(Tàu cá TQ kéo ra biển Hoa Đông)

Trong các tranh chấp Đông Hải và Biển Đông, nhằm bảo vệ “chủ quyền lãnh thổ” và lợi ích hải dương, Trung Quốc đã gửi đi những tiếng nói hết sức rõ ràng và vang động, cũng đã đưa ra những serie đòn chuẩn xác, mạnh mẽ và chắc chắn. Đứng trước một Philippines hung hăng trong tranh chấp đảo Hoàng Nham, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp trả đòn sau để khắc chế, củng cố được chủ quyền và quyền kiểm soát thực tế đối với Hoàng Nham. Đứng trước một Việt Nam không ngừng tạo ra cọ sát trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đã đáp trả mạnh mẽ, như thành lập “TP Tam Sa”, công bố các lô dầu khí mời thầu nước ngoài. Trước những động thái gây hấn của chính phủ Nhật Bản trong vấn đề đảo Điếu Ngư, Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp để nhấn mạnh lập trường và chủ quyền, bóp nghẹt không gian xâm phạm của Nhật Bản. Tuy nhiên, thách thức từ vấn đề trên biển vẫn là những trở ngại mà Trung Quốc không thể né tránh trên con đường trỗi dậy.

Trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc đã từ biệt hình ảnh một nước yếu để người khác ức hiếp, đồng thời cũng không đi con đường bá quyền của một nước lớn theo truyền thống, mà lựa chọn con đường phát triển hòa bình. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, hòa bình và phát triển vẫn là dòng chảy chính, tuy nhiên chính trị thế giới vẫn luôn gay gắt và khốc liệt. Phát triển hòa bình là con đường lý tưởng, cho dù nó có rất nhiều gập ghềnh, đặc biệt là trong giai đoạn quá độ Trung Quốc trỗi dậy chưa hoàn toàn, đang mạnh lên nhưng chưa thật sự mạnh. Năng lực ứng phó với những thách thức quốc tế không ngừng tăng lên, đồng thời theo đó sự ràng buộc với thế giới cũng tăng lên.

Trong quá trình trỗi dậy, Trung Quốc lâu nay kiên trì chiến lược “giấu mình chờ thời”, có những hành động vừa đủ. Bản chất và cốt lõi của “giấu mình chờ thời” là mưu cầu phát triển. Cùng với đà phát triển, Trung Quốc đề ra phương châm “kiên trì giấu mình chờ thời, tích cực có hành động phù hợp”, tích cực làm một nước lớn có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đồng thời chú trọng bảo vệ những lợi ích của mình.

Hiện nay, trong bối cảnh quốc lực tổng hợp của Trung Quốc đã thu được những bước phát triển to lớn, nhưng vẫn còn những khoảng cách so với các nước phát triển; trong tình hình tương quan lực lượng quốc tế biến đổi có lợi cho Trung Quốc, nhưng chưa xuất hiện những thay đổi mang tính căn bản, Trung Quốc cần quyết tâm hành động mạnh mẽ, không hổ thẹn với phương châm “giấu mình chờ thời”. Làm được điều này, trên con đường trỗi dậy dù có bao chông gai cũng không đáng sợ.

Trong quá trình phát triển trỗi dậy, Trung Quốc cần nắm chắc và phối hợp tốt hai mặt hợp tác và đấu tranh; lấy thực lực làm hậu thuẫn; dựa trên nguyên tắc có lý, có lợi và có tình tiết; làm cho thế giới nhận thức rõ hơn về mục tiêu ngoại giao và vạch giới hạn của Trung Quốc. Trung Quốc cần truyền tải tới bên ngoài một tín hiệu rõ ràng và kiên định: dân tộc Trung Hoa nhất định phải phục hưng, con đường trỗi dậy không cho phép bất cứ thế lực nào cản trở. Trung Quốc tìm kiếm sự phát triển hòa bình, không đe dọa bất cứ ai, và cũng không cho phép ai đe dọa Trung Quốc. Cần làm cho thế giới mong muốn triển khai giao lưu và hợp tác với Trung Quốc, đồng thời cũng không cảm thấy “bất ngờ” trước việc Trung Quốc kiên định bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình.

Trong quá trình trỗi dậy, đối diện với những tranh chấp quốc tế, Trung Quốc cần nắm vững hai từ “thế” và “độ”. Chỉ cần là có thể khiến cho tình hình phát triển theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc, thì khi cần vẫn phải ra đòn. Trong đấu tranh ngoại giao, điều lý tưởng nhất là ra đòn đau cho đối phương mà không tự gây tổn hại đến mình, nhưng đây là điều không thực tế. Nếu đã sợ tự làm đau mình thì trừ phi là không ra đòn, đây không phải là vấn đề chừng mực, mà là vấn đề đảm lược. Trung Quốc nắm chắc chừng mực vẫn là để gìn giữ xu thế và đà phát triển trỗi dậy hiện nay.

Đứng trước những thách thức trong vấn đề trên biển, cần phải đối phó như thế nào là “môn học bắt buộc” đối với Trung Quốc trên con đường trỗi dậy. Trong vấn đề tranh chấp Đông Hải và Biển Đông, Trung Quốc cần phải sử dụng những đòn liên hoàn. Trung Quốc cần vạch ra những giới hạn thật rõ ràng: chủ quyền dứt khoát của Trung Quốc, một tấc không nhường; ở khu vực có tranh chấp, tiếp tục đề xướng gác tranh chấp, đối thoại giải quyết; nếu như có bên tranh chấp nào đơn phương gây hấn với Trung Quốc, Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả, để cho đối phương phải hiểu đâu là được mất, thấy khó mà lùi.

Nếu như có quốc gia nào phớt lờ quan hệ với Trung Quốc, không quan tâm đến đại cục hòa bình và hợp tác của khu vực, ngoan cố làm tranh chấp leo thang, thì Trung Quốc có quyết tâm, có ý chí và có thực lực để đọ sức với họ trên tất cả các phương diện chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quân sự… và tất sẽ giành thắng lợi.

Theo Mạng “Tin tức Trung Quốc” (ngày 21/9)

Lê Sơn (gt)