Tại Hội nghị Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) lần thứ 14 diễn ra ở Thanh Đảo (Trung Quốc) tháng 4 vừa qua, 21 nước thành viên đã nhất trí về Bộ quy tắc về các vụ đụng độ không báo trước trên biển (CUES). Đây là văn bản hướng dẫn các biện pháp thông tin liên lạc cần thiết cho tàu hải quân và máy bay khi gặp nhau không báo trước ở những vùng biển cụ thể. CUES bắt đầu được thảo luận từ hội nghị WPNS lần thứ 7 năm 2000. Tại hội nghị WPNS gần đây nhất tại Thái Lan năm 2012, Trung Quốc là nước duy nhất phản đối CUES vì theo Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Đinh Nhất Bình, cụm từ "bộ quy tắc" dường như mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Ngược lại, CUES hoàn toàn chỉ là một thỏa thuận không ràng buộc, chỉ ra cách thức liên lạc giữa hải quân các nước trên biển. Vùng biển phía Tây Thái Bình Dương vốn ẩn chứa nhiều nguy cơ gây bất ổn với nhiều vụ va chạm xảy ra giữa hải quân các nước. Đầu năm 2013, tàu chiến Trung Quốc đã hướng rađa điều khiển hỏa lực nhằm vào tàu hộ tống và máy bay trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Vụ việc đã đẩy căng thẳng giữa hai nước leo thang, khiến bầu không khí ở khu vực tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku "nóng" lên nhanh chóng. Cuối năm 2013, ở vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông, tàu chiến Trung Quốc và Mỹ suýt va chạm. Tuần dương hạm có tên lửa dẫn đường USS Cowpens của Mỹ đã phải chuyển hướng khẩn cấp để tránh va phải một tàu chiến Trung Quốc. Ngay trước đó, Trung Quốc đã tuyên bố thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông. 

Những vụ việc này nhấn mạnh tới sự cần thiết phải hình thành một cơ chế trao đổi thông tin giữa hải quân các nước nhằm tránh nguy cơ đẩy căng thẳng lên cao và làm bùng nổ xung đột. Trong khuôn khổ CUES, tàu chiến và máy bay được hướng dẫn cách thức liên lạc bằng âm thanh, ánh sáng và cờ hiệu để tránh đụng độ. Trên thực tế, những nội dung này cũng đã được Quy tắc quốc tế về ngăn chặn va chạm trên biển 1972 (COLREGs) đề cập đến. Tuy nhiên, CUES có thể phát huy hiệu quả đáng kể trong những trường hợp thiếu thông tin liên lạc. Đối với vụ chĩa rađa vào tàu Nhật Bản, các tàu chiến Trung Quốc đã không cố gắng kết nối thông tin liên lạc. Còn với vụ suýt va chạm giữa tàu chiến Trung Quốc và Mỹ, thì chất lượng của hệ thống thông tin liên lạc không được tốt.

Không thể phủ nhận một thực tế rằng tình trạng nghi kỵ lẫn nhau vẫn đè nặng lên hải quân các nước phía Tây Thái Bình Dương. Tranh chấp chủ quyền biển đảo đã đẩy họ vào trạng thái luôn cảnh giác và đề phòng bất cứ động tĩnh nào của đối phương. Vì vậy, CUES được đánh giá là một trong những bước đi quan trọng nhằm xây dựng lòng tin giữa hải quân các nước, nhưng cũng khó có thể làm thay đổi hoàn toàn hiện trạng. Trước hết, CUES chỉ áp dụng cho lực lượng hải quân, trong khi đa số các vụ va chạm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông lại do các tàu hai giám, ngư chính gây ra.

CUES sẽ phải đối mặt với vô số rào cản, khiến nó khó có thể phát huy tác dụng giảm thiểu nguy cơ va chạm và xung đột trên biển. Cho đến thời điểm này, mọi người cũng chưa rõ lực lượng tuần duyên Trung Quốc có tuân thủ nghiêm túc các quy định CUES hay không? CUES chỉ được áp dụng ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và trên biển, chứ không phải ở lãnh hải. Vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ viện cớ này để từ chối áp dụng CUES ở những vùng biển đảo tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. 

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, việc đạt được CUES cũng có thể coi là bước ngoặt quan trọng, giúp các nước tiếp tục nuôi hy vọng vào một tương lai sáng lạn khi họ tin tưởng nhau hơn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều thách thức đe dọa đến hiệu quả áp dụng của nó trên thực tế. Vì vậy, CUES cần được mở rộng phạm vi áp dụng, không chỉ là đối với hải quân mà còn các lực lượng khác tham gia hoạt động hàng hải, nhằm ngăn chặn nguy cơ va chạm và xung đột trên biển, tiến tới xây dựng lòng tin vững chắc hơn.

Theo IISS (ngày 1/5)

 Mỹ Anh (gt)