Hôm 23/11, Trung Quốc đã điều một máy bay tuần tra để củng cố ADIZ mới tuyên bố của nước này trên biển Hoa Đông. Đáp lại, Nhật Bản đã điều động các máy bay chiến đấu bay vào khu vực này. Theo tuyên bố về ADIZ của Trung Quốc, bất kỳ máy bay quân sự nào bay vào ADIZ đều phải thông báo lịch trình bay, duy trì thông tin liên lạc vô tuyến và phản hồi kịp thời các yêu cầu nhận dạng của nhà chức trách Trung Quốc. 

Trung Quốc cũng tuyên bố rằng các lực lượng vũ trang nước này “sẽ áp dụng các biện pháp phòng thủ khẩn cấp để đối phó với những máy bay không hợp tác trong việc nhận dạng hoặc từ chối làm theo yêu cầu”. Tình hình càng phức tạp hơn khi ADIZ của Trung Quốc chồng chéo một phần với các ADIZ của Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, đồng thời nằm trên khu vực không phận của quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku. Thời điểm chọn lựa và cách thức hành động của Trung Quốc rõ ràng đã làm phức tạp thêm tình hình vốn đã nguy hiểm. 

Về lý thuyết, những vùng nhận dạng chồng lấn nhau không phải là điều bất thường và có thể được giải quyết bằng cách cùng hợp tác. Các quan chức, chuyên gia phân tích tại Nhật Bản và Mỹ coi những hành động này như việc kéo căng sợi dây vốn đã căng trong các mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Nhật Bản tuyên bố ADIZ của Trung Quốc đã gây leo thang mối nguy hiểm về những “va chạm” bất ngờ giữa quân đội Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, đồng thời gây ra một “sự phản đối nghiêm trọng”. 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đưa ra một tuyên bố đầy quan ngại, đồng thời yêu cầu Trung Quốc “không hiện thực hóa lời đe dọa của nước này trong việc thực hiện hành động chống lại máy bay không thông báo danh tính hoặc chấp hành yêu cầu của Bắc Kinh”. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thì thể hiện lập trường gay gắt hơn. Ông Chuck Hagel nói rằng việc Trung Quốc áp đặt ADIZ là một “nỗ lực gây mất ổn định nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực”. Ông Hagel nhắc nhở Bắc Kinh rằng các đảo tranh chấp chịu ảnh hưởng của Hiệp ước an ninh Mỹ- Nhật năm 1952, và trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công, Mỹ cam kết ủng hộ Nhật Bản chống lại một “mối nguy hiểm chung”. 

Nhật Bản đã cho thấy rằng máy bay của Lực lượng Phòng vệ nước này sẽ phớt lờ các yêu cầu của Bắc Kinh về việc phải có được sự cho phép của Trung Quốc trước khi bay vào ADIZ. Trong khi đó, ông Hagel cũng cho biết Mỹ sẽ không thay đổi phương thức tiến hành các hoạt động quân sự của họ trong khu vực. 
Cùng với tuyên bố trên, hôm 26/11, 2 máy bay ném bom B-52 của Mỹ cất cánh từ đảo Guam đã bay qua ADIZ mà không “thông báo lịch trình bay, phát tín hiệu trước hoặc đăng ký tần số”, một hành động dường như tìm cách khẳng định ADIZ của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp hiện hành. Trung Quốc nói rằng nước này đã theo dõi các máy bay đó – nhưng không làm điều gì khác. 

Động thái này dường như mâu thuẫn với quan điểm của Mỹ rằng Trung Quốc và Nhật Bản nên giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải ở biển Hoa Đông bằng giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, nó có thể giúp giảm bớt nỗ lực của Nhật Bản trong việc đẩy mạnh triển khai ngay các tàu chiến và máy bay đến khu vực này. Rõ ràng, tình hình này đầy nguy cơ “bên miệng hố chiến tranh” và những “khả năng” đối đầu - trừ khi hai bên điềm tĩnh hơn. 

Theo quan điểm của Trung Quốc, họ tuyên bố thành lập ADIZ chỉ đơn giản là “cân bằng sân chơi bình đẳng”. Trung Quốc có “quyền”, bởi theo tiền lệ và thông lệ quốc tế, việc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các vùng biển của họ. Hơn nữa, Trung Quốc nói rằng các quy định về ADIZ sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông hàng không thương mại thông thường, qua đó ngầm ám chỉ rằng những quy định này chỉ áp dụng đối với máy bay quân sự. 

Khía cạnh này cần được làm sáng tỏ. Tân Hoa xã tuyên bố ADIZ “có thể góp phần vào hòa bình và an ninh khu vực bằng cách kiềm chế sự quá khích ngày càng tăng của các lực lượng cánh hữu ở Nhật Bản”. Thật vậy, theo quan điểm của Trung Quốc, chính Nhật Bản với chủ nghĩa dân tộc và sự hung hăng đang gia tăng dẫn đến việc đã làm thay đổi “hiện trạng” bằng cách “quốc hữu hóa” quần đảo tranh chấp. Trong bối cảnh này, tuyên bố của Trung Quốc có lẽ là một phần của phản ứng đối với “lời đe dọa” của Nhật Bản bắn hạ máy bay do thám của Trung Quốc bay trên khu vực tranh chấp. 

Các vùng nhận dạng phòng không không phải là mới và luôn luôn mang tính đơn phương và gây tranh cãi. Trên thế giới hiện có hơn 20 quốc gia đã tuyên bố về vùng phòng không như vậy. Theo truyền thông Trung Quốc, ADIZ của Nhật Bản đã được Mỹ lập ra và chuyển giao cho Nhật Bản quản lý trong năm 1969. Họ nói rằng Nhật Bản đã đơn phương mở rộng vùng này hai lần, vào năm 1972 và năm 2010. Tuy nhiên, ADIZ của Nhật Bản không được Trung Quốc hay Nga công nhận. 

Mỹ có 5 vùng ADIZ xung quanh khu vực Bắc Mỹ, bao gồm một vùng rộng lớn bên ngoài Alaska và quần đảo Aleutian với hàng trăm km mở rộng ra biển. Trong vùng này, cả máy bay dân sự và quân sự nước ngoài đều bị theo dõi và chất vấn. Vùng phòng không của Mỹ đang được các cơ quan kiểm soát không lưu dân sự và Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ quản lý chung. 

Mỹ yêu cầu bất kỳ máy bay nào bay vào vùng nhận dạng phòng không của họ đều phải thông báo lịch trình bay và điểm đến. Bất kỳ máy bay nào bay trong vùng này mà không được phép có thể bị coi là một mối đe dọa, và có khả năng bị máy bay chiến đấu can thiệp. 

Mặc dù Ngoại trưởng John Kerry nói rằng Mỹ không công nhận quyền của một quốc gia ven biển áp dụng các thủ tục ADIZ đối với máy bay nước ngoài không có ý định xâm nhập không phận quốc gia, nhưng trên thực tế Mỹ vẫn cố gắng áp dụng ADIZ của họ đối với máy bay quân sự không có ý định bay vào không phận Mỹ. Ví dụ, Mỹ vẫn điều máy bay chiến đấu cơ để chặn máy bay ném bom của Nga trong ADIZ của họ, bất chấp “hậu quả” là gì. Trong vài tháng vừa qua, các máy bay phản lực của Mỹ đã chặn các máy bay ném bom Bear ở ADIZ Alaska ít nhất là 5 lần. 

Về lý thuyết, các vùng ADIZ chồng lấn nhau không phải là điều bất thường và có thể giải quyết theo cách cùng hợp tác giống như trường hợp giữa Mỹ và Canada . Tuy nhiên, ở Biển Hoa Đông, các vùng nhận dạng này liên quan đến không phận bên trên các đảo và vùng biển tranh chấp của hai nước đối địch nhau, và do đó có nguy cơ dẫn tới xung đột. 

Hy vọng rằng, tất cả các bên sẽ kiềm chế và tình trạng này có thể được thương lượng cũng như giải quyết bằng một số định hướng tình nguyện nào đó đối với việc điều động các máy bay quân sự trong những vùng chồng lấn nhau. Nhật Bản và Nga có một quá trình tham vấn thường xuyên “để giám sát những va chạm quân sự và ngăn chặn hành vi nguy hiểm" xung quanh quần đảo Nam Kuril/Vùng Lãnh thổ phương Bắc”. 

Tuy nhiên, ngay giờ đây, không có quy định nào đã được chính thức nhất trí liên quan đến khu vực nhận dạng phòng không hoặc việc tiến hành các quy định này. Có lẽ một hội nghị được Liên Hợp Quốc bảo trợ có thể giúp hình thành một thỏa thuận quốc tế để giải quyết những vấn đề này. Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lần lượt đến Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là một cơ hội để bắt đầu một con đường phía trước./.

Tác giả Mark J. Valencia  đăng trên Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ( Hong Kong )

Thùy Anh (gt)