Điều mà Nhật Bản và Mỹ đang cố gắng làm là xây dựng một kịch bản tốt hơn vào khoảng mùa Xuân này để chứng tỏ quan hệ chiến lược giữa hai nước đang thực sự cải thiện. Ngày 8/2, hai nước đã ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định họ sẽ “điều chỉnh” lộ trình 2006 theo hướng không gắn vấn đề di chuyển một phần lính thủy đánh bộ Mỹ từ Okinawa về Guam và việc trao trả đất mà Mỹ đang sử dụng ở phía Nam căn cứ Kadena ở tỉnh Okinawa với những tiến bộ đạt được trong vấn đề di chuyển căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ ở đảo Okinawa - một vấn đề vẫn đang bế tắc. Mặc dù trong tuyên bố trên, hai nước vẫn chưa hoàn tất các chi tiết cụ thể cho việc điều chỉnh lộ trình nhưng quyết định mới nhất này đã giúp việc tái bố trí lực lượng lính thủy đánh bộ tới các địa điểm khác của Mỹ trở nên dễ dàng hơn nhằm đối phó với các thách thức an ninh mới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Còn đối với Nhật Bản, việc tách rời các kế hoạch trong lộ trình trên cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ có cơ hội lớn để giảm bớt gánh nặng lên Okinawa - nơi có nhiều căn cứ của quân đội Mỹ đóng quân theo hiệp ước an ninh giữa hai nước. Lầu Năm Góc đang cân nhắc di chuyển khoảng 4.700 trong số 8.000 lính thủy đánh bộ Mỹ về Guam và phần còn lại trong số này tới những địa điểm khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước khi di chuyển căn cứ Futenma tới một địa điểm khác trong tỉnh Okinawa. Phát biểu với các phóng viên sau khi tuyên bố trên được công bố, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba nói: “Đó là một sự lựa chọn giữa một tình thế, trong đó không có gì sẽ tiến triển, và một tình thế, trong đó việc giảm gánh nặng cho tỉnh Okinawa sẽ được tiến hành trước. Tôi nghĩ tình thế sau tốt hơn”. Ngoại trưởng Gemba, người bắt đầu các cuộc thương lượng bí mật về việc xem xét lại lộ trình năm 2006 với người đồng cấp Hillary Clinton của Mỹ vào giữa tháng 12/2011, đã bày tỏ hy vọng rằng việc giảm thiểu tác động của hàng loạt căn cứ quân sự lên Okinawa sẽ là cách đi nhanh nhất để giành được sự ủng hộ của tỉnh này đối với kế hoạch di chuyển căn cứ Futenma.

Nhiều nhà quan sát Nhật Bản ở Mỹ xem việc rà soát lại lộ trình năm 2006 với cái nhìn tích cực. Sheila Smith, nghiên cứu sinh cao cấp ở Hội đồng Đối ngoại nói: “Tôi coi đây là một bước đi tích cực tiến về phía trước. Hiện Nhật Bản và Mỹ cần chuyển sự chú ý sang cuộc đối thoại về các ưu tiên chiến lược của hai nước nhằm định hình quan hệ đồng minh trong một thập kỷ tới”. Tuy nhiên, Bruce Klingner - nghiên cứu sinh cao cấp về khu vực Đông Bắc Á ở Quỹ Di sản - cảnh báo về sự lạc quan quá sớm. Ông này cho rằng với quyết định không gắn các kế hoạch trong lộ trình trên với nhau, Nhật Bản đã thu được các lợi ích sớm hơn mà không cần phải hoàn tất các điều kiện tiên quyết theo thỏa thuận ban đầu. Trong khi đó, Mike Mochizuki, Giáo sư khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại trường Đại học George Washington, cho rằng sẽ không có tiến bộ rõ ràng nào đạt được trong vấn đề tái bố trí các lực lượng Mỹ cho đến năm 2013 do các lịch trình chính trị trong năm nay ở cả hai nước. Ông nói: “Việc xử lý vấn đề này có thể sẽ phải chờ tới sau khi chính quyền mới ở Mỹ được định hình vào năm 2013 và sau khi Thủ tướng Noda giải quyết hàng loạt thách thức mà ông sẽ phải đối mặt trong năm nay”, trong đó có việc liệu có mở đường cho việc tăng thuế tiêu dùng - một vấn đề nhạy cảm về chính trị ở Nhật Bản - để đối phó với nợ công đang gia tăng hay không?Nhật Bản và Mỹ cho biết sẽ đẩy nhanh các công việc để vạch ra các chi tiết của bản lộ trình sửa đổi “trong những tuần tới và tháng tới”. Theo các nguồn tin trên, Tôkiô và Oasinhtơn đang cân nhắc khả năng đạt được thỏa thuận về bản lộ trình sửa đổi giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Oasinhtơn vào tháng 4 hoặc tháng 5/2012.

Theo Mainichi (10/2)

Vũ Hiền (gt)