Trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường tuyên truyền để thúc đẩy nhận thức rằng Đài Loan và Trung Quốc đang hợp tác để bảo vệ lãnh thổ và lợi ích “chung” trong khu vực, Đài Loan cần phải thể hiện những chính sách nhằm phân biệt rõ ràng mục tiêu và cách thức của họ với mục tiêu và cách thức của Bắc Kinh. 

Nhà nghiên cứu Michael Cole cho rằng để làm điều đó, Đài Loan cần trung lập hóa đảo Ba Bình. Theo một số chuyên gia, việc Đài Loan kiểm soát đảo Ba Bình - đảo lớn nhất thuộc Trường Sa - và có kế hoạch mở rộng đường băng quân sự tại đây sẽ giúp Đài Loan có một vị trí trên bàn đàm phán, song nó cũng sẽ tác động lớn đến quan hệ của Đài Loan với Việt Nam và Philippines và có thể gây bất lợi tiềm tàng cho các mục tiêu chiến lược lớn hơn của Đài Bắc.

Trên thực tế, việc kiểm soát đảo Ba Bình không có ý nghĩa về mặt quân sự do hòn đảo này gần như không thể phòng thủ được. Đảo Ba Bình gần như trơ trọi trước mọi cuộc tấn công trên biển, trên không và tên lửa đạn đạo, ngoài ra khoảng cách giữa hòn đảo này với đảo Đài Loan là 1.600 km, khiến cho việc kết nối giữa đảo này và Đài Loan khó được đảm bảo nếu xảy ra xung đột. Vì thế, Đài Loan nên ngay lập tức từ bỏ chủ quyền đối với đảo Ba Bình, tuyên bố trung lập hóa và giao nó cho một tổ chức đa phương. Ngoài ra, Đài Loan cần rút toàn bộ lực lượng cảnh sát biển và nhân viên hỗ trợ quân sự khỏi đảo cũng như di dời mọi cơ sở và khí tài quân sự tại đây, trừ phi chúng phục vụ cho mục đích dân sự. Do hầu hết dư luận Đài Loan không mấy quan tâm đến tuyên bố chủ quyền đối với đảo Ba Bình nên một động thái như vậy dường như không có nguy cơ gây ra sự phản đối tại Đài Loan. 

Sau khi trung lập hóa đảo Ba Bình và di dời lực lượng đồn trú của Đài Loan tại đây, việc phòng thủ đảo này và vùng biển lân cận nên được chuyển cho các bên không có tuyên bố chủ quyền trong tổ chức đa phương mới. Trung tâm Sáng kiến Ba Bình (TIC), với ngân sách do các thành viên đóng góp đồng đều, cần được thiết lập trên đảo. TIC sẽ nghiên cứu giải pháp giải quyết xung đột, phát triển bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường và chống cướp biển. TIC cũng sẽ quy tụ các chuyên gia quốc tế để tiến hành nghiên cứu sâu nhằm đánh giá nguồn dự trữ khí đốt dưới đáy Biển Đông và từ đó tránh những ước tính thổi phồng mà một số bên tuyên bố chủ quyền sử dụng để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những toan tính chiến lược, quốc phòng hay lãnh thổ thuần túy. 

Dù không có gì đảm bảo rằng các bên tranh chấp khác sẽ đồng ý tham gia sáng kiến trên, song chỉ riêng việc “cho phép” Đài Loan đóng một vai trò cũng như thái độ khiêu khích của Trung Quốc trong những năm qua sẽ khiến các nước Đông Á dễ dàng chấp nhận sáng kiến hòa bình của Đài Bắc hơn, và thậm chí sẵn sàng mạo hiểm “chọc giận” Trung Quốc bằng cách đồng ý hợp tác với Đài Loan. Bất chấp cách hành xử đối nghịch của Trung Quốc, nước này cần được mời tham gia sáng kiến trên. Do Bắc Kinh vẫn phản đối các tổ chức đa phương can dự vào các tranh chấp lãnh thổ khu vực và muốn giải quyết song phương, nên hiện chưa rõ Trung Quốc có đồng ý tham gia TIC hay không, đặc biệt khi Đài Loan có vai trò trong đó. 

Do đã bị cô lập, Đài Loan phải vận dụng các sáng kiến “quyền lực mềm” nếu như vẫn muốn có vai trò trong khu vực. Bằng việc sáng tạo và dám làm điều nước khác không "mơ" đến, trong trường hợp này là từ bỏ chủ quyền đối với đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, Đài Bắc sẽ có vị thế như một thành tố hòa bình và tách biệt mình hơn nữa khỏi cách tiếp cận hung hăng của Bắc Kinh trong những năm gần đây. Nếu thành công, TIC có thể là hình mẫu giải pháp cho các cuộc xung đột tại những khu vực khác trên Biển Đông và từ đó biến Đài Loan thành một nhà kiến tạo hòa bình thực sự.

Theo "The Diplomat" (ngày 13/6)

Nhật Linh (gt)