Việc dự đoán Biển Đông sẽ trở thành "Vịnh Pécxích thứ hai" là thiếu cơ sở. Theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nguồn tài nguyên về năng lượng ở Biển Đông chỉ khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên. Trái ngược với quan niệm phổ biến, các mỏ dầu và khí đốt tại đây thực sự nằm trong các vùng lãnh thổ không gây tranh chấp, gần bờ biển của các quốc gia có biển. Các nhân tố như thách thức về công nghệ, sự hiểu biết chưa đầy đủ về mặt địa chấn và những chi phí lớn cùng với rủi ro chính trị cũng đặt ra những hạn chế đối với việc khai thác tại các vùng nước sâu và xa hơn ở Biển Đông. 

Trong khi giá trị của nguồn tài nguyên về dầu khí ở Biển Đông vẫn đang là chủ đề của các cuộc tranh luận thì giá trị tiềm tàng về nguồn cá và các nguồn lực phục vụ việc nuôi trồng hải sản không còn là chuyện phải bàn cãi. Hiện nay, Biển Đông đóng góp tới 10% sản lượng cá đánh bắt được trên toàn cầu và là nơi nuôi dưỡng một ngành công nghiệp đánh bắt quy mô hàng tỷ USD. Lượng prôtêin từ hải sản chiếm hơn 22% trong khẩu phần trung bình của người châu Á, và nhu cầu về hải sản chắc chắn sẽ tăng theo thu nhập ngày càng tăng của người dân trong khu vực. 

Trước kia, hoạt động đánh bắt cá trên hầu khắp Biển Đông không đặt ra mối quan ngại nào về mặt địa-chính trị. Trong nhiều thập kỷ, ngư dân đã không biết gì về biên giới trên biển và luật hàng hải quốc tế, và các quốc gia ven biển thường nhắm mắt làm ngơ trước các hoạt động này. Tuy nhiên, chuyện đó đã thay đổi trong những năm qua. Sự suy giảm nguồn thủy sản tại các vùng ven biển và việc mở rộng hoạt động đánh bắt xa bờ đã đẩy ranh giới đánh bắt tới gần các vùng biển tranh chấp. Kết quả là hoạt động đánh bắt giờ đây đã trở thành một vấn đề nhạy cảm về chính trị và là một vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia đối với những nước có yêu sách về chủ quyền. 

Sau nhiều năm tương đối lơ là về mặt nhà nước, ngư dân trong vùng giờ đây đang được sự hỗ trợ ngày càng tăng từ phía chính phủ và công chúng của họ. Một phong trào vận động hành lang non trẻ đang nổi lên tại một số nước nhằm thúc đẩy sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của nhà nước trong việc giúp ngư dân tiến sâu vào các vùng lãnh hải. Tuy nhiên, tính chất an ninh hóa ngày càng mạnh mẽ đối với các tranh chấp về hàng hải và lãnh thổ tại Biển Đông đã đặt các ngư dân trong khu vực vào tình cảnh bấp bênh. Hoạt động kiếm sống của họ ngày càng bị coi là những công cụ để triển khai những chính sách của các chính phủ của họ. 

Khi sự khác biệt giữa các lợi ích kinh tế tư nhân và các mục tiêu địa-chính trị trở nên không rõ ràng, hoạt động kinh tế tư nhân sẽ bị chính trị hóa. Các dự án được coi là tương đối "trung lập", chẳng hạn như việc xây dựng những trạm trú ẩn để bảo vệ ngư dân khi có bão, nay đã trở nên đáng ngờ và được báo động. Thực tế cho thấy những nơi trú ẩn như vậy cuối cùng có thể trở thành các căn cứ quân sự hoặc được sử dụng cho các mục đích kép. Một trường hợp điển hình là việc Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn (còn được gọi là Mischief Reef trong tiếng Anh hay Panganiban trong tiếng Philíppin) đang tranh chấp. Năm 1995, dự án này được tuyên bố là nhằm xây dựng nơi trú ẩn cho ngư dân, nhưng đến năm 1998, nó đã biến tướng thành một đơn vị đồn trú của quân đội Trung Quốc. 

Những ngư dân thâm nhập các vùng biển tranh chấp hiện nay được xem như một thách thức đối với chủ quyền của các quốc gia có yêu sách. Các cuộc xâm nhập như vậy gây ra những lời kêu gọi từ phía các nước tranh chấp đòi xử phạt nặng hơn đối với việc đánh bắt cá bất hợp pháp, gây khó cho các chính phủ trong việc phóng thích những người vi phạm, vì lo ngại phản ứng dữ dội từ trong nước. 

Việc thông qua các đạo luật trong nước nhằm chính thức hóa các yêu sách ở Biển Đông cũng là một diễn biến đáng lo ngại. Hệ quả là tạo ra động lực cạnh tranh giữa các bên tranh chấp nhằm tăng cường năng lực của hải quân và lực lượng tuần duyên, làm trầm trọng thêm bầu không khí căng thẳng và gây bất ổn thêm cho khu vực. Các yêu sách chồng lấn các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và tranh cãi về quyền khai thác tài nguyên tại Biển Đông đã thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí hải quân trong khu vực, mà Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc xây dựng lực lượng tuần tra, bảo vệ bờ biển và phát triển chiến hạm nhằm triển khai trong thập kỷ tới. 

Động lực đó rõ ràng là không bền vững. Sinh kế của ngư dân và bản chất di cư của các nguồn hải sản đòi hỏi một chiến lược hợp tác chung giữa các quốc gia ven biển nhằm quản lý bền vững môi trường và sinh thái biển. Thỏa thuận về các mùa khai thác hải sản, giới hạn mức đánh bắt tối đa, cấm đánh bắt một số loài hải sản và bảo vệ ngư dân khỏi các vụ bắt giữ đơn phương là có thể tạo thuận lợi cho việc đối thoại không mang màu sắc địa-chính trị.

Tác giả Lucio Blanco Pitlo III là nhà nghiên cứu độc lập chính sách đối ngoại Philippines và các vấn đề an ninh biển, đồng thời ông từng là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Châu Á, đại học Philippines.

Thuỳ Anh (gt)