Cuộc họp trên dự kiến tập trung vào các chủ đề sau:

1. Liên quan tới cả sáu thành viên ASEAN khác 

Biển Đông có nhiều vấn đề hơn chỉ là các cuộc tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia tuyên bố chủ quyền. Có những vấn đề cũng liên quan tới tất cả các nước ASEAN như làm thế nào để thuyết phục Trung Quốc bắt đầu thảo luận một cách chính thức về dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Cái mà chúng ta đang thấy là một tình trạng nghịch lý. ASEAN muốn sớm có kết luận về vấn đề COC nhằm khôi phục lòng tin giữa ASEAN và Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc nói sẽ cùng ASEAN bàn về dự thảo COC "chỉ khi các điều kiện chín muồi". Lần đầu tiên Bắc Kinh muốn xây dựng lại lòng tin bằng việc thực hiện các dự án hợp tác trong khuôn khổ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) hiện nay. Ngoài sáu nước ASEAN khác, cuộc họp tại Manila của 4 nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền vào ngày 12/12 này sẽ cho thấy sự thống nhất của ASEAN. ASEAN được coi là đang chịu những thất bại nghiêm trọng trong cả Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 21 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 45 vì những bất đồng xung quanh Biển Đông. 

2. Làm thế nào để DOC hiệu quả hơn? 

Tất cả các bên trong DOC (10 nước ASEAN và Trung Quốc) đều phải đồng ý rằng DOC đã thất bại trong việc cải thiện tình hình trên Biển Đông. Liệu còn có cái gì thêm nữa để có thể tránh được sự đối đầu và hành động đơn phương trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông, điều có thể dẫn tới các cuộc xung đột và leo thang vũ trang? 

3. Xác định rõ ai tuyên bố chủ quyền ở nơi nào 

Đây sẽ là lần đầu tiên 4 nước ASEAN tuyên bố chủ quyền có thể làm rõ với nhau về việc họ tuyên bố chủ quyền ở những địa điểm nào. Tuyên bố của Brunây ở các bãi ngầm Louisa và bãi cạn Rifleman là rất nhỏ và ít được nhắc tới như một nước tuyên bố chủ quyền trong các tranh chấp trên Biển Đông. Việt Nam, được biết, là có tuyên bố chủ quyền toàn bộ quần đảo Trường Sa, nhưng chưa rõ liệu họ có tuyên bố chủ quyền bãi ngầm Scarborough, nơi đang có những tranh cãi nghiêm trọng giữa Trung Quốc và Philíppin kể từ tháng 4 hay không. Malaixia là một bên nữa có tuyên bố chủ quyền ở một nửa phía Nam của Trường Sa. 

4. Dựa trên cơ sở nào? 

Một điều cũng hữu ích là dựa trên cơ sở nào để mỗi nước có thể tuyên bố chủ quyền một khu vực biển tranh chấp trong Biển Đông. Việt Nam dường như sẽ sử dụng "quyền lịch sử" rất giống với Trung Quốc trong việc khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình. Nhưng "quyền lịch sử" chưa được trực tiếp công nhận trong Công ước Liên hợp quốc về luật biển. 

5. Thỏa thuận về những gì được tuyên bố 

Một vấn đề khác cũng quan trọng hơn cả vấn đề kỹ thuật là cố gắng thỏa thuận về cơ sở pháp lý và kỹ thuật của từng địa điểm đang tranh chấp xem liệu đó là một hòn đảo, một bãi đá, một bãi ngầm hay một cơ sở nhân tạo. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, chỉ có hòn đảo nào - một khu đất được hình thành tự nhiên và bao quanh bởi nước, nổi trên mặt nước khi thủy triều lên và có thể sinh sống hoặc duy trì được cuộc sống kinh tế tự túc - mới có quyền tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế (lên tới 200 hải lý) hoặc thềm lục địa. Quyết định của Tòa án quốc tế ngày 19/11 về trường hợp giữa Nicaragoa và Côlômbia đã chỉ ra rằng tòa án thế giới không ủng hộ việc các hòn đảo (thuộc về Côlômbia) được trao quá nhiều quyền lợi kinh tế hoặc sẽ xâm lấn vào khu vực đặc quyền kinh tế của các nước ven biển (như Nicaragoa). 

6. Giải mã tuyên bố đường chín đoạn của Trung Quốc 

Một vấn đề quan trọng nữa sẽ được thảo luận là đường chín đoạn nổi tiếng trong tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông, cái cắt ngang các khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển trên Biển Đông, bao gồm đảo Natuna Besar ngoài khơi của Inđônêxia. Trung Quốc vẫn chưa xác định cơ sở hình thành đường chín đoạn hình chữ U, hay còn gọi là "lưỡi bò" này. Nếu nó mô tả đường biên giới biển của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ phải có cơ sở pháp lý đằng sau đường chín đoạn đó. Một hàm ý nghiêm trọng là Trung Quốc có thể tuyên bố có quyền pháp lý quy định hoạt động hàng hải hoặc các hoạt động khác trong hầu hết các khu vực trên Biển Đông. Điều này rõ ràng không chỉ gây lo ngại cho 4 nước ASEAN tuyên bố chủ quyền mà còn cho toàn bộ các thành viên ASEAN, cũng như các nước khác sử dụng các tuyến đường biển quốc tế trên Biển Đông vì mục đích vận tải và thương mại. 

7. Các hoạt động quân sự trên Biển Đông 

Đây là một vấn đề nữa gây lo ngại cho tất cả các nước thành viên ASEAN. Điều gì sẽ diễn ra với các hoạt động quân sự bí mật của các tàu chiến nước ngoài bên ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý của các quốc gia ven biển, nhưng nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý? Nhiều nước, gồm Trung Quốc, Việt Nam và Inđônêxia, không cho phép các hoạt động quân sự bí mật của các tàu chiến nước ngoài trong các khu vực đặc quyền kinh tế của mình. Tuy nhiên, Mỹ, nước vẫn chưa phê chuẩn Công ước về luật biển, lại khẳng định rằng các tàu chiến của họ có "quyền tự do hàng hải" bên ngoài vùng lãnh hải của tất cả các nước duyên hải trên Biển Đông. Đây là một vấn đề quan trọng mà các nước ASEAN cần có một lập trường chung. 

8. Vai trò của Đài Loan là gì 

Một vấn đề khác mà các nước ASEAN có thể giải quyết một cách tập trung là làm thế nào để giải quyết với Đài Loan. Đài Loan đang chiếm đảo Itu Aba hay còn gọi là Ba Bình, đảo lớn nhất ở Trường Sa. Các quan chức và các học giả Đài Loan đã tham gia Hội thảo Track 1.5 về việc xử lý xung đột tiềm tàng trên Biển Đông, do Inđônêxia tổ chức trong 22 năm qua. Đài Loan hiện muốn được quốc tế công nhận như là một bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và một số còn muốn tham dự soạn thảo COC. 

9. Tiến tới cùng phát triển 

Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình những năm 1980 đã đề nghị gác lại tranh chấp tuyên bố chủ quyền và cùng tham gia phát triển trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng lời đề nghị này không được các nước tuyên bố chủ quyền khác đáp lại bởi họ cho rằng Trung Quốc làm như vậy là muốn khẳng định toàn bộ các khu vực biển đằng sau đường lưỡi bò thuộc về nước này. Để lời đề nghị này hấp dẫn hơn, Trung Quốc có thể đưa ra một tuyên bố mới thể hiện việc chấp nhận lời đề nghị trên của Trung Quốc để cùng phát triển sẽ không làm khó bất kỳ một quốc gia tuyên bố chủ quyền nào khác trên Biển Đông. Đây là giải pháp được cả ASEAN và Trung Quốc xây dựng nhằm tạo khả năng để Trung Quốc ủng hộ một Khu vực Đông Nam Á phi hạt nhân. Sự phát triển chung như vậy có thể bắt đầu ở những khu vực chỉ có hai nước tuyên bố chủ quyền như bãi ngầm Scarborough giữa Trung Quốc và Philíppin hay khu vực Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam. 

10. Cần cách tiếp cận mới 

Tranh chấp sẽ trở nên phức tạp bằng những tuyên bố chồng lấn trong khu vực kinh tế biển cũng như gia tăng những đòi hỏi về bản chất của từng địa điểm tuyên bố chủ quyền trong khu vực tranh chấp. Mỗi bên tuyên bố chủ quyền vì vậy đều cố gắng hành động đơn phương nhằm củng cố tính hợp lệ của các tuyên bố của mình nhằm tận dụng tối đa lợi thế của nó. Như vậy là một giải pháp đều thắng là không thể. Điều cần thiết hiện nay là cần một cách tiếp cận mới, một cách suy nghĩ mới với vấn đề là: mỗi bên tuyên bố chủ quyền có thể làm gì để từ bỏ tuyên bố nhằm tạo điều kiện phát triển một giải pháp mới để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo một phương thức cùng thắng?./. 

Tác giả Termsak Chalermpalanupap hiện là nghiên cứu sinh tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Học viện ISEAS, Xinhgapo. Bài viết đăng lần đầu tiên trên tờ "Dân tộc" ngày 26/11.

Hương Trà (gt)