Trong một trình tự hết sức cấp bách, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các biện pháp khắc khổ tiết kiệm điện; đưa các nhà máy thủy điện dự phòng vào hoạt động. Và điều quan trọng nhất là tăng đáng kể công suất các nhà máy nhiệt điện nhờ tăng mạnh khối lượng nhập khẩu các loại nguyên liệu sản xuất năng lượng như dầu lửa, than đá, nhưng chủ yếu vẫn là khí hóa lỏng. Kết quả là đất nước “Mặt Trời mọc” lần đầu tiên trong nhiều năm qua, do phải tăng khối lượng nhập khẩu, đã dẫn đến thâm hụt cán cân thanh toán. Vì giá nhiên liệu tăng cao, các công ty cung cấp điện bị tổn thất tài chính khá nặng nề. Đương nhiên, họ cũng đã được bù đắp một phần nhờ sự tăng giá điện - năm 2013 tăng 9,75%, còn năm 2014 tăng 15%. 

Nếu ngay sau sự cố Fukushima, để đáp ứng các cuộc biểu tình của công dân phản đối việc vận hành các nhà máy điện hạt nhân, chính quyền đã đưa ra nhiều tuyên bố chính thức về ý định sẽ từng bước giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và thậm chí trong tương lai sẽ loại bỏ hoàn toàn các nhà máy điện hạt nhân, thì tháng 5/2014 Chính phủ Nhật Bản đã thông qua một chiến lược năng lượng mới, trong đó bao gồm cả việc buộc phải trở lại sử dụng năng lượng hạt nhân, khởi động lại các lò phản ứng sau khi đã kiểm tra thấy phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn mới. Dự kiến năm 2015 Nhật Bản sẽ đưa vào vận hành bốn lò phản ứng đã trải qua các thử nghiệm cần thiết. 

Tuy nhiên, Chính phủ sẽ phải tính đến phong trào rộng lớn của các lực lượng phản đối điện hạt nhân. Đặc biệt, phong trào phản đối khởi động lại các lò phản ứng vẫn đang tiếp diễn rất gay gắt ngay tại vùng lân cận xung quanh các nhà máy điện hạt nhân. 

Từ tháng 1/2013, ông Shinzo Abe, thủ lĩnh Đảng Dân chủ Tự do, đã trở thành Thủ tướng Nhật Bản. Ông đề ra nhiệm vụ đưa nền kinh tế xứ sở “Mặt Trời mọc” thoát khỏi tình trạng suy thoái kéo dài và nâng thứ hạng quốc gia này trên thế giới. Chương trình chấn hưng các hoạt động kinh tế được gọi là Abenomics, trong đó có các biện pháp giảm tỷ giá đồng yên để kích thích xuất khẩu. Thế nhưng, khi đồng nội tệ mất giá lại dẫn đến tăng giá nhập khẩu năng lượng. Bất chấp giá dầu lửa trên thế giới giảm mạnh, thâm hụt cán cân thương mại của Nhật Bản trên thực tế hầu như không hề được cải thiện. Năm 2015 dự kiến giá điện sẽ còn tăng thêm 10%. 

Trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 12 vừa qua, Đảng Dân chủ Tự do giành được chiến thắng vang dội, đảm bảo một đa số tuyệt đối tại quốc hội. Và như vậy, ông Shinzo Abe đã nhận được nhiệm vụ điều hành chính phủ thêm bốn năm nữa. Điều đó có nghĩa là chương trình Abenomics sẽ được tiếp tục, nó sẽ giải quyết vấn đề cung cấp điện với cái giá đủ để kích thích sản xuất và không gây ra làn sóng bất bình của người dân. Trong chính sách đối ngoại, hy vọng Nhật Bản sẽ tiếp tục đường lối mà ông Shinzo Abe đã tuyên bố sẽ phát triển các mối quan hệ đa phương với Nga và tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình. 

Mặc dù cũng tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga của nhóm nước G7, thế nhưng Nhật Bản áp dụng các hình thức hạn chế, bớt cứng rắn nhất và chứng minh sẵn sàng duy trì các kênh giao tiếp cơ bản. Trong thời gian từ tháng 6 – tháng 12/2014, tại Nhật Bản Lễ hội Văn hóa Nga đã diễn ra thành công. Tháng 9/2014, tại Moskva đã diễn ra diễn đàn rộng mở của các đại diện giới doanh nghiệp hai nước. Tháng 10/2014, tại một địa điểm gần Vladivostok đã diễn ra cuộc tập trận chung Nga-Nhật về tìm kiếm và cứu nạn trên biển, với sự tham gia của các tàu thuộc hạm đội Thái Bình Dương của Nga và Lực lượng Phòng vệ của Hải quân Nhật Bản. 

Tháng 11/2014 bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, tại Bắc Kinh, đã diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong bầu không khí ấm áp, hai bên khẳng định các mối quan hệ tin cậy giữa các nhà lãnh đạo hai nước. 

Hai bên đã đạt được thỏa thuận về “một khởi đầu cụ thể”, chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Nga đến Nhật Bản vào năm 2015. Liên quan đến chuyến thăm này, hai bên bắt tay soạn thảo một chương trình mang tính chiến lược trên lĩnh vực hợp tác năng lượng Nga-Nhật. Cụ thể là khởi động một công trình nghiên cứu chung về các dự án xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt dưới đáy biển từ Sakhalin (Nga) tới Hokkaido (Nhật Bản) và xa hơn nữa tới Honshu. Đồng thời, cũng tiếp tục xem xét các dự án xây dựng một “cây cầu năng lượng” – nghĩa là xây dựng một nhà máy nhiệt điện ở Sakhalin trên cơ sở dùng than của địa phương và truyền tải điện từ đó tới Hokkaido bằng đường cáp đặc biệt. 

Dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt mang ý nghĩa quan trọng đặc biệt và đầy triển vọng trong sự hợp tác Nga-Nhật. Hiện tại, Nhật Bản nhập khẩu khí đốt ở dạng khí hóa lỏng. Giá mua thứ nhiên liệu này vốn đã cao hơn mức trung bình của thế giới, hơn nữa nó còn đòi hỏi quá trình tái sinh rất phức tạp, hệ thống công nghệ bao gồm nhiều bước mới có thể cung cấp khí đốt tới người tiêu dùng. Đường ống dẫn khí tự nhiên sẽ rẻ hơn rất nhiều. Và việc thực hiện toàn bộ dự án, bao gồm cả việc xây dựng các mạng lưới đường ống và phân phối, theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản và các chuyên gia tư nhân, sẽ đạt hiệu quả tiết kiệm hơn rất nhiều, so với bất cứ dự án nào hiện đang được phát triển theo kênh giao hàng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) cho Nhật Bản, từ các nước Đông Phi, Australia, hay Mỹ. 

Đặc biệt, đây cũng chính là kết luận của các chuyên gia thuộc Ủy ban phát triển và sử dụng các cơ sở hạ tầng đối với khí tự nhiên (một cơ cấu vừa được thành lập vào tháng 1/2014, bao gồm đại diện của 30 công ty) và các chuyên gia của tập đoàn dầu lửa, khí đốt và kim loại Nhật Bản. 

Đáng chú ý là không chỉ các công ty sản xuất đường ống và các thiết bị cho hệ thống đường ống, các nhà cung cấp điện và các chủ sở hữu mạng lưới phân phối điện mà thậm chí cả các công ty sản xuất khí tự nhiên cũng bày tỏ sẵn sàng tham gia thực hiện dự án này. Ở đây cũng cần nói thêm rằng các đơn vị kinh tế này hăng hái tham gia vì xuất phát từ thực tế rằng đây là nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ. (Theo một phương án của dự án này, đường ống đi qua Hokkaido sẽ được chia thành hai nhánh - một nhánh chạy dọc theo tuyến phía Tây đến Tokyo, còn nhánh thứ hai theo tuyến phía Đông đến Niigata). Chúng sẽ góp phần chấn hưng các hoạt động kinh tế ở khu vực phía Bắc đất nước kém phát triển và di chuyển tới đó một loạt nhà máy công nghiệp từ khu vực miền Trung và miền Nam, nơi lâu nay đã phát triển quá tải. Điều này, đến lượt nó, sẽ đẩy nhanh sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế của Nhật Bản. 

Các tác giả bài viết này gần đây đã đến Nhật Bản gặp gỡ với nhiều nhà hoạt động chính trị và xã hội có ảnh hưởng, cũng như đã tiếp xúc với các đại diện của một số công ty lớn, để có thể xác minh rằng dự án đường ống dẫn khí tự nhiên đã có sự ủng hộ của đông đảo các giới và ngày càng tăng lên trong xã hội Nhật Bản, kể cả chính giới, giới kinh doanh và những người quản lý, điều hành đất nước. Một số đại biểu quốc hội Nhật Bản đã thành lập một nhóm hỗ trợ dự án. Việc tăng cường cung cấp khí đốt và dầu mỏ từ Nga sẽ tăng lên hai lần (hiện nay trong khối lượng nhập khẩu năng lượng của Nhật Bản, thị phần của Nga chỉ chiếm khoảng 10%) không bị coi là một yếu tố gây ra “sự phụ thuộc quá mức” theo quan điểm an ninh quốc gia. Chính các nhà đối thoại Nhật Bản vẫn thường thuyết phục và thúc giục chúng ta rằng dự án “Sakhalin-Nhật Bản” là dự án có triển vọng, khả năng sinh lời cao và thực tế hơn cả. Họ cũng đã nêu rõ tất cả những luận cứ rất thuyết phục về dự án này. 

Trước hết, các luận cứ đó ghi nhận rằng dự án này không thể bị trừng phạt. Nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu không bị đặt vào diện nghi vấn. Thực hiện dự án này không đòi hỏi sử dụng các công nghệ mới - khí đốt sẽ được cung cấp từ các mỏ đang hoạt động “Sakhalin-1”, các trạm máy nén khí đều đã được xây dựng. Ngoài ra, dự án sẽ không đòi hỏi đầu tư lớn từ phía Nga, nghĩa là không cần phải vay vốn. Chiều dài của phần đường ống bên phía Nga chỉ khoảng 60 km. Phần còn lại sẽ do phía Nhật Bản xây dựng. 

Không có gì phải nghi ngờ về khả năng đặt các đường ống dưới đáy biển trong một khu vực hay xảy ra địa chấn. Công nghệ hiện đại cho phép giải quyết vấn đề này. Do đó, tiếng nói của các lực lượng phản đối dự án đang yếu dần. 

Ngoài ra, ở Nhật Bản ngày càng có nhiều mối quan ngại trước sự tái lập quan hệ chính trị và kinh tế giữa Nga với Trung Quốc, mà về lâu dài, nếu không loại bỏ, có thể có những khía cạnh chống Nhật Bản. Thế nhưng, hoàn toàn có thể tin tưởng vững chắc rằng sự hợp tác năng lượng với Nga được coi là nằm trong mạng lưới bảo hiểm an toàn. 

Tất nhiên, sẽ là ngây thơ nếu tin rằng không có một đối thủ nào trong việc thực hiện dự án đường ống dẫn khí đốt, cũng như sự hình thành các quan hệ hợp tác năng lượng giữa Nga và Nhật Bản, đương nhiên, không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở cả Mỹ. 

Tuy nhiên, không có gì phải nghi ngờ rằng trong điều kiện các biện pháp trừng phạt hiện nay và những lợi ích của việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững, lâu dài trong lĩnh vực năng lượng giữa Nga và Nhật Bản, việc bắt đầu một công trình cụ thể - xây dựng đường ống dẫn khí đốt Sakhalin-Nhật Bản và cầu năng lượng Sakhalin-Hokkaido - sẽ là tiền đề vô cùng quan trọng để thiết lập bầu không khí thuận lợi và ổn định cho khu vực.

Theo Báo Độc lập, Nga

Thanh Bình (gt)