Nhiều nhà phân tích, cả ở Trung Quốc lẫn châu Á, đang coi Hiệp định Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP) của Trung Quốc với các nước ASEAN+6 là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự khu vực hướng tới các mục tiêu "mềm" hơn. Đối với Bắc Kinh, RCEP là một đối trọng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng. 

Tuy nhiên, lợi ích của Trung Quốc trong việc đạt được những mục tiêu trên là nhỏ bé nếu so với mối lợi của việc phục hồi cái gọi là "Con đường tơ lụa trên biển" được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến công du Malaysia và Indonesia tháng 10/2013. Con đường này sẽ được xây dựng dựa trên thế mạnh đã được chứng minh của khu vực trong lĩnh vực sản xuất chung, đồng thời cũng giúp các cộng đồng người Hoa tại nước ngoài đóng vai trò lớn hơn trong việc lập ra các mối quan hệ để giảm những căng thẳng khu vực.

Việc vận chuyển hàng hóa dọc theo con đường tơ lụa trên biển có lịch sử hơn 2.000 năm, với đỉnh điểm là thế kỷ 15 với 7 chuyến hải hành của Đô đốc Trịnh Hòa, từ Trung Quốc qua Đông Nam Á và Nam Á tới Vịnh Persian. Ngày nay, những hành lang này đang hỗ trợ mạng lưới sản xuất chung của Đông Á, đưa các linh kiện được sản xuất khắp châu Á tới Trung Quốc để lắp ráp và sau đó chuyên chở đến châu Âu và Bắc Mỹ. Với chi phí lao động tại Trung Quốc hiện đang tăng lên, nhiều nền kinh tế ASEAN có khả năng được lợi từ việc tìm nguồn ngoài sản xuất trong tương lai. Điều này, cùng với thâm hụt thương mại của Trung Quốc với hầu hết các nước láng giềng châu Á, khiến các nước ASEAN dễ dàng coi Trung Quốc là một cơ hội hơn là một nguy cơ. 

Những thay đổi trong đặc tính các dòng vốn cũng sẽ ảnh hưởng đến các mối quan hệ kinh tế, khi Trung Quốc đang chuyển từ quốc gia thu hút vốn lớn thành nguồn cung cấp đầu tư trực tiếp và dòng đầu tư danh mục. Sự thâm hụt thương mại mang tính cơ cấu của Trung Quốc với Đông Á cũng giúp Bắc Kinh dễ dàng hơn trong việc thúc đẩy đồng Nhân dân tệ (NDT) trở thành đồng tiền khu vực để thanh toán hợp đồng thương mại, giúp quốc tế hóa đồng NDT.

Sự hồi sinh của con đường tơ lụa trên biển đang mang lại cho Bắc Kinh cơ hội gây dựng và củng cố vai trò của cộng đồng người Hoa tại khu vực Đông Nam Á. Trong số 50 triệu người Hoa đang sinh sống ở nước ngoài, có tới 32 triệu người đang sống tại Đông Nam Á, chiếm phần lớn số người giàu có tại một số nước ASEAN và đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới sản xuất. Cộng đồng người Hoa này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho đầu tư của Trung Quốc tại Đông Nam Á như: hỗ trợ phát triển những hải cảng lớn, tìm nguồn ngoài sản xuất công nghiệp và thúc đẩy các mối quan hệ ngân hàng và mở rộng kênh phân phối.

Sự tương tác vươn xa hơn cộng đồng người Hoa, tới những người dân địa phương, có thể giúp giảm những căng thẳng khu vực về tranh chấp lãnh thổ và những nhạy cảm lịch sử. Độ tin cậy của các cách tiếp cận này sẽ tăng đáng kể nếu Trung Quốc và các nước liên quan khác có thể nhất trí cùng khai thác các nguồn lợi biển tại khu vực đang tranh chấp và gạt sang bên những tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Điều này có thể giúp đảm bảo rằng bất kỳ sự hồi sinh nào của con đường tơ lụa trên biển đều có thể dẫn đến những kết quả chính sách đối ngoại tích cực hơn và giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu ngoại giao kinh tế khác. 

Yukon Huang là Chuyên viên Cấp cao tại Chương trình Châu Á, Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie, và cựu giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc. Bài viết đăng trên "Diễn đàn Đông Á" (ngày 5/5).

Nhật Linh (gt)