Đây là cuộc diễn tập hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) với sự tham gia của 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 8 nước đối thoại gồm Australia, Mỹ, Nga, Ấn Độ, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Cuộc diễn tập này đã thể hiện vai trò ngày càng tăng của Hải quân Indonesia (TNI-AL).

Tác giả Supriyanto cho rằng cuộc diễn tập Komodo đã truyền đi một thông điệp không rõ ràng. Nhìn bề ngoài, cuộc diễn tập là một nỗ lực thể hiện chính sách ngoại giao của hải quân Indonesia khi có tới đại diện hải quân của 18 quốc gia tham dự. Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng, nhất là chọn địa điểm ở Biển Đông và vào thời điểm mà căng thẳng tại vùng biển này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. 

An ninh biển trong khu vực ngày càng có vai trò quan trọng và hợp tác giữa các bên trong đó hải quân đóng vai trò trung tâm ngày càng trở nên cấp thiết. Vấn đề này đã được thúc đẩy trong Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN (ANCM). Tại ANCM mới đây tại Manila, hải quân ASEAN cũng đã nhất trí tiến trình thành lập ANCM+ với sự tham gia của hải quân 8 nước đối thoại. Với cơ chế ANCM+, cuộc diễn tập Komodo sẽ giúp thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa lực lượng hải quân các nước ASEAN và các nước đối tác đối thoại. Năm ngoái, TNI-AL cũng tổ chức các hội nghị chuyên đề an ninh biển quốc tế, thu hút gần 350 đại biểu tham gia, bao gồm lực lượng hải quân các nước trong khu vực. Cuộc diễn tập Komodo chắc chắn là sự kiện để Indonesia, mà cụ thể là TNI-AL, có thể tự hào về khả năng của mình.

Tuy vậy, vấn đề là liệu cuộc diễn tập này có tiếp tục được duy trì trong tương lai hay không vì tổ chức một cuộc diễn tập là một chuyện nhưng để duy trì thường xuyên là hoàn toàn khác. Ngoài ra, cũng cần phải làm rõ giá trị và ý nghĩa của Komodo so với các cuộc diễn tập hải quân đa quốc gia khác trong khu vực, như diễn tập “Milan” hai năm một lần của Ấn Độ hay diễn tập an ninh biển trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+. Việc Australia chỉ gửi quan sát viên tham dự khiến dư luận đặt vấn đề rằng có nên chuyển Komodo thành cuộc diễn tập dành riêng cho lực lượng hải quân trong khu vực hay không. Đây là những câu hỏi nghiêm túc, đặc biệt đối với Indonesia nếu nước này muốn cuộc diễn tập Komodo được thừa nhận và có ý nghĩa thực sự. 

Theo đánh giá của học giả Supriyanto, ngoài việc thúc đẩy chính sách ngoại giao hải quân, cuộc diễn tập còn cho thấy rõ tầm quan trọng của Biển Đông trong tính toán địa chiến lược của Indonesia. Mặc dù tuyên bố là quốc gia không có tranh chấp tại Biển Đông nhưng "đường chín đoạn" của Trung Quốc cũng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Indonesia tại khu vực Natuna. Indonesia cũng quan tâm tới việc liệu Trung Quốc có thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông hay không. 

Bắc Kinh chắc chắn sẽ tiếp tục thăm dò khả năng chịu đựng của Indonesia trong chính sách gọi là "ngoại giao im lặng" của Jakarta. Ngư dân Trung Quốc đang đi vào khu vực phía Nam Natuna, việc có thể dẫn đến những cuộc xung đột giữa cơ quan chấp pháp hai nước. Đầu năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận hải quân ở Ấn Độ Dương, qua eo biển Sunda và Lombok của Indonesia. Cuộc tập trận này thể hiện sự quyết đoán của Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích biển ngoài khu vực Tây Thái Bình Dương. Đây cũng là một động thái mà các quốc gia ven biển như Australia, Ấn Độ và Indonesia phải hết sức cảnh giác. 

Trong tranh chấp tại Biển Đông, Indonesia bày tỏ quan ngại và theo đuổi cách tiếp cận hạn chế hơn so với Việt Nam và Philippines. Indonesia thích được nhìn nhận như một quốc gia trung gian hòa giải trung lập trong tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN mà nguyên nhân chính xuất phát từ mối liên kết an ninh và kinh tế ngày càng tăng giữa Jakarta với Bắc Kinh. Ngoài việc là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp vũ khí cho quốc đảo này thay thế Nga và phương Tây. Sự nồng ấm trong quan hệ chính trị và an ninh Indonesia-Trung Quốc đã được minh chứng khi hai bên nâng cấp quan hệ song phương lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2013.

Cuộc diễn tập Komodo còn thể hiện tham vọng vươn lên tầm thế giới của hải quân Indonesia. Indonesia đã tăng chi ngân sách quốc phòng, tập trung thúc đẩy hiện đại hóa hải quân bằng cách thành lập các hạm đội. Cuộc diễn tập Komodo ngoài việc tạo điều kiện cho TNI-AL học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác còn giúp nước này tăng cường khả năng phối hợp với lực lượng hải quân quốc tế trong hoạt động HADR. Tuy nhiên, tin tưởng lẫn nhau luôn là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ sự hợp tác nào, do đó việc Australia rút khỏi cuộc diễn tập có thể phát đi tín hiệu về sự giảm sút lòng tin đáng kể giữa hai nước.

Ngoài ra, một trong những mục tiêu mà Jakarta không thể công khai đề cập tới là cuộc diễn tập Komodo nhằm để trấn an các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng về chính sách hiện đại hóa hải quân của Indonesia với 274 tàu chiến các loại vào năm 2024. 

Tác giả kết luận rằng sẽ khôn ngoan hơn khi không đánh giá quá cao ý nghĩa cuộc diễn tập Komodo. Mặc dù TNI-AL thu được nhiều kinh nghiệm bổ ích nhưng diễn tập chỉ là một trong nhiều hoạt động hợp tác giữa lực lượng hải quân các nước trong khu vực. Ý nghĩa thực sự của cuộc diễn tập Komodo chỉ có thể được nhân lên khi kết hợp được với các hoạt động hợp tác khác trong khu vực.

Bài viết của Ristian Atriandi Supriyanto đăng trên mạng Jarkarta Post

Thuỳ Anh (gt)