Một trong những quan ngại an ninh năng lượng hàng đầu của Mỹ là đa dạng hóa các nguồn dầu mỏ nhập khẩu. Hiện Mỹ phải nhập khẩu khoảng 11,4 triệu thùng/ngày (45% lượng dầu tiêu thụ). Mặc dù nguồn dầu nhập khẩu chủ yếu của Mỹ nằm ở Tây bán cầu, nhưng một phần là từ châu Phi và Vịnh Pécxích. Cho dù sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu nhập khẩu đang giảm sau khi đạt đỉnh vào năm 2005, song nước Mỹ vẫn dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn nguồn cung và cơn sốc giá dầu. Đối với Oasinhtơn, việc hạn chế tối đa những tổn thương này là một vấn đề an ninh quốc gia quan trọng, và giải pháp đặt ra là đa dạng hóa nhập khẩu để khỏi phụ thuộc quá mức vào bất cứ khu vực nào.

Dầu mỏ Tây Phi vẫn có tầm quan trọng chiến lược đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Dầu ngọt thô chất lượng cao do các nước ở khu vực Vịnh Ghinê sản xuất khá quan trọng đối với thị trường Mỹ. Do vậy, các tập đoàn dầu mỏ đang làm mọi cách có thể để đảm bảo nguồn cung quan trọng này và Oasinhtơn đang tích cực khuyến khích tự do thương mại với châu Phi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tập đoàn dầu mỏ lớn. 

Nhằm tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi và đảm bảo sự trung thành của các chính phủ khu vực, Mỹ đang cung cấp vũ khí và phát triển các chương trình huấn luyện quân sự với các nước châu Phi. Mỹ cũng căng cường sự hiện diện quân sự bằng việc giành quyền lập căn cứ và tiếp cận các sân bay tại Dibuti, Uganđa, Mali, Xênêgan và Gabông, cùng với các cơ sở cảng biển tại Marốc và Tuynidi. Mỹ đang mở rộng các hoạt động tình báo bí mật khắp châu Phi dưới chiêu bài chống khủng bố. Bằng việc mở rộng sự hiện diện quân sự tại châu Phi, Mỹ đang nhắc nhở các đối thủ của họ rằng Oasinhtơn vừa mong muốn, vừa có khả năng phản ứng trước những nguy cơ đe dọa các lợi ích chiến lược của họ, trong đó có nguồn dầu châu Phi.

Việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại châu Phi được tiến hành song song với việc mở rộng quân sự tại khu vực Vịnh Pécxích. Rõ ràng, Mỹ sẽ phản ứng bằng vũ lực nếu các nguồn cung dầu mỏ bị đe dọa. Sự có mặt quân sự của Mỹ tại Vịnh Pécxích là sự thích ứng của Mỹ với thực tế chiến lược của thế kỷ 21 và phản ứng đối với các chính phủ châu Phi, vì một số lý do lịch sử rõ ràng, không hoan nghênh các căn cứ quân sự thường trực trên đất của họ.

Sự có mặt của Trung Quốc tại châu Phi đang khiến các quan chức Mỹ quan ngại. Bắc Kinh đang cạnh tranh với Oasinhtơn không chỉ để giành được sự trung thành của các chính phủ châu Phi, mà còn cả nguồn cung dầu mỏ ổn định. Oasinhtơn ngày càng có cảm giác rằng sự có mặt của Trung Quốc tại châu Phi có thể thách thức các lợi ích an ninh của Mỹ hiện nay và mai sau. Viện trợ tài chính vô điều kiện của Trung Quốc và dòng hàng hóa giá rẻ đổ vào các nước châu Phi để đổi lấy các hợp đồng dầu mỏ đang khiến Trung Quốc trở thành một đối tác thương mại hấp dẫn hơn Mỹ.

Tuy nhiên, lợi ích của Bắc Kinh tại châu Phi dường như lớn hơn vì 3 lý do: 

Thứ nhất, để duy trì mức tăng trưởng cao, kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nặng vào dầu mỏ. Bắc Kinh liên tục tìm kiếm các nguồn dầu mỏ mới để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng các nguồn cung dầu mỏ châu Phi là không thể thiếu. 

Thứ hai, Trung Quốc hiện nhập khẩu nhiều dầu mỏ châu Phi hơn Mỹ (30% so với 20%) và trong tương lai vẫn nhập nhiều hơn Mỹ vì theo dự đoán, Trung Quốc sớm vượt Mỹ trở thành quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. 

Thứ ba, Trung Quốc không phải là "người mới đến" tại châu Phi. Trong thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã hỗ trợ nhiều phong trào giải phóng dân tộc, cung cấp vũ khí cho các chính phủ hậu độc lập và đầu tư nhiều vào các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Phi. Bắc Kinh coi sự hiện diện của họ tại châu Phi là sự tiếp nối di sản như một mục tiêu địa chính trị quan trọng trên con đường trở thành cường quốc lớn.

Tuy nhiên, châu Phi có thể không phải là giải pháp thay thế an toàn nhất cho dầu mỏ Trung Đông. Năng lực sản xuất của châu Phi hạn chế hơn, trữ lượng dầu mỏ ít hơn. Hơn nữa, môi trường chính trị châu Phi cũng có thể bất ổn như tại Trung Đông. Mỹ phải thể hiện sự kiềm chế trong việc mở rộng sự hiện diện tại châu Phi. Mặc dù một cuộc xung đột Mỹ-Trung để giành dầu mỏ châu Phi hiện nay là phi thực tế do sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng những diễn biến tương lai trong khu vực có thể biến sự đối đầu Mỹ-Trung theo hướng thù địch hơn. Quân sự hóa một khu vực để theo đuổi ổn định và an ninh thường xuyên có tác động ngược lại. Chỉ thời gian mới có thể cho thế giới biết liệu Mỹ và Trung Quốc có lưu ý đến cảnh báo này hay không. 

Theo Oil Price