Một số chuyên gia chứng khoán cho rằng trong bối cảnh đối đầu giữa các nước vùng Vịnh Péc-xích với các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ, giá dầu thế giới có thể giảm xuống 20 USD/thùng. Từ đầu năm nay, trên sàn giao dịch dầu mỏ Nymex, khối lượng dầu mác WTI bán theo hợp đồng giao dầu vào tháng 6/2015 với mức giá 20 USD/thùng lên tới 13 triệu thùng. Ngày 13/1, giá dầu Brent tụt xuống 45,19USD/thùng.

Theo các nhà phân tích việc dầu Brent mất giá chứng tỏ thể trạng yếu kém của nền kinh tế châu Âu và lệnh cấm xuất khẩu dầu thô từ Mỹ được áp dụng từ những năm 1970 có thể giảm nhẹ. Ngày 12/1, một trong những ngân hàng có ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường nhiên liệu là Goldman Sachs đã giảm bớt giá dầu quốc tế trong dự báo của mình xuống 20-33 USD/thùng. Những chuyên gia phân tích của ngân hàng này dự báo mức giá trung bình dầu Brent năm 2015 ở mức 50,4 USD/thùng, năm 2016 là 70 USD (dự báo cũ của họ lần lượt là 83,8 và 90 USD/thùng). Dầu WTI của Mỹ theo dự báo mới của Goldman Sachs dự đoán có giá 47,1 USD/thùng vào năm 2015 và 65 USD/thùng vào năm 2016. Bank of America Merrill Lynch dự báo trong ngắn hạn dầu Brent sẽ giảm xuống dưới 40 USD/thùng.

Các nhà phân tích cho rằng việc giảm giá dầu như vậy sẽ dẫn tới việc Ả Rập Xê Út hoặc các nước không nằm trong OPEC giảm sản lượng khai thác.

Theo chuyên gia tài chính Bershytsky nhận định thì thảm họa tài chính đang xảy ra ở Nga trong 4 tháng gần đây khi giá dầu Brent tụt giảm 50% đang có tác dụng ngược, có thể đánh vào chính ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ năm 2015. Trong khi Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập và các nước Trung Cận Đông không giảm sản lượng khai thác thì giá dầu có thể tụt dốc xuống mức các nhà sản xuất ở Mỹ phải bắt đầu ngừng khai thác dầu đá phiến.

Đại diện các nước OPEC tuần trước tuyên bố họ sẽ không giảm sản lượng khai thác dầu dù giá có thấp thế nào chăng nữa, thậm chí Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Ả Rập Xê Út còn tuyên bố thậm chí giá dầu xuống đến 20 USD/thùng cũng không khiến họ nghĩ lại quyết định của mình. Lúc đầu, người Mỹ trả lời rất tự tin và điềm tĩnh: Họ sẽ không dừng sản xuất khi giá dầu quá thấp vì giá thành khai thác từ các mỏ hiện còn thấp hơn; OPEC sẽ thua cuộc bởi hệ thống an sinh xã hội ở các nước thành viên OPEC phụ thuộc vào giá dầu. Tâm trạng lạc quan cũng được thể hiện rõ qua thái độ kiêu ngạo của Nga, khi giá dầu bắt đầu giảm. Vào tháng 10 năm 2014, Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng “không có một đối thủ nghiêm túc nào” lại thích thú vào mức giá dầu dưới 80 USD/thùng. Thái độ tự an ủi mình của Nga dẫn nước này tới miệng hố nguy hiểm: Công ty Fitch đã hạ chỉ số tín nhiệm của nước này xuống một bậc, ở mức “báo động đỏ” và có thể còn hạ mức tín nhiệm xuống thấp hơn khi đồng Rúp tiếp tục mất giá và giá dầu tiếp tục giảm.

Trong cuộc chiến giá dầu, tất cả các bên đều chịu thiệt hại một cách tuyệt đối, còn thắng lợi chỉ là tương đối. Kẻ thắng cuộc là người chịu đựng thiệt hại tốt hơn mà thôi. Tại thời điểm này, dấu hiệu duy nhất chứng tỏ việc khai thác dầu ở Mỹ có thể giảm bớt là số lượng các giàn khoan ở Mỹ ngày càng ít đi: Tuần trước đã giảm xuống 1750 giàn, ít hơn 61 giàn khoan so với tuần trước nữa và giảm 4 lần so với năm 2014. Tuy nhiên, khai thác dầu hiện đang ở mức kỷ lục. Trong tuần từ 29/12/2014 đến 2/1/2015, sản lượng khai thác đã đạt 9,13 triệu thùng/ngày. Các công ty khai thác dầu chỉ dừng khai thác ở các mỏ dầu kém trữ lượng, công suất khai thác thấp. Với mức giá hiện nay, các mỏ dầu không phải bồi hoàn các chi phí thuê thiết bị. Vì vậy, không ai giảm sản lượng, giá dầu tiếp tục đi xuống: Hiện giá đã ở mức 48,27 USD/thùng và còn tiếp tục giảm.

Theo phân tích mới nhất của Công ty tư vấn Wood McKenzie, “khi giá dầu Brent ở mức 40 USD/thùng và thấp hơn thì sẽ buộc các nhà sản xuất giảm lượng khai thác xuống mức sao cho nguồn cung dầu giảm xuống. Theo Goldman Sachs, khi giá dầu xuống dưới 40 USD thì các nhà khai thác dầu đá phiến sẽ giảm sản lượng khai thác đi 1,5 triệu thùng dầu Brent/ngày. Vấn đề mà các nhà khai thác dầu Mỹ phải đối mặt hiện nay là không thể tái đầu tư các khoản vay khi họ chịu lỗ. Vào lúc đó, nếu như giá dầu vẫn ở mức thấp thì các công ty phải đi vay nợ nhiều sẽ phá sản, còn những công ty khá hơn cũng không thể thanh toán nợ bởi họ không có đủ tiền và cũng không nhận được sự tin tưởng của các nhà đầu tư, những người có thể giúp họ thanh toán nợ. Việc không có khả năng thanh toán và không thể mở rộng sản xuất kết cục sẽ dẫn tới việc cắt giảm khai thác. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ vẫn dự báo như trước rằng khai thác dầu của Mỹ sẽ ở mức trung bình khoảng 9,3 triệu thùng/ngày, tức nhiều hơn 700 nghìn thùng/ngày so với năm 2014. Nhưng nếu giá dầu xuống 40 USD/thùng thì nên quên đi dự báo này. Thậm chí bây giờ có thể nói là dự báo này quá lạc quan.

Liên quan đến Ả Rập Xê Út và Tiểu các vương quốc Ả Rập thống nhất, thì họ sẽ vẫn tiếp tục khai thác dầu. Đây là các quốc gia chứ không phải các công ty khai thác dầu và họ không thể đơn giản là “đóng cửa hàng và đi về nhà” - họ cần phải bù đắp tài chính cho ngân sách của mình và không thể tìm kiếm nguồn khác thay thế dầu để bù đắp cho dự trữ ngoại tệ quốc gia. Còn Nga, nước khai thác dầu đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Ả Rập Xê Út đang ở trong tình thế nguy ngập hơn các vương quốc ở Trung Cận Đông, nhưng nước này cũng ở trong tình trạng tương tự: Dầu có một ý nghĩa sống còn.

Cuộc đấu này có thể khốc liệt và kéo dài và không ai có thể biết kết cục sẽ như thế nào. Không thể cho rằng giá dầu sẽ thay đổi linh hoạt theo quy luật cung cầu trong ngắn hạn. Trong năm nay, giá dầu sẽ phụ thuộc đáng kể vào mức độ thông tin và phản ứng của thị trường. Làn sóng phá sản trong lĩnh vực công nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ có thể dẫn tới tăng giá dầu, và điều này có thể là nhân tố tiêu cực đối với các nhà cung cấp.

Cũng không thể đoán trước được giá dầu sẽ tăng lên bao nhiêu. Trên thực tế, giá dầu có thể tăng lên tới mức để cho phép tăng cường nỗ lực của các nhà khai thác dầu đá phiến, mang lại cho ngành công nghiệp này “một khoảng nghỉ lần thứ hai” và kết quả là các nước OPEC, Nga, Mêhicô và Na Uy vẫn phải vật lộn với các vấn đề lớn. Khi các mức giá vẫn duy trì thấp như vậy, một mức khiến Mỹ phải quên đi sự phát triển bùng nổ ngành khai thác dầu đá phiến, một điều sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế của Mỹ.

Có thể, đối với chính phủ Mỹ, hiện nay đã đến lúc họ phải suy nghĩ có nên tiếp tục đánh cược vào cuộc chiến giá dầu với tư cách là quốc gia có chủ quyền. Điều này có nghĩa là phải trợ giúp tài chính hoặc trợ cấp tạm thời cho các công ty khai thác dầu đá phiến. Kết cục, vào thời điểm hiện nay họ phải cạnh tranh với các quốc gia khác chứ không phải với các công ty khai thác dầu khí thông thường.

Theo The Times

Văn Cường (gt)