rising china.jpg

Giới truyền thông của Mỹ và phương Tây gần đây đưa tin nhiều về một số quan ngại, bao gồm: (i) Các công trình xây dựng của Trung Quốc ở trên Biển Đông; (ii) Kế hoạch triển khai sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, nhất là dự định xây dựng mạng lưới đường sắt. Tại Đông Nam Á, Trung Quốc đang xây dựng hệ thống đường sắt nối vùng Hoa Nam tới Lào, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Nhìn nhận từ khía cạnh “bành trướng” của Trung Quốc, có thể thấy việc xây dựng mạng lưới đường sắt ngày hôm nay là chỉ dấu cho thấy Đông Nam Á có khả năng rơi vào “sự thống trị” của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Nhật Bản, một trong những nhân tố quan trọng ở khu vực, cũng đang thúc đẩy mạng lưới đường sắt ở Đông Nam Á. Hệ thống đường sắt, đường bộ do Nhật thúc đẩy nằm trong kế hoạch tổng thể xây dựng Hành lang Kinh tế Đông - Tây nối từ Việt Nam sang Lào, Thái Lan và Myanmar.

Trong bối cảnh đó, có thể thấy dường như Trung Quốc sẽ là “đối thủ cạnh tranh đáng gườm” đối với Nhật Bản. Hiện các kế hoạch đường sắt của Trung Quốc đang tiến triển thuận lợi, trong khi các dự án của Nhật tiến triển chậm chạp. Lào và Thái Lan đang cân nhắc sử dụng nguồn vốn của Trung Quốc để mở đường cho Trung Quốc sang Vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, đối với sự cạnh tranh Nhật - Trung trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng hiện nay, cần cân nhắc các nhân tố sau:

Thứ nhất, hiện hầu hết các dự án đường sắt lớn của Nhật Bản và Trung Quốc đều chưa được triển khai mạnh trên thực tế. Bên cạnh đó, tuyến đường do Nhật Bản đề xuất có lợi thế địa chính trị quan trọng hơn tuyến do Trung Quốc đề xuất. Cụ thể, hành lang Đông - Tây của Nhật Bản sẽ giúp cắt ngắn quãng đường vận chuyển đường biển qua eo biển Malaca, khu vực hiện đang quan trọng với cả Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, hệ thống đường sắt của Trung Quốc phải đi qua Thái Lan, thay vì Myanmar, do đó ít có tác dụng giúp Trung Quốc thay thế tuyến đường biển qua Malaca.

Thứ hai, hiện Nhật Bản có ưu thế hơn so với Trung Quốc trong việc phát triển cơ sở hạ tầng do đã có kinh nghiệm hàng chục năm tại Đông Nam Á. Nhật Bản đã xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan. Một số dự án điển hình như khoản ODA trị giá 320 triệu USD cấp cho Việt Nam để xây đường cao tốc vào tháng 1/2014, và khoản ODA trị giá 150 triệu ODA cấp cho CPC.

Bên cạnh đó, Nhật Bản có năng lực huy động nguồn lực đa dạng hơn Trung Quốc. Trong các dự án cơ sở hạ tầng, Nhật Bản có thể huy động nhiều đối tác đa dạng như các doanh nghiệp tư nhân (Mitsubishi, Toyota, Nintendo, và Sumitomo Mitsui Financial Group), các tổ chức Chính phủ của Nhật Bản như Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản, và các tổ chức đa phương như ADB.

Thứ ba, so với mô hình phát triển của Nhật Bản, các dự án của Trung Quốc mang tính “chính trị nhiều hơn”, chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước triển khai. Một số dự án cơ sở hạ tầng thời gian qua của Trung Quốc tại khu vực đã thất bại, điển hình là dự án xây dựng đường ống dẫn dầu tại Myanmar. Trong khi đó, các dự án của Nhật Bản có sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo sự gắn kết giữa lợi nhuận của doanh nghiệp Nhật và thúc đẩy hội nhập kinh tế tại Đông Nam Á.

Theo “The Diplomat

Hương Trà (gt)