vn-usa.jpg


Tại Trung Quốc, "câu thần chú" trong chính sách đối ngoại trước đây là “giấu mình chờ thời”, nghĩa là giữ kín những “quân bài” và tránh mạo hiểm. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi. Tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố “thời đại mới” đã bắt đầu. Giờ là lúc Trung Quốc thể hiện mình, tung ra những lợi thế họ có được với tư cách một quốc gia “ngày nay đang vươn cao và đứng vững ở phía Đông”. Tập Cận Bình đã đề ra một tầm nhìn cho hệ thống chính trị hoàn toàn đi ngược lại với các giá trị về dân chủ và tự do ngôn luận của phương Tây, những giá trị mà truyền thông thân Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng chỉ đem đến bất ổn, hỗn loạn và suy thoái cho chính phương Tây.

Liệu đó có phải là một sự thắng thế của Trung Quốc? Liệu Trung Quốc có sắp sửa thay Mỹ trở thành cường quốc số 1 ở châu Á-Thái Bình Dương? Để tìm câu trả lời, châu Á đang chờ đợi Tổng thống Mỹ Donald Trump, người sẽ tới châu Á vào ngày 3/11 để bắt đầu chuyến công du kéo dài 10 ngày với các điểm dừng chân ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Carnegie-Thanh Hoa, từng phụ trách vấn đề Trung Quốc trong Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và George W. Bush, nói: “Chính quyền Trump và giới chức ở Washington phải thức tỉnh… Trong chuyến công du châu Á, ông Trump phải làm thế nào để xóa bỏ những ý kiến cho rằng vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế nói chung và tại châu Á nói riêng đang bị thu hẹp dần”.

Giới ngoại giao và chuyên gia cho rằng câu hỏi cơ bản hơn là liệu ông Trump có thể xóa bỏ những tổn hại mà ông gây ra cho danh tiếng của Mỹ trong khu vực, và phủ nhận những nhận định về sự "suy thoái" của Mỹ trước một Trung Quốc đang trỗi dậy hay không. Giới ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh cho biết những người đồng cấp tới từ châu Phi, Mỹ Latinh hay thậm chí là những khu vực nghèo hơn ở châu Âu đang ngày càng quan tâm hơn tới hệ thống chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Một nhà ngoại giao nói: “Điều này đặc biệt đúng tại các quốc gia có xu hướng độc tài, những người có thể tuyên bố rằng mô hình kinh tế và chính trị của Trung Quốc là hiệu quả và hữu ích, rằng nền kinh tế sẽ phát triển nở rộ… Càng nằm xa Trung Quốc về mặt địa lý, họ càng thích thú với những thứ này”.

Tuy nhiên, tại châu Á-Thái Bình Dương, nơi gần hơn với Trung Quốc, nhiều quốc gia vẫn trông chờ vào Mỹ để duy trì hòa bình khu vực và kiềm chế Trung Quốc. Ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Úc, trong khi những tham vọng về lãnh thổ của Trung Quốc càng khiến Việt Nam và Ấn Độ cứng rắn hơn. Giáo sư chính trị Andrew Nathan, chuyên gia về Trung Quốc tại trường Đại học Colombia ở New York, cho rằng nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn thế giới vấp phải nhiều sự phản đối hơn so với những gì mà Mỹ làm. Ông nói: “Tôi không chắc lý do là gì, song dù thực tế là Mỹ cũng đã làm nhiều điều không mấy tốt đẹp, họ vẫn được chấp nhận và được xem là đáng tin cậy hơn…Tiền của Trung Quốc có thể được đón nhận, và ảnh hưởng của họ cũng có tác động đáng kể trong những trường hợp cần thiết, song tôi không nghĩ là ‘sự lãnh đạo’ của Trung Quốc lại được chào đón dù là ở các nước láng giềng hay ở châu Phi và châu Âu’.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, chuyến công du châu Á dài ngày của Tổng thống Trump nhiều khả năng là để trấn an các đồng minh đang lo ngại, dù quyết định không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Philippines của Trump đang làm dấy lên nhiều nghi ngại. Rana Mitter, Giáo sư chuyên ngành lịch sử và chính trị Trung Quốc hiện đại tại trường Đại học Oxford, cho rằng bài phát biểu của Trump tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ là một điểm then chốt trong các cam kết của Mỹ đối với khu vực. Theo ông Mitter, dư luận sẽ theo dõi sát sao bài phát biểu này để xem xem liệu Tổng thống Trump có đưa ra một cam kết rõ ràng và thống nhất, hay đó sẽ chỉ là những đánh giá mập mờ gây hoang mang hơn nữa.

Xét cho cùng, ông Mitter bình luận rằng mọi chuyện phụ thuộc vào việc Washington quyết định xem họ muốn nắm giữ bao nhiêu ảnh hưởng hay sẽ để vai trò lãnh đạo rơi vào tay Trung Quốc. Ông nhấn mạnh: “Nhìn một cách khách quan, quyền lực của Mỹ, xét trên phương diện ảnh hưởng và đồng minh, tại Đông Á vẫn lớn hơn nhiều so với của Trung Quốc… Mỹ vẫn còn rất nhiều quân bài trong tay. Mọi chuyện phụ thuộc vào việc họ muốn chơi nó như thế nào, hay sẽ giữ nó trong gầm bàn”.

Theo “Washingtonpost

Mỹ Anh (gt)