Cuộc chiến toàn cầu giành ảnh hưởng tại châu Phi - với việc Trung Quốc đang dẫn đầu - đã leo lên một tầm cao mới khi thủ tướng và các quan chức cao cấp Ấn Độ đến châu Phi trong một nỗ lực cạnh tranh với ảnh hưởng đang gia tăng nhanh chóng của Bắc Kinh.

Trung Quốc và Ấn Độ đang nổi lên là những đấu thủ chính trong "ván bài châu Phi", điều mà một thập kỷ trước đây không ai nghĩ đến. Cả hai nước đang thúc đẩy sự có mặt của họ tại châu Phi nhanh đến mức họ đã trở thành những đối thủ cạnh tranh chủ chốt của các nước phương Tây, vốn có truyền thống chi phối lục địa đen. Ngày 23/5, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh - được các bộ trưởng nội các và hàng chục nhà lãnh đạo doanh nghiệp tháp tùng, đã đến Êtiôpi để dự Hội nghị thượng đỉnh châu Phi - Ấn Độ lần thứ hai, có quy mô lớn tương đương với những hội nghị thượng đỉnh gần đây của Trung Quốc với các nhà lãnh đạo châu Phi.

Ấn Độ đang quan sát một cách thèm muốn khi Trung Quốc đã mở rộng đáng kể các hoạt động thương mại và đầu tư của họ tại châu Phi trong những năm gần đây. Kim ngạch thương mại hai chiều của Trung Quốc với châu Phi năm 1999 chỉ là 2 tỷ USD, nhưng hiện tăng lên 110 tỷ USD/ năm, cao hơn hầu hết các đối tác thương mại phương Tây của châu Phi. Trung Quốc cũng đã tăng cường đầu tư tài chính tại châu Phi, thúc đẩy ảnh hưởng về chính trị và ngoại giao, xây dựng đường sá, bệnh viện... cho châu Phi, giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng chất của châu Phi.

Ấn Độ đã bị tụt hậu khá xa, nhưng đang bắt đầu thu hẹp khoảng cách này. Kim ngạch thương mại của Ấn Độ với châu Phi đang tăng rất nhanh, từ mức 3 tỷ USD năm 2000 tăng lên 46 tỷ USD vào năm 2010. Niu Đêli đang đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại với châu Phi lên 70 tỷ USD vào năm 2015.

Tại Hội nghị thượng đỉnh châu Phi - Ấn Độ, được khai mạc tại thủ đô Ađi Abêba ngày 24/ 5, các chính khách Ấn Độ đưa ra một loạt hứa hẹn hấp dẫn: một khoản tín dụng mới trị giá 500 triệu USD; 15 trung tâm hướng nghiệp dạy nghề tại nhiều nước châu Phi; hai viện nghiên cứu than đá tại Môdămbích; một viện nghiên cứu kim cương tại Bốtxoana; đào tạo nghề cho 20.000 người châu Phi trong 5 năm; và một số trung tâm khu vực tập trung vào các đề tài như ngoại thương và công nghệ thông tin. 

Trung Quốc vẫn dẫn trước rất xa Ấn Độ trong cuộc đua giành ảnh hưởng tại châu Phi. Alex Vines, chuyên gia về châu Phi thuộc viện nghiên cứu Chatham House tại Luân Đôn, đã viết trong một nghiên cứu mới đây về vấn đề này như sau: "Mặc dù Ấn Độ coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh tại châu Phi, nhưng họ đang thiếu những nguồn lực và cơ sở hạ tầng để cạnh tranh trực tiếp. Ấn Độ đang cực kỳ quan ngại về sự mở rộng của Trung Quốc tại châu Phi. Sự lo lắng của họ không chỉ hạn chế trong cạnh tranh kinh tế, mà cả trong các vấn đề an ninh".

Ông Vines lưu ý rằng mới đây, Ấn Độ đã ký hiệp định quốc phòng với một số nước châu Phi dọc bờ Ấn Độ Dương, bao gồm Môdămbích, Mađagaxca và Xâysen. Ấn Độ cũng đang tìm cách thuê lâu dài một nhóm các đảo nhỏ thuộc chủ quyền của Môritani để họ có thể thiết lập một căn cứ nhằm bảo vệ việc nhập khẩu năng lượng của họ từ châu Phi.

Trên mặt trận kinh tế, Ấn Độ đã tăng mạnh việc nhập khẩu dầu mỏ của châu Phi, chủ yếu từ Nigiêria, Xuđăng và Angôla, như một cách để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông. Ấn Độ cũng đang nhập khẩu các loại khoáng sản của châu Phi, bao gồm vàng của Nam Phi, than của Môdămbích. Và ngành chế tác kim cương của Ấn Độ, lớn nhất thế giới, được hỗ trợ bởi việc tăng cường nhập khẩu kim cương từ Nam Phi, Bốtxoana, Namibia và Dimbabuê. Trong khi đó, đầu tư của Ấn Độ vào châu Phi cũng đang tăng nhanh chóng. Một trong những công ty lớn nhất Ấn Độ là tập đoàn Tata đã đầu tư tại gần 10 quốc gia châu Phi. Năm ngoái, công ty điện thoại di động của Ấn Độ là Bharti Airtel đã chi 9 tỷ USD để giành quyền cung cấp các dịch vụ điện thoại di động cho 15 quốc gia châu Phi.

   Theo The Globe and Mail 

 Hương Trà (gt)