Khi Tổng thống Bill Clinton mất quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện năm 1994, “Thông điệp Liên bang” ngay sau đó của ông có cách tiếp cận mang tính hòa giải, tập trung vào những lĩnh vực có cùng lợi ích mà nhà lãnh đạo này và đảng Cộng hòa đối lập ít nhất có thể thực hiện dần từng bước. Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama lại có cách tiếp cận ngược lại. Thay vì tìm kiếm sự hòa giải với phe đối lập, ông lại "tuyên chiến" với chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa.

Mặc dù cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều kêu gọi hợp tác với nhau nhưng chắc chắn không bên nào thực hiện điều này, trừ khi đó là vấn đề mà cả hai đảng đều muốn làm. Cách tiếp cận trái ngược của Tổng thống Obama sẽ cản trở tiến trình giải quyết các vấn đề trong nước, từ kinh tế cho tới sự bất bình đẳng, giáo dục, cơ sở hạ tầng, nhập cư và môi trường.

Ông Obama có cách tiếp cận quyết đoán hơn vì ba lí do cơ bản:

Thứ nhất, ông muốn để lại di sản. Với hai năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama đang hướng về tương lai. Rõ ràng, ông Obama đang hy vọng rằng di sản của ông được thể hiện thông qua sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và việc đảm bảo phân phối công bằng sự thịnh vượng này tới tầng lớp trung lưu. Ông Obama đã tận dụng cơ hội này để xác định câu chuyện về sự thành công của nhiệm kỳ tổng thống và đặt ra những ưu tiên trong hai năm cuối của mình.

Thứ hai, ông Obama cảm thấy rằng ngay từ đầu nhiệm kỳ, ông đã luôn cố gắng “chìa tay ra” với các thành viên đảng Cộng hòa và muốn tìm được một nền tảng chung. Mặc dù vậy, ông liên tục bị từ chối và lên án. Do đó, theo đánh giá của ông Obama thì bất cứ sự cố gắng nào từ phía ông cũng sẽ bị đảng Cộng hòa coi là sự nhượng bộ chứ không phải là bắt đầu một tiến trình thỏa hiệp. Trong tình thế này, sự cố gắng cũng sẽ không mang lại bất cứ lợi ích gì cho ông.

Thứ ba, “Thông điệp Liên bang” cho phép Tổng thống Obama tác động đến người dân Mỹ và tạo ra “một câu chuyện” mà không chỉ các thành viên đảng Cộng hòa mà ngay cả ứng cử viên tổng thống tiếp theo của đảng Dân chủ cũng sẽ phải hưởng ứng. Trong hai tuần qua, Tổng thống Obama đã xem xét lại những sáng kiến của mình. Bằng cách thuyết phục người dân Mỹ về những ý tưởng này và tìm kiếm sự ủng hộ của họ, ông Obama hy vọng phe đối lập khó có thể cản trở tiến trình thực hiện những kế hoạch mà ông đưa ra. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tin tưởng rằng cách này có thể buộc đảng Dân chủ phải giải quyết những ưu tiên mà ông đề ra ngay cả sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.

“Thông điệp Liên bang” đề cập tới một số mục tiêu trong nước và điều này có thể nhận được sự ủng hộ của người dân, nhưng đã bị các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội bác bỏ. Tổng thống Obama nêu rõ ưu tiên đầu tiên và cao nhất trong thời gian tới vẫn là đảm bảo sự bình đẳng về kinh tế (thông qua việc tăng thuế đối với giới nhà giàu và các thể chế lớn, miễn phí cho sinh viên theo học tại các trường đại học công lập và cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em tốt hơn). Tiếp đến là các vấn đề liên quan đến môi trường và an ninh (đặc biệt là an ninh mạng và chống khủng bố).

Việc vạch ra những ưu tiên trong nước cũng cho phép Tổng thống Obama đặt trách nhiệm lên vai những thành viên đảng Cộng hòa. Sau khi nắm quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội, đảng Cộng hòa thừa hiểu rằng người dân Mỹ sẽ theo dõi sát sao xem đảng này có hoạt động hiệu quả hay không. Tổng thống Obama từng tuyên bố ông sẽ phủ quyết các ưu tiên của đảng Cộng hòa (như thông qua dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL, bãi bỏ đạo luật Obamacare và xây dựng các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn). Thay vào đó, ông kêu gọi đảng Cộng hòa hưởng ứng chương trình nghị sự của ông. Các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa ở Thượng viện và Hạ viện sẽ phải quyết định xem họ có thể nhượng bộ một số ưu tiên của ông Obama hay không. 

Mặc dù có nhiều khác biệt, song có một số khía cạnh trong “Thông điệp Liên bang” mà cả hai đảng có thể thực hiện cùng nhau, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại. Tổng thống Obama mong muốn Quốc hội cho ông "Quyền xúc tiến thương mại", tạo điều kiện cho ông đàm phán một cách hiệu quả hơn Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Nếu không có quyền này, cả hai hiệp định kể trên - vốn được xem là ưu tiên chiến lược của chính phủ Mỹ - gần như không thể đạt được.

Ông Obama yêu cầu Quốc hội Mỹ trao quyền mới để tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố rằng ông không cần phải đòi hỏi quyền này vì ông có thể tiếp tục sử dụng đặc quyền trao cho tổng thống sau ngày 9/11/2011. Động thái này đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng nước Mỹ sẽ tiếp tục đối phó với mối đe dọa từ IS bất chấp những chia rẽ chính trị. Đây là hai lĩnh vực mà đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có thể và nên hợp tác với nhau. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến trong phần lớn “Thông điệp Liên bang”, nhiều khả năng điều duy nhất mà hai đảng nhất trí với nhau là sự không khoan nhượng trước mối đe dọa khủng bố.

Trong hai năm tới, chính trường Mỹ sẽ tiếp tục chịu sự tác động từ tư tưởng đảng phái cùng với chiến dịch tranh cử tổng thống. Tổng thống Obama sẽ tập trung vào chương trình nghị sự lâu nay của ông là giảm sự bất bình đẳng, ủng hộ các mục tiêu liên quan đến môi trường và tìm cách thức mới để lãnh đạo thế giới. Với một đảng Cộng hòa bảo thủ và nhiều ứng cử viên của đảng này muốn ra tranh cử tổng thống vào năm 2016, phe đối lập ít có khả năng hưởng ứng chương trình nghị sự của ông Obama.

Theo Chatham House

Văn Cường (gt)