Ngày 7/12/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố Tài liệu lập trường thể hiện các quan điểm pháp lý phản đối vụ kiện. Hai ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho công bố một phân tích pháp lý về tính hợp pháp của các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Thời điểm đưa ra các tài liệu này có quan hệ với nhau và với cả giai đoạn tiếp theo của vụ kiện, cho thấy các nhà hoạch định chính sách của cả Bắc Kinh và Washington đã nhận ra giá trị của việc chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông và mong muốn tác động đến Tòa Trọng tài, ngay cả khi không trực tiếp tham gia vào vụ kiện.

Ngày 15/12/2014 là hạn chót mà Trung Quốc phải nộp bản lập luận phản biện trong vụ kiện trọng tài do Philippines khởi xướng chống lại các yêu sách của nước này ở Biển Đông. Nội dung chính của vụ kiện sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ được tóm tắt dưới đây. Chính phủ Trung Quốc không hề có ý định tham gia vào vụ kiện hay đáp trả lại bản tranh tụng với 4000 trang chứng cứ và lập luận của Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc muốn đảm bảo rằng năm thẩm phán của Tòa trọng tài thường trực chịu trách nhiệm phân xử vụ kiện này sẽ tính đến các lập luận bác bỏ thẩm quyền của Tòa mà nước này đưa ra.

Vì vậy, ngày 7/12/2014, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố Tài liệu lập trường thể hiện các quan điểm pháp lý phản đối vụ kiện. Hai ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho công bố một phân tích pháp lý đã được chờ đợi từ lâu về tính hợp pháp của các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông nằm trong loạt bài Limits in the Sea (Các giới hạn trên biển). Thời điểm đưa ra các tài liệu này có quan hệ với nhau và với cả giai đoạn tiếp theo của vụ kiện, cho thấy các nhà hoạch định chính sách của cả Bắc Kinh và Washington đã nhận ra giá trị của việc chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông và mong muốn tác động đến Tòa trọng tài, ngay cả khi không trực tiếp tham gia vào vụ kiện.

Tài liệu lập trường của Trung Quốc viết gì?

Tâm điểm trong Tài liệu lập trường là trình bày các lập luận của Bắc Kinh giải thích vì sao Tòa trọng tài La - Hay không có thẩm quyền trong vụ kiện của Philippines. Trung Quốc lập luận như sau:

1.  Trọng tâm của vụ kiện không phải là việc giải thích và áp dụng UNCLOS mà là vấn đề chủ quyền lãnh thổ - ai là chủ nhân của những thực thể ở Biển Đông - điều mà UNCLOS không có thẩm quyền giải quyết. Lập luận này không đủ sức thuyết phục, ít nhất là trong quan điểm của Trung Quốc cho rằng, để giải quyết bất cứ vấn đề nào mà Philippines đưa ra, Tòa “bắt buộc phải xác định, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, vấn đề chủ quyền của các thực thể được nêu ra trong đơn kiện và cả các thực thể khác ở Biển Đông.”

2. Ngay cả khi vụ kiện là về cách diễn giải UNCLOS, Philippines không có quyền kiện ra Tòa. Trung Quốc lập luận rằng Philippines bị ràng buộc bởi các thảo thuận song phương và đặc biệt là Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, theo đó các tranh chấp sẽ chỉ giải quyết bằng biện pháp đàm phán. Giải quyết tranh chấp chỉ bằng đàm phán có phải là một nghĩa vụ bắt buộc hay không vẫn còn là một dấu hỏi, tuy nhiên, Manila có thể dễ dàng lập luận rằng các hành vi vi phạm của Trung Quốc đã làm vô hiệu DOC.

Trung Quốc cũng lập luận rằng Philippines không đáp ứng được các yêu cầu của UNCLOS trong việc sử dụng các cơ chế tài phán bắt buộc, theo đó quy định biện pháp tài phán chỉ được tiến hành khi hai bên không đạt được một thỏa thuận song phương. Bắc Kinh khăng khăng cho rằng, mặc dù hai bên đã thảo luận trong nhiều thập kỷ, “hai nước vẫn chưa thực sự đi vào đàm phán về các vấn đề thực chất mà Philippines nêu ra trong vụ kiện.” Và ngay cả khi các bên đã thực sự đàm phán về các vấn đề đấy, UNCLOS cũng không quy định một giới hạn thời gian cho các cuộc đàm phán. Kiểu lập luận này, nếu được chấp nhận, sẽ khiến cho không nước nào còn có thể sử dụng biện pháp giải quyết tranh chấp bắt buộc, bất kể quốc gia còn lại đã làm cản trở việc đàm phán trong suốt thời gian dài.

3.  Ngay cả khi Manila có quyền khởi kiện, Trung Quốc vẫn được miễn trừ khỏi thẩm quyền bắt buộc của Tòa trọng tài. Đây là lập luận thuyết phục nhất của Bắc Kinh. Bắc Kinh dựa vào tuyên bố năm 2006, được cho phép bởi UNCLOS, theo đó loại trừ thẩm quyền của Tòa trọng tài trong một số vấn đề cụ thể, bao gồm phân định biển. Philippines đã rất tài tình khi thiết kế vụ kiện theo hướng yêu cầu Trung Quốc có nghĩa vụ làm rõ yêu sách đường lưỡi bò và định danh các thực thể, không dính dáng đến việc phân định các vùng biển tranh chấp.

Tuy nhiên, lập luận này của Philippines không phải là một lập luận không thể chối cãi. Điều đáng lo ngại nhất cho phía Philippines đấy là các luật sư của họ đã buộc phải thêm vào bản đệ trình lên Tòa ngày 30/3 một lập luận về quy chế của Ba Bình (Itu Aba), đảo lớn nhất ở Trường Sa. Nếu Tòa phán quyết Ba Bình (hoặc bất cứ thực thể nào khác) là “đảo” có quyền tạo vùng thềm lục địa, điều này sẽ làm suy yếu một số phần trong vụ kiện, đặc biệt là các phần liên quan đến thực thể lúc nổi lúc chìm. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Tài liệu lập trường của Trung Quốc không làm rõ điểm này, cho nên việc của các thẩm phán là sẽ phải kết nối các dữ kiện để đưa ra kết luận.

4.  Ngay cả khi Trung Quốc vẫn bị ràng buộc vào vụ kiện, việc sử dụng một tòa trọng tài đặc biệt trong trường hợp một bên vẫn chưa lựa chọn một trong số các biện pháp trọng tài mà UNCLOS đưa ra là trái với luật quốc tế, theo quan điểm của Trung Quốc. Về cơ bản, lập luận này phủ nhận một điều khoản của UNCLOS mà Trung Quốc đã chấp nhận ràng buộc từ năm 1996. Đây là lập luận yếu nhất của Trung Quốc, không chỉ bởi khó có chuyện một Tòa trọng tài được thành lập bởi các quy định của UNCLOS lại cảm thấy mình có quyền lật ngược lại một cách giải thích hợp lý đối với một trong những điều khoản đó.

Có thể thấy rằng bên cạnh việc lập luận phản bác thẩm quyền của Tòa, Tài liệu lập trường của Trung Quốc cũng đã động đến các vấn đề nội dung của vụ kiện (cho dù phần mở đầu của Tài liệu lập trường đã nói là sẽ không làm vậy). Cụ thể, Trung Quốc đưa ra lập luận về khả năng một quốc gia được quyền yêu sách chủ quyền đối với các thực thể lúc nổi lúc chìm, mặc dù thừa nhận là năm 2012, Tòa án Công lý Quốc tế đã khẳng định yêu sách đó là không được phép. Trung Quốc cũng biện hộ cho các hành động của nước này ở Bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) từ năm 2012 - những hành động mà Philippines cho là đe dọa sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, Tài liệu lập trường không nêu quan điểm của Trung Quốc về quy chế của các thực thể mà Philippines đang cho là “đá”, thay vì là “đảo”, cũng như không giải thích được đường lưỡi bò với tư cách một yêu sách vùng biển phù hợp với UNCLOS – hai điểm yếu nhất về mặt pháp lý của Trung Quốc.

Bản báo cáo của Mỹ thể hiện điều gì?

Các báo cáo “Giới hạn trên biển” của Bộ Ngoại giao Mỹ đã từng phân tích yêu sách trên biển của hàng loạt các quốc gia như Indonesia, Philippines và Việt Nam. Bản báo cáo gần đây nhất không hề đề cập đến giá trị của các yêu sách lãnh thổ đối với các đảo ở Biển Đông, và do đó nhấn mạnh quan điểm trung lập của Mỹ về vấn đề này.

Phát hiện chính của bản báo cáo này là “Trung Quốc chưa làm rõ … cơ sở pháp lý hay bản chất của yêu sách của nước này”. Báo cáo nhấn mạnh “tính thiếu nhất quán và thiếu chính xác về mặt địa lý” của đường chín đoạn thông qua việc đưa ra hàng loạt các bản đồ của Trung Quốc vẽ những vị trí khác nhau của các đoạn trong đường này. Bản báo cáo cũng đưa ra một vài quan điểm ủng hộ vụ kiện của Philippines liên quan đến các đảo đá và thực thể lúc nổi lúc chìm mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Quan trọng nhất, phân tích này của Bộ Ngoại giao Mỹ còn bác bỏ giá trị pháp lý của đường chín đoạn với tư cách là một yêu sách biển, mà đây lại chính là điểm trọng tâm trong vụ kiện của Philippines.

Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra ba cách giải thích có thể có về đường chín đoạn và phân tích giá trị pháp lý của các trường hợp này. Mỗi một cách diễn giải đều được bổ trợ và đồng thời cũng bị phủ nhận bởi hàng loạt các đạo luật cũng như tuyên bố chính thức của Trung Quốc:

1.     Đường lưỡi bò thể hiện yêu sách đối với các đảo và các vùng biển mà những đảo này tạo ra: báo cáo chỉ ra rằng đây có thể là một định nghĩa hợp pháp về đường chín đoạn nhưng cũng khẳng định cách diễn giải này có nhiều điểm yếu. Ví dụ, “các quốc gia và tòa án cũng như tòa trọng tài quốc tế đều đồng thuận rằng một đảo rất nhỏ cách xa bờ biển đất liền …chỉ có hiệu lực ngang bằng hoặc thấp hơn so với đường bờ biển đối diện.” Điều này có nghĩa là Trung Quốc cùng lắm chỉ có thể biện minh cho một vùng đặc quyền kinh tế mở rộng ra đến đường cách đều giữa các đảo mà nước này yêu sách với đường bờ biển của các nước Đông Nam Á.

2.     Đường lưỡi bò với tư cách là biên giới trên biển của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ ra rằng đường chín đoạn mở rộng ra quá xa, vượt qua bất kỳ đường bờ biển hoặc đảo nào để có thể được lập luận một cách hợp pháp là ranh giới ngoài của EEZ và chắc chắn không thể là lãnh hải. Bản báo cáo cũng phân tích rằng sự thiếu chính xác trong yêu sách của Trung Quốc và các hành động tuyên bố đơn phương không thể đáp ứng những yêu cầu cơ bản của một ranh giới biển hợp pháp.

3.     Đường lưỡi bò là yêu sách đối với quyền hoặc danh nghĩa lịch sử. Đây chính là quan điểm pháp lý phức tạp nhất do các học giả Trung Quốc đưa ra liên quan đến đường chín đoạn. Bộ Ngoại giao Mỹ đã hết sức đúng đắn khi chỉ ra rằng UNCLOS “quy định các yêu sách lịch sử chỉ áp dụng giới hạn đối với các vịnh và phân định lãnh hải” ở gần bờ biển của quốc gia. Không có điểm nào trong công ước điều chỉnh yêu sách lịch sử về chủ quyền hay các quyền mở rộng cách xa đường bờ biển.

Và đối lập với khẳng định của các học giả Trung Quốc rằng luật tập quán quốc tế trước khi có UNCLOS cho phép một yêu sách như vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đúng đắn khi khẳng định rằng công ước sẽ được ưu tiên áp dụng hơn luật tập quán. Để chứng minh luận điểm này, bản báo cáo đã trích dẫn phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế rằng sự ra đời của EEZ “quan trọng hơn các quyền và việc sử dụng trước đó của các quốc gia khác trong khu vực” – một sự phản bác rõ ràng về các yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử về nghề cá và tài nguyên khoáng sản.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với vụ kiện?

Trung Quốc sẽ không đệ trình bất cứ văn bản nào vào ngày 15/12, thời hạn do tòa đưa ra. Điều này cũng có nghĩa là tòa sẽ tự mình xem xét các phản biện mà Trung Quốc có thể đưa ra. Đây là lý do tại sao việc công bố bản lập trường của Trung Quốc lại quan trọng đến vậy. Từ góc độ của Trung Quốc, mọi thứ đã được sắp xếp và tính toán về mặt thời gian để đảm bảo tòa đặt đúng câu hỏi. Các chuyên gia ở Trung Quốc biết rằng Bắc Kinh sẽ thua ở ít nhất một điểm trong vụ kiện được xem xét đến cùng. Đường chín đoạn với hình thức như hiện nay sẽ không đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của một yêu sách biển hợp pháp – một luận điểm mà bản báo cáo mới của Mỹ đã nhấn mạnh – và cần được làm rõ hơn.

Đó cũng là lý do tại sao, Trung Quốc ngay cả khi từ chối chính thức tham gia vào vụ kiện, đã đầu tư nguồn lực đáng kể cho việc xây dựng các quan điểm pháp lý chống lại thẩm quyền của Tòa. Mặc dù lớn tiếng phản pháo, nhưng Bắc Kinh lại không hề muốn coi thường phán quyết của tòa trọng tài và phải gánh chịu chi phí cơ hội cho việc bị coi là một chủ thể vô trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Bước tiếp theo, tòa sẽ yêu cầu Philippines trả lời các câu hỏi và những phản đối có thể có liên quan đến việc đệ trình hồi tháng 3. Một trong số các câu hỏi sẽ liên quan đến các luận điểm được Trung Quốc nêu ra trong Tài liệu lập trường, do tòa sẽ không đưa ra phán quyết về một vụ kiện gây tranh cãi và quan trọng như vậy trừ khi cảm thấy nó không hề có sơ sót nào.

Một khi Philippines phản hồi – một nhiệm vụ sẽ mất rất nhiều thời gian – tòa sẽ xem xét vấn đề về thẩm quyền và giá trị của vụ kiện. Tòa có vẻ đã sẵn sàng xem xét cả hai vấn đề cùng một lúc, và điều này có thể đẩy nhanh thủ tục của vụ kiện. Không hề có một lịch trình chắc chắn cho phán quyết cuối cùng và có thể có nhiều yêu cầu cho Philippines về việc làm rõ hơn các quan điểm của mình. Nhưng có lẽ sớm nhất đến cuối năm 2015, tòa sẽ ra quyết định – và đây có lẽ là phán quyết có tác động lớn nhất từ trước đến nay trong số các phán quyết mà các tòa trọng tài được thành lập theo UNCLOS đã đưa ra.

Gregory B. Poling là nghiên cứu viên của trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược (CSIS) tại Washington D.C. Bài viết được đăng lần đâu trên trang CSIS.

Người dịch: Ngọc Diệp và Thùy Anh

Hiệu đính: Minh Ngọc