yu-fang, nhà lập pháp thuộc Quốc dân đảng cầm quyền, dự kiến 1 tỷ Đài tệ (33,6 triệu USD) sẽ được chi cho dự án trên trong tài khóa 2014. Ngân sách này dự kiến sẽ được Viện lập pháp thông qua khi nhóm họp lại vào cuối tháng này. Việc xây dựng cầu cảng sẽ do một cơ quan thuộc Bộ Giao thông thực hiện. Tọa lạc cách thành phố Gaoxiong ở miền Nam Đài Loan chừng 1.600 km, Ba Bình là đảo lớn nhất tại Trường Sa và là đảo duy nhất có nước ngọt. Hiện trên đảo có một tuyến đường băng dài 1.150m, được hoàn tất vào năm 2008 dưới thời chính quyền đảng Dân Tiến, và một cầu cảng nhỏ có thể chứa các tàu với lượng choán nước dưới 6 tấn. 

Dự kiến cầu cảng mới sau khi được xây dựng sẽ chứa được những tàu lớn hơn của lực lượng tuần duyên (CGA) có nhiệm vụ bảo vệ các đảo mà Đài Loan tuyên bố chủ quyền cũng như tàu Hải quân (nếu cần thiết). Theo ông Lin, việc hoàn tất cầu cảng mới sẽ giúp việc vận chuyển các thiết bị lớn được thuận tiện hơn để Đài Loan thúc đẩy kế hoạch mở rộng tuyến đường băng, hiện mới chỉ cho phép các máy bay vận tải Hercules C-130H hoạt động trong điều kiện thời tiết “cực tốt”. Đây được xem là thành tố chính trong kế hoạch bảo vệ hòn đảo này. Hiện Đài Loan có kế hoạch mở rộng tuyến đường băng lên khoảng 15.000m. 

Đài Loan cũng bắt đầu tìm cách giảm tối đa tác động từ kế hoạch xây dựng cầu cảng mới trong quan hệ với các bên có chủ quyền tranh chấp tại quần đảo Trường Sa. Phát biểu trên đài phát thanh Radio Australia, đại diện Đài Loan tại Australia - bà Katharine Chang - khẳng định dù chủ quyền của Đài Loan với đảo Ba Bình là không thể thỏa hiệp, nhưng hòn đảo này vẫn sẵn sàng thúc đẩy tinh thần “cùng phát triển” trong khu vực. Bà Chang nói: “Chúng tôi đang đề xuất một sáng kiến hòa bình. Tổng thống Mã Anh Cửu có một sáng kiến áp dụng cho cả Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tinh thần chính là gác lại tranh chấp để cùng tồn tại hòa bình, cùng khai thác các nguồn tài nguyên, cùng phát triển khu vực và cùng nghiên cứu khoa học”. 

Động thái trên của Đài Loan xuất hiện trong bối cảnh ngày 3/9, Philippines cáo buộc Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) khi xây dựng các cơ sở mới ở bãi cạn Scarborough (Philippines gọi là bãi Panatag, Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), phía Bắc của quần đảo Trường Sa. Phát biểu trong một phiên điều trần ngân sách tại Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết hình ảnh viễn thám khu vực này cho thấy sự xuất hiện của khoảng 30 tấm bêtông tại đây. Theo ông Gazmin, các bức ảnh - được chụp ngày 31/8 - cho thấy một hình mẫu tương tự từng được thấy khi Trung Quốc xây dựng một đơn vị đồn trú Đá Vành Khăn vào cuối thập niên 1990. Ngoài ra, ông Gazmin cũng cho biết ba tàu tuần duyên Trung Quốc được phát hiện tại khu vực này trong ngày 31/8.

Bãi cạn Scarborough từng là tâm điểm của tình trạng căng thẳng kéo dài nhiều tháng giữa Philippines và Trung Quốc trong năm 2012, giai đoạn Trung Quốc triển khai nhiều tàu cá, tàu tuần duyên và tàu chiến tại đây. Bất chấp việc Bắc Kinh liên tục kêu gọi hợp tác trong việc bảo vệ những lợi ích tại Biển Đông, cho đến nay Đài Loan vẫn thẳng thừng bác bỏ ý định này. 

Theo “The Diplomat” (ngày 4/9)

Viết Tuấn (gt)