Trung Quốc là một trong những đối tác đang có ảnh hưởng lớn đối với ASEAN do nước này là một cường quốc tại châu Á - Thái Bình Dương và mối quan hệ giữa Bắc Kinh với ASEAN đã phát triển thực chất trong 25 năm qua. Về mặt kinh tế, tác động tổng thể với ASEAN cơ bản là tích cực với việc hai bên ký thỏa thuận đối tác chiến lược vào năm 2003 và kim ngạch thương mại dịch vụ hai chiều đã đạt tới 400 tỷ USD vào năm 2013. Tuy nhiên, trong lĩnh vực chính trị và an ninh thì dường như không được khả quan do cách hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Điều đó đang khiến nhiều nước Đông Nam Á muốn hướng tới Mỹ hơn chính bản thân ASEAN để bảo đảm quốc phòng, an ninh của mình.

Về phần mình, Mỹ có 3 lý do chính để hỗ trợ sự phát triển của cộng đồng ASEAN. Thứ nhất, hội nhập kinh tế ASEAN sẽ giúp tăng cường các mối quan hệ thương mại song phương và đầu tư đang ngày càng phát triển giữa Mỹ và các nước thành viên ASEAN. Thứ hai, thúc đẩy hợp tác an ninh theo hướng đa phương hơn sẽ trực tiếp góp phần chia sẻ gánh nặng. Thứ ba, một ASEAN hội nhập đầy đủ có thể giúp cân bằng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, đảm bảo sự tiếp cận đối với các tuyến hàng hải trọng yếu tại Biển Đông và đem lại sự cân bằng hơn đối với các diễn đàn Đông Á quan trọng mà Mỹ tham gia.

Mỹ có thể giúp hỗ trợ sự phát triển thể chế của Cộng đồng ASEAN bằng nhiều cách khác nhau. Về kinh tế, Mỹ có thể tăng cường sự hội nhập khu vực và củng cố tự do hóa thương mại thông qua mở rộng quy chế thành viên TPP đối với các nước trong Hiệp hội. Về chính trị và an ninh, Mỹ có thể đề xuất Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng  ASEAN những kế hoạch chung nhằm tăng cường khả năng tương tác quân sự. Ngoài ra, quyền lực mềm của Mỹ có thể được sử dụng để thúc đẩy những chương trình nhằm gắn kết đầy đủ xã hội dân sự trong toàn ASEAN.

Mặc dù cả Trung Quốc và Mỹ đều đang có ảnh hưởng đối với quá trình hội nhập ASEAN, nhưng kết quả cuối cùng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ASEAN. ASEAN có đoàn kết nội khối, có đạt được vai trò trung tâm hay không vẫn là do nỗ lực của toàn bộ các nước thành viên. Trong bối cảnh này, nhiều bất ổn vẫn đang hiện hữu do các nước thành viên của Hiệp hội tiếp tục theo đuổi những nguyên tắc cũ như đồng thuận, không can thiệp và phi chính thức. Sau 60 năm thành lập, ASEAN đang đối mặt với một thời điểm then chốt phải lựa chọn giữa việc giành vị trí dẫn dắt hợp tác khu vực tương lai hoặc vai trò thu nhỏ lại so với trước đây.

Theo The National Interest.

Duy Anh (gt)