Bản đồ đính kèm Trung Quốc chính thức gửi LHQ

Phái đoán đại diện Thường trực Cộng hòa Philippines tại Liên Hiệp Quốc kính chào Ngài Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), và vui lòng đề cập đến Công hàm số CML/17/2009 ngày 7 tháng 5 năm 2009 và CML/18/2009 ngày 7 tháng 5 năm 2009 của Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa gửi cho Ngài Tổng thư ký LHQ.

Phái đoàn đại diện Thường trực Philippines nhận thấy Công hàm nói trên là phản ứng cụ thể đối với Báo cáo chung và Báo cáo riêng về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Malaysia. Tuy nhiên, vì các lý lẽ mà CHND Trung Hoa viện dẫn trong việc phản ứng lại các báo cáo nói trên không chỉ động chạm tới chủ quyền của riêng các đảo và "các vùng nước liền kề" ở Biển Đông, mà còn cả các "vùng nước liên quan cũng như đáy biển và tầng đất dưới đáy" như được biểu thị trong bản đồ đính kèm theo, với một ám chỉ rằng các yêu sách nói trên "được cộng đồng quốc tế biết tới rộng rãi ", chính phủ Cộng hòa Philippines bắt buộc phải thể hiện quan điểm của mình về vấn đề này.

Về các Đảo và các Hình thái địa chất khác

 

THỨ NHẤT, Nhóm Đảo Kalayaan (KIG) cấu thành một bộ phận không thể tách rời của Philippines. Cộng hòa Philippines có chủ quyền và quyền tài phán đối với các hình thái địa chất ở Nhóm đảo Kalayaan.

Về "Các vùng nước liền kề" các đảo và các hình thái địa chất khác

 

THỨ HAI, Philippines, theo quan điểm La Mã dominium maris và nguyên tắc của luật quốc tế "la terre domine la mer" là đất thống trị biển, nhất thiết phải thực hiện chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước xung quanh hoặc liền kề với các hình thái địa chất ở Nhóm Đảo Kalayaan theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).

Dù ở tỷ lệ nào, việc mở rộng các vùng nước "liền kề" với các hình thái địa chất tương ứng cũng có giới hạn và được xác định theo UNCLOS, cụ thể theo Điều 121 (Quy chế các đảo) của Công ước nói trên.

Về "Các vùng nước liên quan, đáy biển và tầng đất dưới đáy " ở Biển Đông

 

THỨ BA, vì các vùng nước liền kề của các hình thái địa chất tương ứng có giới hạn và phải được xác định theo các phương pháp kỹ thuật và pháp lý, yêu sách của CHND Trung Hoa về "các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và tầng đất dưới đáy" (như phản ánh trong cái được gọi là bản đồ đường 9 đoạn đính kèm Công hàm CML/17/2009 ngày 7 tháng 5 năm 2009 và CML/18/2009 ngày 7 tháng 5 năm 2009) bên ngoài các hình thái địa chất tương ứng đã nói ở trên ở Nhóm đảo Kalayaan và "các vùng nước liền kề" của chúng là không có cơ sở theo luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Đối với những vùng này, chủ quyền và quyền tài phán hay quyền chủ quyền, tùy theo từng trường hợp, thuộc về quốc gia ven biển thích hợp hoặc quốc gia quần đảo – đó là Philippines – mà những vùng nước này cũng như đáy biển và tầng đất dưới đáy thuộc vào, dù là Lãnh hải, hay Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý, hoặc Thềm lục địa theo Điều 3, 4, 55 và 76 của UNCLOS.

Nhân dịp này, Phái đoàn thường trực Cộng hòa Philippines tại LHQ xin gửi tới Ngài Tổng thư ký LHQ lời chào trân trọng nhất.

 

New York, ngày 5 tháng 4 năm 2011.

 

Người dịch: Lê Hưng

 

Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ