Trả lời phỏng vấn báo chí tại Diễn đàn Toàn cầu về Tương lai Trung Quốc diễn ra ở Xinh-ga-po trong hai ngày 11-12/7, ông Roy cho biết Mỹ không có hứng thú tạo thêm nhiều bất đồng trong vấn đề Biển Đông. Việc bảo vệ hòa bình Biển Đông, giải quyết ổn thỏa tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này, tránh làm cho tình hình xấu đi phù hợp với lợi ích căn bản của Mỹ.

Khi được hỏi trong vấn đề Biển Đông, Mỹ có ủng hộ Philíppin hay không, ông Roy nói: “Một số bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp Biển Đông đang tìm cách lôi kéo Mỹ vào vấn đề này”. Philíppin yêu cầu Mỹ mở rộng hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước để hiệp ước này bao gồm cả vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ luôn giữ thái độ cự tuyệt đối với yêu cầu này. Nguyên nhân là Mỹ luôn kiên trì việc không đưa ra bất cứ lập trường nào đối với các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ông Roy cũng cho biết việc Đại sứ Mỹ tại Philíppin Harry Thomas mấy ngày trước nói rằng Mỹ ủng hộ Philíppin trong vấn đề Biển Đông là không phù hợp với chính sách hiện hành của Mỹ.

Liên quan tới lời kêu gọi giải quyết tranh chấp Biển Đông theo “tiến trình ngoại giao mang tính xây dựng” và tuyên bố Mỹ mong muốn thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, do Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đưa ra tại Hà Nội vào tháng 7/2010, ông Roy cho rằng phát biểu của bà Hillary đã bị thế giới bên ngoài hiểu nhầm. Theo ông Roy, ý của bà Hillary chỉ muốn giúp các bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp trong việc xây dựng COC và tái khẳng định sự quan tâm chú ý của Mỹ đối với việc duy trì sự thông suốt của tuyến giao thông trên Biển Đông. Mỹ không có ý can dự vào tranh chấp chủ quyền Biển Đông cũng như không muốn tạo ra thêm nhiều bất đồng trong vấn đề này. Ông Roy nói: “Có thể tưởng tượng là tới một lúc nào đó, câu chuyện tranh chấp Biển Đông có thể sẽ cần tới sự giúp đỡ của bên thứ ba, nếu không thì các bên liên quan khó có thể đạt được nhận chức chung thống nhất về một số vấn đề khó khăn. Do đó, chúng tôi (Mỹ) đã chuẩn bị sẵn sàng đóng vai trò như vậy để giúp đỡ các bên liên quan trực tiếp tới tranh chấp. Lẽ nào đây không phải là sự thể hiện thiện ý?” Tuy nhiên, ông Roy cũng nói rằng với những gì ông được biết thì tới nay Mỹ vẫn chưa nhận được yêu cầu chính thức của bất cứ bên liên quan trực tiếp nào tới tranh chấp Biển Đông về việc giúp đỡ xây dựng COC.

Theo ông Roy, sở dĩ vấn đề Biển Đông phức tạp là do Đông Nam Á cho rằng Trung Quốc có thái độ cứng rắn hơn trước trong việc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, người dân nước này đang phê phán chính quyền quá bị động trong vấn đề Biển Đông vì Philíppin, Ma-lai-xi-a và Việt Nam đều đi trước Trung Quốc trong việc tăng cường bố trí tại những khu vực mà các nước này tuyên bố chủ quyền, còn Trung Quốc chưa có hành động gì. 

Ông Roy chỉ rõ gần đây Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành hội đàm về vấn đề Biển Đông và đã đạt được nhận thức chung ở một phương diện nhỏ. Điều đó cho thấy vấn đề tranh chấp Biển Đông không phải là không có biện pháp giải quyết.

 

Theo Liên hợp Buổi sáng

Vũ Hiền (gt)