Có một thời chỉ cần Hội nghị thượng đỉnh châu Âu nhóm họp là người ta biết ngay trật tự của thế giới trong tương lai. Nhưng nay thời thế đã đổi thay. Thay vào đó, khi người ta muốn tìm kiếm điềm báo điều gì sẽ xảy ra thì chỉ cần quan sát Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), như hội nghị vừa kết thúc ở Bali, Inđônêxia. Mỹ và Nga lần đầu tiên tham dự EAS 2011. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chủ nhà của EAS, không ép họ phải tham gia mà trái lại chính hai nước này muốn được mời tham dự. Vậy tại sao Oasinhtơn lại quyết định đưa thêm một hội nghị quốc tế nữa vào lịch trình đã quá dày đặc của Tổng thống Barack Obama? Câu trả lời chính là Trung Quốc. Trong suốt quá trình lịch sử, mối quan hệ địa chính trị quan trọng nhất thế giới là giữa cường quốc mạnh nhất thế giới—hiện nay là Mỹ - và cường quốc đang nổi lớn nhất thế giới—hiện nay là Trung Quốc.

Thông thường, ta sẽ thấy căng thẳng về địa chính trị gia tăng giữa hai siêu cường; Nhưng ngược lại, chúng ta đang chứng kiến một sự êm ả bất thường. Tuy nhiên, thời kỳ tĩnh lặng này đang dần chấm dứt do hai yếu tố sau đây: Thứ nhất và đáng chú ý nhất là một loạt sai lầm về chính sách ngoại giao của Trung Quốc trong năm 2009 và 2010 (ví như sự cố về tàu đánh cá, Bắc Triều Tiên pháo kích, những tuyên bố hiếu chiến về Biển Đông và các xử lý sai lầm trong chuyến thăm của Tổng thống Obama tháng 11/2009) đã làm hỏng khái niệm về một Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” đã được nước này cẩn thận xây dựng lên. Do đó, những quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong khu vực và ở Mỹ. Thứ hai, một nước Mỹ đã có thời tự tin xem xét sự trỗi dậy của Trung Quốc với một thái độ bình thản thì nay đã thay bằng một nước Mỹ cảm thấy mình yếu hơn và ít an toàn hơn. Đây là lý do tại sao Mitt Romney, người khá bình tĩnh và chủ trương ôn hòa trên các cương vị phụ trách chính sách đối ngoại của mình, đã quyết định một chiến dịch phản pháo lại Trung Quốc, xoi mói những quan ngại mà cho rằng người Trung Quốc đang lấy đi ngày càng nhiều công ăn việc làm của người Mỹ. Điều này sẽ giúp ông ta giành được nhiều lá phiếu. 

Nhiều năm qua, Trung Quốc đã cố gắng tránh đánh thức “con hổ Mỹ đang ngủ”. Bây giờ con hổ đó đã thức giấc và một trò chơi lớn mới bắt đầu. Sẽ là khôn ngoan khi Bắc Kinh chú ý đến những mối quan ngại trong nền chính trị Mỹ và thế giới. Cho đến nay, Trung Quốc đã quyết liệt chống lại những yêu cầu định giá lại đồng nhân dân tệ của Mỹ. Chính vì thế đề xuất của Thủ tướng Ôn Gia Bảo có thêm một cuộc họp với Tổng thống Obama ở Bali và việc ông phát đi tín hiệu rằng sẽ cho phép đồng nhân dân tệ được giao dịch linh hoạt được coi là những bước đi quan trọng. Cũng quan trọng không kém, khi cam kết của ông Ôn Gia Bảo về cải cách đồng nhân dân tệ được Truyền hình trung ương đưa tin rộng rãi. Rõ ràng một quyết định ở cấp cao đã được Bắc Kinh thực hiện để giải tỏa những quan ngại của Mỹ. Và EAS đã trở thành một địa điểm tốt nhất cho hai cường quốc lớn nhất thế giới ngồi lại với nhau khi căng thẳng tăng cao. Tất cả những điều này cũng chứng tỏ sự khôn ngoan của ASEAN trong việc chuyển hướng theo các cải cách kiến trúc mở trong khu vực, thay vì các diễn đàn đa phương theo phong cách của châu Âu cứng nhắc về luật pháp. Không có quá trình mở rộng để kết nạp Mỹ và Nga vào Hội nghị cấp cao Đông Á, thay vào đó là một cách tiếp cận bình tĩnh và thực tế đã dọn đường cho hai nước này tham dự. 

Khu vực chắc chắn sẽ được hưởng lợi nếu Oasinhtơn can dự vào Đông Á toàn diện hơn. Quyết định của Mỹ thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc thống trị các quá trình hợp tác trong khu vực, mặc dù đã 10 năm sau khi Bắc Kinh ký Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Mỹ đẩy mạnh TPP cũng phản ánh một thực tế kinh tế mới. Năm ngoái, lần đầu tiên xuất khẩu của Mỹ sang Đông Á lớn hơn xuất khẩu của Mỹ sang châu Âu. Sự đối đầu địa chính trị ở một mức độ nhất định giữa Oasinhtơn và Bắc Kinh—miễn là đừng có quá tập trung vào sức mạnh quân sự - thì có thể đem lại sự lành mạnh cho khu vực. Cả hai đều phải cạnh tranh để đưa ra các tầm nhìn mà có thể tạo ra những mô hình hợp tác tốt hơn trong khu vực và trên thế giới. Hợp tác kinh tế là trò chơi mà các bên đều thắng chứ không phải là một mất một còn. Hai tầm nhìn cạnh tranh này cho thấy sơ bộ trật tự thế giới mới sẽ xuất hiện. Yan Xuetong, một học giả tại Đại học Thanh Hoa, đã rất thông minh khi khuyên Trung Quốc rằng trong cuộc đấu không thể tránh khỏi giữa hai cường quốc, thì “cuộc chiến giành được trái tim và khối óc của người dân sẽ quyết định cuối cùng ai sẽ thắng thế. Và như các nhà triết học xa xưa của Trung Quốc đã nói, quốc gia nào thể hiện quyền lực nhân đạo hơn thì quốc gia đó sẽ giành chiến thắng”. Nếu trò chơi lớn giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra theo những hướng này thì thế giới sẽ thở phào nhẹ nhõm. Còn nếu không, chúng ta sẽ phải chờ các hội nghị tương lai của EAS để đoán xem trật tự thế giới của chúng ta sẽ như thế nào. 

  Theo FT

Vũ Hiền (gt)