Với hộ chiếu mới của mình, Trung Quốc đã gây ra một loạt phản đối quyết liệt về mặt ngoại giao. Tấm hộ chiếu này có in hình bản đồ thể hiện các tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông và trên biên giới của họ với Ấn Độ. 

Trung Quốc không cần thiết phải cử Quân giải phóng nhân dân tới chiếm đóng các khu vực tranh chấp hoặc nổ phát súng để thông qua các tuyên bố chủ quyền đất đai của họ. Thay vào đó, toàn bộ vấn đề trên là hành động bất thường. 

Ba trang giấy trên hộ chiếu đã chỉ ra bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông (với nhiều phần trong đó người Philíppin biết đến là Biển Tây Philíppin) được công bố lần đầu tiên năm 1947. Các đường đứt đoạn này đã trải rộng hàng trăm km xuống phía Nam, tính từ đảo Hải Nam của Trung Quốc, tới vùng nước ngoài khơi Borneo, Việt Nam và Philíppin. 
Bản đồ này bao gồm chuỗi quần đảo Trường Sa, nơi có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn của Việt Nam, Brunây, Malaixia, Philíppin, Trung Quốc và Đài Loan. 

Giáo sư nghiên cứu Đông Á Bruce Jacobs của Trường đại học Monash Ôxtrâylia nhận xét: "Bản đồ này khẳng định bản tính ngang ngược ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc đưa ra tuyên bố đối với các vùng lãnh hải tranh chấp". Trung Quốc thiếu các thể chế như một hệ thống truyền thông tự do để có thể duy trì việc kiểm tra các quyết định chính sách đối ngoại của mình. 
Hộ chiếu mới của Trung Quốc làm gia tăng các mối lo ngại tại Mỹ, nơi trong khi vẫn giữ một lập trường chính thức trung lập, đang cung cấp vũ khí quân sự cho Philíppin trong nỗ lực nhằm tránh sự xâm nhập của Trung Quốc ở vùng biển mà Philíppin tuyên bố chủ quyền. 

Mỹ cho rằng bản đồ trong hộ chiếu mới là "nguyên nhân gây ra sự căng thẳng và mối lo ngại" trong số các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Oasinhtơn nói rằng mặc dù không có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, nhưng có lợi ích sống còn đối với tự do thương mại và hàng hải từ sự ổn định của một trong những tuyến đường chiến lược cả về mặt quân sự và kinh tế của thế giới. 

Trung Quốc tiếp tục gây thêm căng thẳng trong khu vực với việc cho phép cảnh sát biên giới tỉnh Hải Nam có quyền "lên tàu lục soát, bắt giữ và trục xuất các tàu nước ngoài đi vào khu vực biển của tỉnh này một cách trái phép". 

Cảnh báo về kế hoạch tấn công và bắt giữ tàu thuyền này của Bắc Kinh, thậm chí kể cả những nơi có tuyên bố chủ quyền quốc gia, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng "đây là một trong những diễn biến cực kỳ nghiêm trọng". 

Điều gây lo ngại đối với ASEAN là một hành động như vậy đối với một tàu hải quân Philíppin đang làm nhiệm vụ tuần tra ở Trường Sa hoặc bãi ngầm Scarborough có thể sẽ gây ra một cuộc chiến tranh. 

Việt Nam và Philíppin đã từ chối đóng dấu thị thực cho các hộ chiếu mới của Trung Quốc và thay bằng việc tạo ra một mẫu thị thực riêng, trong khi Đài Loan thì bác bỏ biên giới biển trong bản đồ nói trên. 

Ấn Độ, nổi giận với bản đồ thể hiện 2 bang Arunachal Pradesh và Aksai Chin ở khu vực Himalaya thuộc lãnh thổ Trung Quốc, đang cấp thị thực cho công dân Trung Quốc với dấu nổi in hình bản đồ riêng của Niu Đêli. 

Sau việc đột ngột thúc đẩy hành động cướp đất trên Biển Đông của Trung Quốc, một liên minh an ninh đặc biệt đang nổi lên giữa Nhật Bản và các nước ASEAN tuyên bố chủ quyền, gồm Việt Nam và Philíppin, nhằm ngăn chặn hành động xâm lược hung hăng của Trung Quốc thông qua ngoại giao hoặc các biện pháp có khả năng khác. Hành động của Trung Quốc đã buộc các nước này phải xích lại gần nhau. 

Bản đồ trong hộ chiếu mới của Trung Quốc không bao gồm những hòn đảo trên Biển Hoa Đông, nơi cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Các cuộc đàm phán căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc dường như đã có kết quả. 

Nhật Bản là cường quốc biển duy nhất ở Đông Á có thể đối phó với lực lượng hải quân đang lớn mạnh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. 

Tờ "Diễn đàn thông tin quốc tế " gần đây cho biết các quan chức Nhật Bản nói rằng Nhật Bản đang "xây dựng các mối quan hệ với các quốc gia có chung mối lo ngại về người láng giềng". Họ thừa nhận rằng "việc củng cố khả năng bảo vệ bờ biển của các quốc gia là cách tăng cường khả năng của những nước này nhằm đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ Trung Quốc". 
Giám đốc Học viện nghiên cứu Đông Á Yoshide Soeya thuộc Trường đại học Keio Tôkyô cho biết: "Chúng tôi muốn xây dựng một liên minh ứng phó của riêng mình tại châu Á nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc đang lấn lướt". 

Theo The Nation

Trần Quang (gt)