Hầu hết số người được hỏi ý kiến đều hoài nghi về sự hình thành AEC đúng thời hạn, và khả năng tiến tới một AEC thực sự vào năm 2020, bởi đây không phải là lần đầu tiên AEC đối mặt với khả năng lỡ hạn. Trước đó, vào năm 2012, AEC đã có ý định đầy lùi thời hạn hình thành từ 1/1/2015 tới 31/12/2015. Tuy nhiên, sau đó, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã khẳng định rằng sẽ không có sự kéo dài thời hạn nào nữa và tất cả 10 nước thành viên đều nỗ lực hoàn thành mục tiêu này. 

Ý tưởng về AEC nằm trong "Tầm nhìn ASEAN 2020" được thông qua vào ngày kỷ niệm thành lập ASEAN lần thứ 30, với mục đích là tạo ra một thị trường rộng lớn, một không gian sản xuất thống nhất và đồng thời là một khu vực lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn, đầu tư và lao động có tay nghề cao một cách tự do vào năm 2020. Các nhà lãnh đạo ASEAN trong Hội nghị cấp cao năm 2003 đã ký "Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II" với sự nhất trí thành lập AEC vào năm 2020. 

Tuy nhiên, năm 2007, tại Cebu, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất đẩy nhanh việc thành lập AEC vào năm 2015. Cũng tại kỳ họp này, ASEAN đã đưa ra kế hoạch chi tiết về AEC và 2 năm sau đó, kế hoạch này trở thành "Lộ trình tổng thể xây dựng AEC". 

Một cơ chế tự đánh giá của ASEAN là "Biểu đánh giá thực hiện AEC" (AEC Scorecard) đã được đưa ra để theo dõi và đánh giá tiến độ thực hiện lộ trình của từng nước ASEAN - tương tự như việc Liên minh châu Âu (EU) sử dụng Scorecard EU. Kể từ khi ra đời, ASEAN đã hai lần công bố AEC Scorecard vào năm 2010 và 2012. AEC Scorecard 2012 cho thấy 4 mục tiêu quan trọng bao gồm xây dựng một thị trường chung và không gian sản xuất thống nhất; một khu vực tài chính có khả năng cạnh tranh cao; tăng trưởng kinh tế hợp lý, hội nhập vào nền kinh tế thế giới Trong đó, 187 trong tổng số 277 biện pháp đã được thực hiện tính đến cuối năm 2011. 

Như vậy, sự hình thành AEC đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, có một câu hỏi đuợc đặt ra là vì sao nhiều người lại muốn AEC hình thành sớm hơn vào năm 2015 chứ không phải là 2020 như dự định ban đầu? Điều này cũng rất dễ hiểu bởi phải mất gần 50 năm EU mới ra đời trong quá trình hội nhập châu Âu. 

Tuy nhiên, một số nhà phê bình đã lưu ý rằng một số thời hạn trong lộ trình xây dựng AEC đã trôi qua và một số sáng kiến quan trọng vẫn chưa bắt đầu. Ví dụ, do những thiếu hụt tài chính, tham nhũng, quản trị kém và các chính phủ thiếu năng lực quản lý phối hợp liên ngành và quốc tế nên mới chỉ có 50% Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN được thực hiện. 

Mối quan tâm lớn nhất là sự thiếu một tổ chức của ASEAN để thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng AEC. Lý do là nếu hình dung AEC như một đoàn tầu, thì đầu máy chính là Ban Thư ký ASEAN. Nhưng đầu tầu này cũng không đủ nguồn lực và trí tuệ như nó cần phải có. Điều đáng lo ngại hơn cả là các nguồn lực của Ban Thư ký ASEAN đã không hề thay đổi trong 15 năm trở lại đây cho dù GDP của khu vực đã tăng gấp 4 lần trong cùng kỳ. 

Tổng ngân sách hoạt động của Ban Thư ký ASEAN năm 2013 là 16 triệu USD - một số tiền quá nhỏ cho một tổ chức có nhiều hoạt động và nhiệm vụ, so với khoảng 4,3 tỷ USD tương ứng của Ủy ban Châu Âu (EC) năm 2012. Cũng trong năm này EC có 34.000 nhân viên, trong khi Ban Thư ký ASEAN chỉ có đúng 300 người. Các cán bộ chuyên nghiệp của Ban Thư ký ASEAN chỉ có mức lương trung bình 3.000 USD/tháng, nên không có gì ngạc nhiên khi cơ quan điều hành này gặp rất nhỉều khó khăn trong việc tuyển mộ những nhân viên có trình độ cao và giàu kinh nghiệm cho các bộ phận quản lý của mình.

Ngoài ra, còn có một thực tế là việc thiếu thiện chí đối với thị trường chung khu vực của một số nước thành viên cũng làm chậm trễ việc hình thành AEC đúng thời hạn. Chẳng hạn như Indonesia cho đến nay vẫn chưa phê chuẩn Hiệp định đa phuơng ASEAN về tự do hóa hoàn toàn dịch vụ vận tải hàng không do muốn ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, nhất là từ Malaysia, Singapore và Thái Lan xâm lấn vào ngành hàng không nội địa của mình. 

Việc Indonesia không tham gia sẽ khiến một thị trường hàng không chung với cái tên quen thuộc “Bầu trời mở ASEAN” khó trở thành hiện thực. Còn có rất nhiều những ví dụ tương tự như vậy với các nước thành viên khác và trong các lĩnh vực khác. 

Không ít lần trong khối đã xảy ra việc lợi ích quốc gia hẹp hòi được đặt lên trên lợi ích khu vực và lợi ích ngắn hạn đuợc đề cao hơn lợi ích lâu dài. 

ASEAN cũng không có cơ chế trừng phạt hay các thiết chế khu vực quyền lực để xử lý các trường hợp không hợp tác hay không tuân thủ của các nước thành viên. 

Và vấn đề cuối cùng làm chậm tiến độ xây dựng AEC là sự thiếu nhận thức cơ bản và đầy đủ của người dân về ASEAN nói chung và AEC nói riêng. Cuộc khảo sát về ASEAN và AEC do Ban Thư ký ASEAN thực hiện năm 2013 cho thấy ba trong số bốn công dân ASEAN không có sự hiểu biết thực sự về khối, và không có nhiều người tin rằng ASEAN có thể học hỏi được gì từ EU để giúp nâng cao nhận thức của công chúng về ASEAN và AEC. 

Để tác động trực tiếp đến công dân, bất cứ điều luật gì của EU đưa ra tại Brussels đều được dịch sang 24 thứ tiếng để các cơ quan liên quan cũng như người dân của mỗi quốc gia thành viên nhận thức rõ trước khi thực hiện. Tất cả người dân phải được đảm bảo biết tất cả những gì các nhà lãnh đạo của họ đang làm. Với ASEAN, tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc, nhưng nó lại là một trở ngại lớn đối với những công dân bình thường trong việc tìm hiểu các chương trình nghị sự trong khu vực. 

Vấn đề mấu chốt là chỉ đến khi mỗi người dân hiểu biết đầy đủ về ASEAN cũng như AEC và khối có một Ban Thư ký - cơ quan điều hành mạnh mẽ, đủ năng lực và quyền lực - thì việc thành lập một cộng đồng kinh tế chung của khu vực với 600 triệu dân và tổng GDP là 2.300 tỷ USD mới có thể được đẩy nhanh, đúng thời hạn. 

Theo Jarkata Post

Duy Anh (gt)