(1) Quan hệ với láng giềng: giải quyết tranh chấp bằng đàm phán

Phóng viên Đài Tiếng nói Trung ương Trung Quốc: Ông đánh giá thế nào về quan hệ Trung Quốc với các nước láng giềng?

Dương Khiết Trì: Nhìn vào quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, tôi cho rằng chúng ta cần phải nhìn vào xu thế phát triển, xu thế căn bản của quan hệ này hiện nay là tốt. Thế giới này là một thế giới rất không cân bằng, có người thì giữ chiếc micro lớn, có người chỉ có chiếc micro nhỏ, có người lại không có micro, nhưng tôi luôn cho rằng những con số quan trọng hơn là chiếc micro. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước láng giềng, tổng kim ngạch thương mại năm 2011 của Trung Quốc với các nước Châu Á đã đạt trên 1.000 tỷ USD, tổng đầu tư của Trung Quốc tại khu vực Châu Á đạt gần 20 tỷ USD. Đối với những mâu thuẫn và bất đồng giữa Trung Quốc với một số nước láng giềng, Trung Quốc sẵn sàng giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại và hiệp thương. Ở đây tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh vấn đề Biển Đông, Trung Quốc nhất quán chủ trương lấy sự thực làm cơ sở. Dựa trên các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, các nước trực tiếp liên quan sẽ giải quyết thỏa đáng tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán hữu nghị. Trước khi tranh chấp được giải quyết, có thể thực hiện “gác tranh chấp, cùng khai thác”; Trung Quốc và các nước liên quan đã đạt được một loạt nhận thức chung quan trọng về giải quyết hòa bình tranh chấp và thúc đẩy hợp tác thiết thực tại Biển Đông, tuy nhiên cũng còn rất nhiều việc phải làm.

(2) Quan hệ Trung – Mỹ: Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nơi tập trung giao thoa lợi ích

Phóng viên Nhật báo Phố Wall: Có phải Trung Quốc xem việc Mỹ chuyển hướng trọng tâm chiến lược vào Châu Á là một mối đe dọa đối với Trung Quốc? Nếu đúng như vậy thì Trung Quốc sẽ dùng biện pháp gì để chống lại sự đe dọa này? Ngoài ra, với những căng thẳng trong một loạt vấn đề như Iran, Syria và nhiều vấn đề khác, Trung - Mỹ cần có biện pháp gì để làm sâu sắc tin cậy?

Dương Khiết Trì: Tôi cho rằng mặc dù giữa Trung Quốc và Mỹ tồn tại nhiều mâu thuẫn và bất đồng, nhưng xu thế phát triển về tổng thể vẫn là tiến lên chứ không thụt lùi. Khi xử lý quan hệ Trung - Mỹ, chúng tôi luôn cho rằng cần phải kiên trì tầm cao chiến lược và tầm nhìn xa trông rộng để xử lý quan hệ song phương; cần nắm chắc phương hướng lớn quan hệ đối tác hợp tác giữa hai nước. Hai bên cần trước sau như một kiên trì các nguyên tắc đã nêu trong 03 thông cáo chung Trung – Mỹ và Tuyên bố chung Trung – Mỹ; hết sức tôn trọng lợi ích cốt lõi và những quan ngại lớn của bên kia. Phía Mỹ đặc biệt cần giữ đúng cam kết, xử lý thận trọng và thỏa đáng những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc như Đài Loan, Tây Tạng v.v.. Tôi cho rằng hai bên cần tiếp tục làm sâu sắc sự trao đổi và điều phối, thông qua các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, các kênh tiếp xúc như đối thoại kinh tế và chiến lược…, tăng cường tin cậy chiến lược, xây dựng cục diện quan hệ nước lớn tốt đẹp, hợp tác cùng thắng.

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nơi tập trung giao thoa lợi ích của Trung Quốc và Mỹ. Tình hình và xu thế tổng thể của khu vực này hiện nay theo tôi là “mong muốn hòa bình, tìm kiếm phát triển, thúc đẩy hợp tác”. Trong cộng đồng quốc tế, Trung Quốc với các quốc gia khác, bất luận là nước lớn hay nước nhỏ, nước mạnh hay nước yếu, nước giàu hay nước nghèo, cũng đều là một thành viên bình đẳng. Mọi con đường của Trung Quốc đều hướng về Châu Thái Bình Dương, đều hướng ra thế giới.Tôi cho rằng các bên liên quan đều cần ra sức nỗ lực cho hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc hy vọng và hoan nghênh Mỹ phát huy vai trò mang tính xây dựng ở khu vực này. Đương nhiên, cũng hy vọng Mỹ tôn trọng những lợi ích và quan ngại của Trung Quốc.Trong vấn đề Syria và Iran, Trung - Mỹ đang duy trì sự liên lạc thông suốt và chặt chẽ. Tóm lại, khu vực Trung Đông hòa bình, ổn định và phát triển không chỉ phù hợp với lợi ích căn bản của người dân khu vực Trung Đông, mà đồng thời cũng phù hợp với lợi ích căn bản của cộng đồng quốc tế.

(3) Quan hệ Trung – Nga: tăng cường toàn diện hợp tác thiết thực

Phóng viên: Ông có bình luận gì về cuộc bầu cử Tổng thống vừa diễn ra tại Nga? Trung Quốc có cân nhắc thế nào về quan hệ đối tác hiệp tác chiến lược Trung - Nga trong thời gian tới?

Dương Khiết Trì: Chúng tôi được biết, cuộc bầu cử Tổng thống tại Nga đã diễn ra thuận lợi vào ngày 04/3 vừa qua. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã có điện chúc mừng tân Tổng thống đắc cử Putin. Chính phủ Trung Quốc sẽ kiên trì cùng với phía Nga thúc đẩy quan hệ đối tác hiệp tác chiến lược Trung - Nga, tăng cường toàn diện hợp tác thiết thực giữa hai nước. Quan hệ Trung – Nga năm nay có thể khái quát bằng “01 trung tâm, 05 trọng điểm”.“Một trung tâm” là quán triệt thực hiện toàn diện quy hoạch 10 năm phát triển quan hệ Trung – Nga; “05 trọng điểm” là: (i) làm tốt các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao trong năm nay; (ii) mở rộng sự ủng hộ lẫn nhau về chính trị; (iii) tăng cường thêm một bước hợp tác cùng có lợi trên các mặt kinh tế mậu dịch, tài nguyên năng lượng, khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng; (iv) tăng cường giao lưu nhân văn, đặc biệt là cần tổ chức tốt “Năm du lịch nước Nga 2012”; (v) thắt chặt hợp tác giữa hai nước trong các công tác khu vực và quốc tế.

(4) Quan hệ Trung – Nhật: tăng cường tình cảm nhân dân

Phóng viên báo Yomiuri Shimbun: Giữa Nhật Bản và Trung Quốc có một số vấn đề nhạy cảm. Trong tình hình đó, ông cho rằng cần làm gì để mở rộng tin cậy chiến lược Trung – Nhật, cải thiện tình cảm nhân dân hai nước?

Dương Khiết Trì: Chúng tôi hy vọng phía Nhật Bản sẽ hết sức nhận thức được tính chất phức tạp và nhạy cảm của những vấn đề tồn tại trong quan hệ Trung - Nhật, như vấn đề lịch sử và đảo Điếu Ngư. Những vấn đề này có liên quan đến nền tảng chính trị và đại cục quan hệ hai nước. Tôi cho rằng phía Nhật Bản cần thực sự lấy lịch sử làm gương, hướng tới tương lai, thiết thực lấy đại cục quan hệ hai nước làm xuất phát điểm, xử lý tốt những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước. Tôi cũng thực sự cho rằng cần phải bàn đến việc làm thế nào để nâng cao tin cậy chiến lược và cải thiện tình cảm giữa nhân dân hai nước. Mấu chốt của việc nâng cao tin cậy Trung – Nhật là cần nhìn nhận khách quan và đúng đắn trên phương diện chiến lược về sự phát triển của bên kia, thực sự coi sự phát triển của bên kia là cơ hội, coi bên kia là đối tác phát triển. Năm 2008, khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thăm Nhật Bản, lãnh đạo cấp cao hai nước đã tuyên bố văn kiện chính trị Trung – Nhật thứ tư; đã đạt được nhận thức chung quan trọng về việc hai nước “là đối tác hợp tác của nhau, không tạo thành mối đe dọa lẫn nhau”, “ủng hộ sự phát triển hòa bình của bên kia”… Biến những nhận thức chung này thành hành động cụ thể sẽ giúp sự tin cậy giữa hai bên không ngừng đi vào chiều sâu. Tôi cho rằng tăng cường tình cảm giữa nhân dân hai nước là một công trình mang tính hệ thống, cả hai bên đều cần phải có tầm nhìn xa trông rộng, làm việc nhiều tầng nấc, đặc biệt là cần làm tốt công tác giao lưu thanh niên, làm cho ngày càng nhiều người tham gia vào sự nghiệp hữu nghị giữa hai nước.

(5) Quan hệ Trung Quốc – EU: Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đầu tư vào Châu Âu

Phóng viên thông tấn xã Tây Ban Nha (EFE): Theo ông đồng Euro liệu còn có tương lai hay không? Nỗ lực giải quyết vấn đề nợ công Châu Âu liệu có mang lại cho Trung Quốc cơ hội đầu tư hay không? Ngoại trưởng đánh giá thế nào về quan hệ Trung Quốc – EU hiện nay?

Dương Khiết Trì: Lãnh đạo Trung Quốc và Châu Âu mới đây đã có cuộc gặp gỡ và đã đạt được kết quả quan trọng, Tôi cho rằng tương lai phát triển của quan hệ Trung Quốc – EU là hết sức tươi sáng. Đồng tiền chung Châu Âu mặc dù đã trải qua không ít khó khăn, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng Châu Âu và đồng Euro có đủ năng lực và trí tuệ để vượt qua khó khăn tạm thời, giải quyết tốt vấn đề nợ công, đón nhận tương lai phát triển mới.Trung Quốc luôn có niềm tin vào Châu Âu và đồng tiền chung Châu Âu, bằng cách thức của mình, chúng tôi luôn ủng hộ tài chính tiền tệ Châu Âu và đồng Euro ổn định; Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đầu tư vào Châu Âu, hướng tới mục đích cùng có lợi, cùng thắng./.

 Theo Fmprc (ngày 07/03)

Vũ Hiền (gt)