Đánh giá những bước đi rủi ro được tính toán mà họ đã thực hiện – chẳng hạn như đưa một giàn khoan khổng lồ vào sâu trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam – Trung Quốc dường như đã kết luận rằng với việc phương Tây bận tâm về Ukraine, Syria và Iraq, Đông Nam Á chia rẽ về việc phản ứng như thế nào trước những động thái gây hấn của nước này, Nhật Bản và Mỹ không chắc chắn về việc ứng phó ra sao trước sự đe dọa của Triều Tiên, tình huống này quả thực rất tuyệt vời.

Trung Quốc đấu với Nhật Bản

Mặc dù vậy, ở bên kia Biển Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe có vẻ đã kết luận rằng chỉ có cách từ bỏ những hạn chế đối với việc tiến hành chiến tranh thì Nhật Bản mới có thể ngăn không cho Trung Quốc leo thang căng thẳng ở quần đảo Senkaku và tiếp tục dần dần kiểm soát Biển Đông.

Trung Quốc đấu với Việt Nam

Trong khi đó Việt Nam, bị đẩy vào chân tường do hành động gây hấn của Trung Quốc và đối mặt với sự phẫn nộ của dân chúng bị chọc giận, có thể cũng từ bỏ sự kiềm chế. Không thể ngăn cản “con quái vật” Trung Quốc bằng biện pháp quân sự, nước này có thể cùng với Philippines thách thức Trung Quốc tại tòa án quốc tế cũng như tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ.

Sự trỗi dậy của một liên minh trên thực tế giữa các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam có thể khiến những nỗi sợ hãi về việc bị bao vây thường được Trung Quốc trích dẫn trở thành hiện thực. Nguy cơ rằng tiểu xảo như vậy ở Đông Á có thể xé tan tành mạng lưới phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu và gây tổn hại cho tất cả có thể là cân nhắc duy nhất để ngăn không lao vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Nhưng Trung Quốc dường như đã tìm ra một cách tiếp cận được điều chỉnh kỹ lưỡng thúc đẩy nghị trình của nước này thông qua các bước đi có giới hạn mà không gây ra các biện pháp trừng phạt.

Châu Âu đứng bên lề

Việc Nga sáp nhập Crimea, đe dọa chia cắt Ukraine và cam kết hỗ trợ cho những người sắc tộc Nga rải rác khắp Trung Âu cho đến nay đã đưa đến một phản ứng yếu kém từ Liên minh châu Âu. Với việc Pháp vẫn cam kết thực hiện một giao dịch mua bán vũ khí có lợi với Moskva, các thị trường tài chính Anh không muốn đánh mất các khách hàng Nga và Đức phụ thuộc vào khí đốt của Putin và hàng xuất khẩu của nước này, châu Âu chẳng có bụng dạ nào để mà chống đối.

Trung Quốc có thể đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea, nhưng sự bất lực của phương Tây trước hành động hung hăng của Moskva hẳn đã khiến Trung Quốc phấn khích. Nước này chắc chắn không bị lời cảnh báo gián tiếp của Tổng thống Obama về tranh chấp treen Biển Đông hăm dọa, trong đó Tổng thống Mỹ chỉ ra những biện pháp trừng phạt mà Nga phải gánh chịu.

Quả thực, đúng lúc Obama từ châu Á trở về thì Trung Quốc có động thái gây hấn công khai nhất – đưa giàn khoan dầu khổng lồ vào sâu bên trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam dựa trên lý do rằng nó chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp nhưng do Trung Quốc kiểm soát. Đó không phải là một hoạt động khoan dầu điển hình. Một đội gồm 80 tàu, máy bay trực thăng và đôi khi là cả máy bay chiến đấu tầm thấp được triển khai để bảo vệ giàn khoan này trước các tàu bảo vệ bờ biển có số lượng ít hơn rất nhiều của Việt Nam, đâm va và dùng vòi rồng phun nước vào các tàu này. Tình trạng bế tắc vẫn tiếp tục khi các tàu của Việt Nam chơi trò mèo vờn chuột trong một nỗ lực nhằm xuyên qua bức tường thành thực sự gồm các tàu Trung Quốc vây quanh giàn khoan này. Nhưng chẳng nghi ngờ gì về kết quả: Trung Quốc sẽ thắng thế.

Giàn khoan dầu – ‘Phương tiện chủ quyền di động’

Đương nhiên, việc triển khai giàn khoan dầu, “phương tiện chủ quyền di động” như một quan chức Trung Quốc mô tả, không phải được truyền cảm hứng mới đây từ việc Putin thôn tính Crimea. Đó chỉ là bước đi mới nhất của Trung Quốc trên ván cờ kéo dài nhiều thập kỷ. Vào một buổi sáng tháng Giêng lạnh giá đúng 40 năm trước, trong những ngày tàn của cuộc Chiến tranh Việt Nam khi Henry Kissinger tìm cách lôi kéo Trung Quốc để nước này giúp gây sức ép đối với Bắc Việt Nam, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào đơn vị đồn trú của Việt Nam Cộng hòa trên quần đảo Hoàng Sa. Họ giành quyền kiểm soát quần đảo này và bắt giữ hàng chục binh lính Việt Nam Cộng hòa và một cố vấn người Mỹ. Mặc dù miền Nam Việt Nam là một đồng minh nhưng Hạm đội 7 của Mỹ lại vờ như không biết.

Kể từ cuộc tấn công vào năm 1974 đó, tạo chỗ đứng đầu tiên cho Trung Quốc trên chuỗi đảo, bãi ngầm và bãi cạn ở Biển Đông, nước này đã chọn những thời khắc thuận lợi để thúc đẩy sự kiểm soát của mình. Tháng 4/1988, khi đồng minh của Việt Nam Mikhail Gorbachev đang tìm kiếm sự hòa hoãn với Trung Quốc thì Hải quân PLA đã tấn công các tàu của Việt Nam và chiếm giữ 6 bãi ngầm thuộc chuỗi đảo Trường Sa. Năm 1995, 3 năm sau khi Philippines trục xuất Mỹ ra khỏi các căn cứ của mình ở đó, Hải quân Trung Quốc đã tiến vào để đoạt lấy Bãi Vành Khăn từ tay Philippines, một cấu trúc khác của Biển Đông đang bị tranh chấp.

Chính sách của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền của nước này đối với gần 80% vùng Biển Đông kể từ đó đã đi theo 3 lộ trình song song: những bước tiến kín đáo về quân sự; các nỗ lực ngoại giao nhằm đề xuất một bộ quy tắc ứng xử và phát triển chung các nguồn tài nguyên năng lượng; và xây dựng sự hợp tác kinh tế mạnh mẽ với ASEAN. Khi nhìn lại, hai lộ trình cuối cùng dường như để móc nối nền kinh tế của Trung Quốc với khu vực trong khi che đậy ý định của nước này, phù hợp với lời khuyên “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình.

Khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 tấn công châu Á, lập trường thiếu đồng cảm của phương Tây đối với “chủ nghĩa tư bản thân hữu” của châu Á đã mở ra cánh cửa để Trung Quốc xuất hiện với tư cách là người hỗ trợ biết cảm thông, cung cấp viện trợ và phát triển các mối quan hệ kinh tế. Trong 15 năm kể từ đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới đã được thực hiện thông qua một nỗ lực có phối hợp nhằm hội nhập hơn nữa với các nền kinh tế ASEAN.

Khu vực này cung cấp nguyên liệu thô và nông sản, đóng góp vào chuỗi cung ứng đồ sộ nuôi dưỡng guồng máy xuất khẩu của Trung Quốc. Các quốc gia như Lào, Campuchia và Myanmar – những bên hưởng lợi từ viện trợ của Trung Quốc – thường đứng về phía Bắc Kinh. Với việc thương mại Trung Quốc-ASEAN kỳ vọng đạt 500 tỷ USD (60% số đó dành để xuất khẩu sang nước thứ ba), vận mệnh của khu vực này được buộc chặt với nhau. Chính sách ràng buộc về phương diện kinh tế giữa khu vực với nền kinh tế Trung Quốc thậm chí còn được mở rộng với kẻ thù lịch sử của nước này là Việt Nam, nơi mà FDI của Trung Quốc đạt hơn 2,3 tỷ USD.

“Tuần trăng mật” của Trung Quốc với Đông Á đã kết thúc

Nhằm trấn an khu vực rằng bất chấp các tuyên bố có xu hướng bành trướng nhưng vẫn sẵn sàng thể hiện sự kiềm chế lẫn nhau, Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông vào năm 2002. Trong năm tiếp theo, các công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc và Philippines đã ký kết một ý định thư để cùng phát triển dầu mỏ. Năm 2005, Trung Quốc, Philippines và Việt Nam kí kết thỏa thuận 3 bên về các hoạt động khảo sát địa chấn chung trên Biển Đông. Thậm chí Việt Nam còn ký một thỏa thuận khai thác chung với Trung Quốc tại khu vực không xảy ra tranh chấp là Vịnh Bắc Bộ.

Thời kỳ Trung Quốc cảm thấy có lợi khi nghe theo lời khuyên của Đặng Tiểu Bình đã kết thúc với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 đưa nền kinh tế Mỹ và các nền kinh tế phương Tây khác tới bên bờ vực thảm họa. Trung Quốc, tương đối không bị ảnh hưởng bởi tình trạng hỗn loạn này và khá dư dả với 3.000 tỷ USD dự trữ và các lực lượng vũ trang “đủ lông đủ cánh”, đã kết luận rằng đã đến lúc nước này biến những tuyên bố trên giấy tờ thành sự kiểm soát trên thực tế.

Va chạm lớn đầu tiên xảy ra vào tháng 9/2010, khi lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã bắt giữ thuyền trưởng một tàu đánh cá Trung Quốc trong vùng biển thuộc quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Hai năm sau, quyết định của Chính phủ Nhật Bản mua lại hòn đảo thuộc sở hữu tư nhân nhằm xoa dịu cuộc phản kháng của dân chúng đã đẩy cuộc xung đột lên một cấp độ mới.

Từ đó, tình hình nhanh chóng leo thang: tháng 9/2012, Trung Quốc phái 6 tàu giám sát tới quần đảo Senkaku để khẳng định các tuyên bố lãnh thổ của mình; các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc và Nhật Bản đã chơi trò mèo vờn chuột, và Trung Quốc cho các máy bay do thám bay qua quần đảo và đơn phương tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) yêu cầu tất cả các máy bay bay qua khu vực này đều phải thông báo trước cho bộ phận kiểm soát không lưu của Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc có thể đã lớn mạnh một cách nhanh chóng để cho phép Trung Quốc “mang theo cây gậy lớn” trong khi cất cao giọng. Vào tháng 8/2011, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay đầu tiên của mình (được tân trang từ tàu của Nga) và tuyên bố hạ thủy một tàu sân bay lớn hơn được chế tạo trong nước vào năm 2020.

Đáng kể hơn là Trung Quốc đã xây dựng một hạm đội đáng gờm gồm có 5 cơ quan thực thi pháp luật trên biển, từ Lực lượng Bảo vệ bờ biển cho đến Hải quan, đưa vào hoạt động một lực lượng gồm hơn một nghìn tàu – tàu tuần duyên được vũ trang, khinh hạm, xe lội nước, tàu tuần tra, máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng. Trong khi duy trì các phương tiện hải quân lớn ở ngoài xa, Trung Quốc đã sử dụng các tàu “dân sự” này để thực thi những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc – từ Bãi cạn Scarborough gần Philippines đến Bãi cạn James gần Malaysia – bằng việc bắt giữ các ngư dân, phá rối các nỗ lực khoan dầu. 80 tàu như vậy hiện đang vây quanh giàn khoan dầu khổng lồ, bảo vệ nó trước thách thức của tàu Việt Nam đối với sự hiện diện của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

Xâm chiếm bằng ‘Cuộc chiến pháp lý’

Trung Quốc đang tiến nhanh trên con đường thống trị Biển Đông, dù là ở các bãi cạn mà nước này đã chiếm được hay ở những vùng biển nơi các tàu dân sự được trang bị vòi rồng đang thực thi luật pháp Trung Quốc tại những khu vực tranh chấp – ‘cuộc chiến pháp lý’, như một luật sư của Đại học Harvard đã định nghĩa là “việc sử dụng pháp luật làm vũ khí cho chiến tranh”.

Lời lẽ êm ái của Trung Quốc về một giải pháp hòa bình cho tranh chấp, tôn trọng một bộ quy tắc ứng xử và cùng phát triển năng lượng, giờ đây dường như đã trở thành quá khứ.
Nhưng khi Trung Quốc để lộ móng vuốt của mình, thì các nước có tranh cãi về tuyên bố chủ quyền với Trung Quốc phải sống với thực tế đã thay đổi trên thực địa – hay, đúng hơn, là trên biển.

Trung Quốc ở gần và mạnh mẽ tới mức các nước ASEAN không thể đương đầu với thách thức của nước này. Như Philippines đã nhận ra khi du khách Trung Quốc ngừng tới thăm quan nước này và khi những cuộc bạo động ở Việt Nam đe dọa sự đầu tư của Trung Quốc và của các nước khác, thì vận mệnh kinh tế của họ bị ràng buộc chặt chẽ với vận mệnh kinh tế của Trung Quốc đến mức sự phản kháng không chỉ là vô ích, mà còn là tự chuốc lấy thất bại.

Trong khi đó, những lời nhắc nhở kiềm chế của Washington dành cho Trung Quốc (sau đó là những đáp trả đầy giễu cợt của Bắc Kinh) không tạo được sự tin tưởng khi mà ngân sách quốc phòng đang bị cắt giảm và dư luận Mỹ hiện đang nghiêng về chủ nghĩa biệt lập.

Trong bối cảnh này, một số người theo chủ nghĩa hòa bình truyền thống của Nhật Bản đang khuấy động và xem xét việc gỡ bỏ luật cấm quốc gia này chiến đấu ở nước ngoài. Sự chống đối thực tế duy nhất mà các nước láng giềng Đông Nam Á có thể tiến hành là cùng với Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, mà Trung Quốc không công nhận quyền hạn xét xử của tòa án này.

Đối với Tập Cận Bình, tình huống này quả thực là một tình huống tuyệt vời để thiết lập sự bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông./. 

Theo The Huffington Post

Trần Quang (gt)