Ảnh hưởng của Mỹ đang gặp phải thách thức trực diện từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Về kinh tế

Trung Quốc đang tìm cách thể chế hóa sự cưỡng ép về địa kinh tế tại Châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc: i) Thúc đẩy thiết lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) nhằm làm xói mòn ảnh hưởng của WB và IMF là hai tổ chức tài chính do Mỹ dẫn dắt; ii) Thúc đẩy Khu vực tự do thương mại Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhằm liên kết các nền kinh tế của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ với các nước Đông Nam Á; iii) Thúc đẩy sáng kiến Con đường tơ lụa mới nhằm mở tuyến đường giao thương xuyên Trung Á và tuyến đường hàng hải dọc Đông Nam Á và Nam Á, từ đó giúp kết nối về mặt địa chính trị giữa Trung Quốc với các nền kinh tế Châu Á và vươn tới Trung Đông, Châu Âu; iv) Thảo luận về việc thiết lập Ngân hàng phát triển BRICS gồm Brazil, Nga, ẤN Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc thấp hơn Mỹ; tuy nhiên sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong hơn 30 năm qua đã tạo nguồn lực để Trung Quốc đương đầu với thách thức an ninh từ các nước láng giềng và ảnh hưởng của Mỹ ở Châu Á. Trong tương lai, tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối của Trung Quốc có khả năng sẽ cao hơn Mỹ.

Về quốc phòng

Trung Quốc tiến hành hiện đại hóa PLA nhằm tăng cường sức mạnh quân sự chống lại các nguy cơ bên trong và bên ngoài, trong đó có Mỹ. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng trung bình 15.9%/ năm trong giai đoạn từ 1998 đến 2007. Đồng thời, chi tiêu Quốc phòng của Trung Quốc cũng tăng 40-55% kể từ năm 2014.

Cân bằng sức mạnh ở Châu Á -  Vấn đề gây lo ngại nhất trong quan hệ Mỹ - Trung

Chiến lược lớn của Trung Quốc với Mỹ là rõ ràng: thay thế Mỹ với vai trò là chủ thể chiến lược chính yếu ở Châu Á; làm suy yếu hệ thống liên minh của Mỹ ở khu vực; làm xói mòn niềm tin của các nước Châu Á với Mỹ; sử dụng sức mạnh kinh tế để lôi kéo các nước Châu Á xích lại gần Trung Quốc; tăng cường năng lực quân sự để ngăn chặn Mỹ can thiệp quân sự; thể hiện nghi ngại về mô hình kinh tế Mỹ; đảm bảo các giá trị dân chủ Mỹ không làm Đảng Cộng sản Trung Quốc mất đi sức mạnh trong nước; tránh đối đầu lớn với Mỹ trong thập kỷ tới.

Chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc

Chính sách lớn của Mỹ lâu nay vẫn tập trung vào việc duy trì sức mạnh nổi trội trước các đối thủ. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, Mỹ đã thất bại trong việc áp dụng cách tiếp cận này để đảm bảo an ninh quốc gia.

Có nhiều lựa chọn chính sách với Trung Quốc đang được thảo luận tại Mỹ: khuyến khích Trung Quốc trở thành thành viên có trách nhiệm hoặc thống nhất khái niệm mới về quan hệ kiểu mới giữa các cường quốc. Tuy nhiên, cả hai cách tiếp cận này đều không đủ để củng cố chiến lược lớn của Mỹ với Trung Quốc trong thế kỷ 21 cũng như duy trì sự vượt trội của Mỹ ở khu vực. Hơn nữa, Mỹ cần tập trung hành động để cân bằng sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc thay vì cố gắng kháng cự lại sự suy yếu. Đồng thời, chính sách của Mỹ với Trung Quốc không nên mang tính kiềm chế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thay vào đó, chính sách của Mỹ cần thay đổi lớn để tránh nguy cơ mở rộng về địa kinh tế, ngoại giao, quân sự của Trung Quốc thách thức lợi ích quốc gia của Mỹ ở Châu Á và toàn cầu.

Mỹ cần tập trung vào 5 mục tiêu trong việc triển khai chính sách với Trung Quốc: khôi phục kinh tế Mỹ để tạo lợi thế kinh tế đối xứng; đạt các thỏa thuận thương mại mới với các nước bạn bè, trong đó không có sự tham gia của Trung Quốc; cùng các đồng minh tái thiết lập thể chế kiểm soát về công nghệ để ngăn Trung Quốc tăng cường năng lực chiến lược và quân sự; củng cố năng lực của đồng minh và bạn bè trong vùng ngoại biên của Trung Quốc; cải thiện năng lực quân đội phát huy hiệu quả sức mạnh của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương; đồng thời tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong những vấn đề thuộc lợi ích của Mỹ.

Lược dịch từ The National Interest

Văn Cường (gt)