Theo “Thời báo Trung Quốc” (Đài Loan) cho biết, Ủy viên Lập pháp Quốc Dân đảng Đài Loan Lâm Uất Phương ngày 12/10 trong một bài phát biểu về “nguy cơ Biển Đông” đã trích dẫn báo cáo nội bộ của quân đội Đài Loan cho rằng việc Việt Nam và Philippines bố trí quân sự tại Biển Đông là một mối đe dọa lớn đối với Đài Loan. Ông Lâm Uất Phương kêu gọi quân đội Đài Loan cần sớm bố trí hệ thống phòng thủ tại Biển Đông, bao gồm các lực lượng tên lửa đất đối không có thể vận tải cơ động như tên lửa Chaparral (do Mỹ chế tạo) và tên lửa “Tiệp Linh” (Đài Loan chế tạo).

Đáp lại kêu gọi này, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Cao Huy Trụ cho biết, do tên lửa Chaparral hiện nay đã quá cũ, phía quân đội sẽ nghiên cứu khả năng triển khai hệ thống tên lửa “Tiệp Linh” trên đảo Thái Bình (Ba Bình). Tuy nhiên, vấn đề tình hình Biển Đông cần được giải quyết bằng con đường ngoại giao hay quân sự thì phải do “lãnh đạo cấp cao” của chính quyền Đài Loan quyết định.

Theo mạng “Liên hợp buổi sáng” (Singapore), phản ứng trước phát biểu trên của chính giới và giới quân sự Đài Loan, ngày 16/10 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Paredes bày tỏ, Philippines và Đài Loan duy trì mối quan hệ tốt đẹp, tin rằng việc Đài Loan bố trí tên lửa phòng thủ tại Biển Đông sẽ không trở thành mối đe dọa đối với Philippines.

Trong một diễn biến khác, các chuyên gia vấn đề trên biển của Đài Loan tham dự Diễn đàn quốc tế về chủ đề Biển Đông vừa qua đã kêu gọi các nước liên quan không nên gạt Đài Loan ra ngoài khi tổ chức các cuộc đàm phán hoặc hiệp thương về chủ đề Biển Đông trong tương lai. Có như vậy mới đảm bảo được tính hoàn chỉnh của các thoả thuận đạt được. Nghiên cứu viên Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế Đại học Chính trị Đài Loan Lưu Phục Quốc viện dẫn “đường 9 đoạn” do chính phủ Trung Hoa Dân Quốc vẽ năm 1947 và Hòa ước 1952 giữa Trung Hoa Dân Quốc với Nhật Bản để nói rõ với những người tham dự căn cứ pháp lý chủ trương chủ quyền của Đài Loan tại Biển Đông.

NB đồng ý trao trả hết Đài Loan, Bành Hồ và Trường Sa, Hoàng Sa và Đông Sa, tuy không nói rõ trao trả cho ai nhưng xét từ tình hình thực tế lúc đó là do Phủ thống đốc Đài Loan quản lý các đảo tại Biển Đông được gộp lại là “quần đảo Tân Nam”, rõ ràng là trao trả cho Trung Hoa Dân Quốc. Lưu Phục Quốc lấy hình tượng “chủ nhà cũ” để hình dung chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, sau này do những thay đổi trong quan hệ hai bờ, xuất hiện việc tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa “chủ nhà mới” là Trung Quốc đại lục với các nước không hề đăng ký chủ quyền. Xét từ góc độ lịch sử, pháp lý và Hoà ước Trung - Nhật sau chiến tranh, các đảo tại Biển Đông đều thuộc chính phủ Trung Hoa Dân Quốc.

Cũng liên quan tới tình hình Biển Đông, “Tân Kinh báo” (Bắc Kinh) ngày 16/10 đưa tin cho biết trong chuyến thăm Indonesia ngày 14/10, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba đã có buổi trao đổi với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa về tình hình Biển Đông, trong đó có những luận điểm được dư luận quan tâm cao.

Ngoại trưởng hai nước cùng cho rằng, cần thiết phải có một khuôn khổ đa phương để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông và hai bên dự kiến sẽ nêu chủ trương này tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Nhật Bản tổ chức vào tháng 11/2011 tại Bali, Indonesia./.

Hồng Hải (gt)