Với những tiến bộ công nghệ, giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã gây sóng gió tại Biển Đông và trong cả giới truyền thông quốc tế. Việc có mặt tại nhiều nơi trong năm đầu tiên được triển khai tại Biển Đông cho thấy giàn khoan HD 981 có thể trở thành một yếu tố thay đổi cuộc chơi tại Biển Đông. Trong năm 2015, một bối cảnh mới đối với những tranh chấp tại Biển Đông là sáng kiến chiến lược “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc, một đề xuất tham vọng nhằm tăng cường quan hệ đối tác trên biển và các quan hệ địa chính trị của Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á và Nam Á. Một câu hỏi đang khiến thế giới chú ý là cách thức Trung Quốc có thể sử dụng giàn khoan HD 981 trong bối cảnh mới này.

Trung Quốc đã thăm dò tình hình bằng giàn khoan HD 981 từ đầu năm 2014, với việc triển khai giàn khoan này trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hành động đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ không chỉ từ Hà Nội, mà cả của Mỹ và một số nước khác. Do phản ứng dữ dội đó, Trung Quốc đã di chuyển giàn khoan này khỏi khu vực gây tranh chấp trước kế hoạch. Ngay sau đó, Trung Quốc đã tuyên bố phát hiện một mỏ khí đốt nước sâu lớn, ước tính có trữ lượng 30 tỷ m3 khí đốt, tại khu vực cách đảo Hải Nam 150 km. Giàn khoan HD 981 hiện đã bắt đầu một chuyến đi mới, hướng về Eo biển Malacca, với đích đến dự kiến là Ấn Độ Dương.

Mặc dù Con đường tơ lụa trên biển được trình bày như một sáng kiến phục vụ thương mại và phát triển, nhưng mục đích chiến lược của nó là cải thiện quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á. Trong những năm gần đây, các quan hệ của Trung Quốc với nhiều quốc gia thành viên ASEAN đã gặp khó khăn do những tranh chấp tại Biển Đông. Việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á cũng đang gây sức ép lớn đối với Trung Quốc. Thông qua việc đầu tư hào phóng vào phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực, Trung Quốc không chỉ mong muốn thúc đẩy xuất khẩu mà còn muốn tăng cường sự trao đổi về chính sách với các nước láng giềng. Trung Quốc đã mạnh tay chi tiền để biến kế hoạch này thành hành động tại Đông Nam Á, chẳng hạn dự án chi 2 tỷ USD để nâng cấp cảng Kuantan của Malaysia. Nếu dự án Con đường tơ lụa trên biển là sự thay đổi mới của Trung Quốc từ chính sách “ngoại giao quyết đoán” sang chính sách “ngoại vi trên hết”, có quan hệ tốt với các nước ngoại vi, thì vấn đề là làm sao Bắc Kinh kết hợp chính sách này với việc sử dụng giàn khoan nước sâu đầu tiên của họ.

Vụ giàn khoan HD 981 năm ngoái cho thấy Trung Quốc có nhiều cách để có thể sử dụng công nghệ cho các mục đích khác, nhưng Trung Quốc cần rút ra những bài học từ lần triển khai giàn khoan này trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khi Bắc Kinh bị Mỹ phản đối mạnh mẽ, ngang với việc Mỹ lên án Nga tại Ukraine. Sự thay đổi trên của Bắc Kinh có thể báo hiệu rằng giới lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng việc sử dụng giàn khoan HD 981 tại một khu vực tranh cãi sẽ mang lại rắc rối và có thể lôi kéo sự can dự của Mỹ tại Biển Đông. Một kết quả như vậy sẽ cản trở mạng lưới phát triển, thương mại và an ninh mà Trung Quốc đang tìm cách xây dựng với sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển.

Một phương án lựa chọn khác là Bắc Kinh có thể tiếp tục sử dụng giàn khoan HD 981 cho việc thăm dò dầu khí tại các khu vực ít tranh cãi hơn. Việc đơn phương thăm dò tại các khu vực ít tranh chấp có vẻ là một lựa chọn an toàn của Bắc Kinh, song cách tiếp cận này cũng sẽ không giúp làm giảm căng thẳng trong khu vực. Thêm vào đó, lựa chọn này có thể kích thích các nước cùng tuyên bố chủ quyền khác đẩy mạnh các hoạt động khai thác tài nguyên của họ tại Biển Đông và gây ra một cuộc chạy đua. Trong trường hợp này, chắc chắn là các nước Đông Nam Á sẽ tìm kiếm sự cộng tác gần gũi hơn với các công ty của Nga và phương Tây bởi vì các nước này không có những công nghệ cần thiết.

Một khả năng nữa là Trung Quốc có thể thay đổi suy nghĩ trong việc sử dụng giàn khoan HD 981 bằng việc nêu ra triển vọng cùng phát triển. Trước đây, Trung Quốc đã nêu ra những dự án chung như vậy, nhưng sau đó lại không hành động, nhưng giờ đây với giàn khoan HD 981, những kế hoạch liên doanh như vậy cuối cùng có thể trở thành hiện thực. Điều này có thể giúp các nước Đông Nam Á không cần hợp tác với các công ty phương Tây và Nga, mà hợp tác với Trung Quốc. Việc chia sẻ chi phí khai thác và thu nhập đảm bảo rằng tất cả các nước đều muốn duy trì trật tự. Việc cùng phát triển sẽ không giải quyết hay chấm dứt những tranh chấp tại Biển Đông, nhưng tạo cơ hội để chính phủ các nước láng giềng cùng hợp tác với Trung Quốc, chứ không phải những nước ngoài khu vực, tăng cường lòng tin của Trung Quốc đối với các nước này và làm giảm căng thẳng tại Biển Đông. Do vậy, giàn khoan HD 981 có thể trở thành “công cụ ngoại giao” của Trung Quốc trong nỗ lực thực hiện kế hoạch thiết lập Con đường tơ lụa trên biển. Giàn khoan HD 981 không chỉ gây rắc rối ở Biển Đông, mà còn có thể tạo ra một cơ hội cộng tác mới.

Theo “China us focus” (ngày 4/2)

Mỹ Anh (gt)