"Thành phố Tam Sa" là thành phố mới nhất của Trung Quốc, có diện tích đất liền là 13 km2, nhưng quản lý tới 2 triệu km2 vùng biển quanh đó, và 613 cư dân. Thành phố này có thị trưởng riêng, có sân bay, siêu thị, và một đơn vị đồn trú của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Theo tác giả, việc Trung Quốc lập "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông là một sự khẳng định táo bạo quyền kiểm soát của quốc gia này trong khu vực. Ông cho rằng điều đáng buồn là khi đối mặt với quyết tâm mạnh mẽ như vậy của Trung Quốc, ASEAN đã không thể tìm được một tiếng nói chung để phản đối Bắc Kinh.

Tác giả dẫn chứng sự kiện hồi đầu tháng 7/2012 tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM-45) ở Phnôm Pênh, ASEAN đã bộc lộ sự thiếu hiệu quả và thiếu thống nhất khi đối mặt với cuộc vận động hành lang cấp cao của các quan chức Trung Quốc và Mỹ. Không chỉ vậy, AMM-45 đã kết thúc mà không ra được một tuyên bố chung. Tác giả cho rằng ASEAN đang đứng trước nguy cơ trở nên thụ động trong một "trò chơi" mới - cuộc đối đầu địa chính trị trực tiếp giữa Trung Quốc và Mỹ.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi điểm chính của sự bất đồng là Biển Đông, với những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn, mối hận thù lịch sử và cạnh tranh năng lượng. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết các vùng ở Biển Đông, nhưng thật không may, tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc lại xung đột với các tuyên bố riêng của Việt Nam, Brunây, Malaixia và Philíppin.

Những tranh chấp này trở nên căng thẳng bởi hai yếu tố: tầm quan trọng của các tuyến đường giao thương và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ dưới biển. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc sốt sắng khẳng định chủ quyền của mình tại khu vực này. Trung Quốc đã đụng độ với Việt Nam năm 1974 trên quần đảo Hoàng Sa và trở nên nguy hiểm khi lặp lại những hành động này với Philíppin tại bãi đá ngầm Scarborough. Không chỉ vậy, việc Mỹ tập trung hơn vào châu Á và cân nhắc hỗ trợ thuộc địa cũ là Philíppin, tiến hành triển khai quân tại Ôxtrâylia cũng như cải thiện quan hệ với Mianma và Việt Nam đã tạo ra một "hỗn hợp" có khả năng bùng nổ cao.

Trong khi đó, tác giả Raslan cho rằng ASEAN "nhút nhát hơn thỏ đế" và đang bị kẹt giữa hai cường quốc này. Tuy nhiên, xét trên một số bình diện, sự lưỡng lự của ASEAN có lẽ không phải là điều đáng ngạc nhiên. Nhiều minh chứng cho thấy có rất ít sự gắn kết trong khối ASEAN. Trong bối cảnh ASEAN thực sự cần chống lại sự can thiệp của các siêu cường, khối này lại đang phải đối mặt với sự thiếu gắn kết và chia rẽ. Việc Campuchia từ chối chấp thuận ra bản tuyên bố chung tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN mới đây đã phản ánh sự phụ thuộc về kinh tế của nước này đối với Trung Quốc.

Trong khi đó, Inđônêxia lại xem những bế tắc đó là cơ hội để chứng tỏ khả năng lãnh đạo khu vực của mình. Kết quả là Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã chỉ đạo Ngoại trưởng Marty Natelgawa thực hiện chuyến đi tới các nước ASEAN để tìm kiếm một sự đồng thuận mới về vấn đề Biển Đông.

Đối với Malaixia và Xinhgapo, giải quyết tình trạng bế tắc về vấn đề Biển Đông đòi hỏi hai nước này phải cực kỳ khôn khéo. Là các quốc gia thương mại đa chủng tộc, cả hai đều phải khẳng định chủ quyền của họ và khả năng của ASEAN mà không cần xa lánh Trung Quốc.

Theo tác giả, "Thế kỷ châu Á" đang trải qua đầy nguy hiểm và không an toàn, đó là chưa kể đến chính sách đối ngoại và bộ máy quân sự của Trung Quốc ngày càng thất thường và rối loạn chức năng. Vấn đề cốt lõi là liệu các nước ASEAN sẽ đoàn kết với nhau hay đi theo con đường của riêng mình? Thúc đẩy và thực hiện hội nhập khu vực cũng như xây dựng cộng đồng ASEAN hay giảm dần giao dịch với Trung Quốc? Điều mà các nước trong khu vực ASEAN cần làm chính là giải quyết các thách thức cơ bản này. 

Raslan là nhà bình luận chuyên nghiệp về chính trị xã hội khu vực Đông Nam Á của đài BBC, CNN, CNBC, Al Jazeera và Bloomberg.

Theo The Star Online (Malaysia)

Tiến Tiệp (gt)