Khi Lào hối thúc sự chấp thuận cho dự án đầu tiên trong một kế hoạch lớn dự kiến lên tới 12 con đập nhằm biến quốc gia này thành một nhà xuất khẩu năng lượng lớn, Việt Nam đã dàn xếp một quyết định của Ủy hội sông Mê Công (MRC) ngày 19/4 đưa vấn đề lên cấp Bộ trưởng. MRC bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và được lập ra bởi một thỏa thuận cùng quản lý việc phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công. 

Dù phân tích kỹ thuật gần đây chỉ ra những hệ quả tai hại cho nông nghiệp và ngư nghiệp của Campuchia và Việt Nam ở miền Nam châu thổ Mê Công, những kế hoạch cho con đập đầu tiên Xayaburi đang được phát triển mạnh mẽ. Nếu Lào có thể tranh thủ được sự ủng hộ từ Thái Lan cũng như giữ được sự hậu thuẫn của Trung Quốc, những con đập này có thể vẫn được xây dựng bất chấp “mối quan hệ đặc biệt” với láng giềng Việt Nam. Hà Nội đã kêu gọi ngừng dự án trong khoảng thời gian 10 năm để xem xét, nhưng Viêng Chăn đến giờ vẫn phản đối đề nghị đó.

Một quốc gia Lào đói nghèo từ lâu đã ấp ủ ý niệm trở thành “cục pin của Đông Nam Á”, một kế hoạch nâng cao đời sống kinh tế cho 6 triệu dân thông qua xuất khẩu thủy điện sang các nước láng giềng đã phát triển hơn. Có hàng chục con đập đã hoặc đang trong quá trình xây dựng trên nhánh sông Mê Công thuộc Lào. Xuất khẩu năng lượng hiện chiếm khoảng 30% GDP nước này. 

Theo một số ước tính, nhóm đập thủy điện mà Lào đang có kế hoạch xây dựng có thể tạo ra hơn 8 gigaoát, tương đương phân nửa nhu cầu điện năng tiêu thụ hàng năm hiện nay của láng giềng Thái Lan. Nhưng khi đó, hạ lưu sẽ phải hứng chịu hậu quả. Có nhiều chứng minh rằng nếu Lào xây các đập trên sông Mê Công, lượng chảy hàng năm vốn đem lại phù sa màu mỡ cho châu thổ miền Nam rộng lớn của Việt Nam và Biển Hồ của Campuchia (Tonle Sap-hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á) sẽ giảm đáng kể và thậm chí tắc nghẽn, đồng thời ngư nghiệp khu vực cũng sẽ bị tàn phá nặng nề. 

Ban đầu Hà Nội không phản đối kế hoạch thủy điện lớn của Lào. Thách thức đang nổi đặt ra nguy cơ cho “mối quan hệ đặc biệt” giữa Hà Nội với giới lãnh đạo Lào, những đồng chí cách mạng sát cánh trong các cuộc chiến chống thực dân Pháp rồi sau đó với Mỹ. Các mối quan hệ quân đội và cảnh sát giữa Việt Nam với Lào là đặc biệt thân thiết, được thắt chặt bởi những mối quan hệ thương mại có lợi liên quan chủ yếu đến việc khai thác rừng ở Lào. 

Các công ty điện lực quốc gia của hai nước cũng hợp tác chặt chẽ. Theo một thỏa thuận mà đến năm 2020, 3-5 gigaoát điện xuất khẩu hàng năm của Lào sẽ sang Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thu xếp các dịch vụ về tài chính, kỹ sư và xây dựng cho phân nửa nhà máy thủy điện trên các nhánh sông Mê Công của Lào và đã đảm trách xây dựng một trong số các đập trong kế hoạch trên phần sông chính. Đến 2013, một đường dây tải điện 500 kV được tài trợ bởi Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự kiến sẽ đưa điện từ miền Nam Lào sang Việt Nam. 

Do cả hai nước đang chuyển dịch hướng tới kinh tế thị trường và tham dự nhiều hơn vào trật tự thương mại toàn cầu, gần đây Việt Nam gặp khó khăn trong duy trì ảnh hưởng quân sự và kinh tế tại Lào trước một thách thức mạnh mẽ từ Trung Quốc. Uy lực Trung Quốc ở nước láng giềng Lào sẽ tạo ra một cơn ác mộng địa chính trị cho các nhà hoạch định chiến lược Việt Nam, những người vốn đã kẹt vào phép thử ý chí với Bắc Kinh xung quanh tranh chấp trên biển Đông.

Với chính kế hoạch xây đập ở thượng nguồn Mê Công của mình (4 trong số 7 đập đã hoàn thiện), Trung Quốc đang rất chú ý đến chương trình xây đập của Lào. Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp tài chính nếu ADB, gần đây bị báo động bởi các hậu quả môi trường của những con đập, từ chối. Các ngân hàng và nhà thầu Trung Quốc đã xếp hàng để cung cấp tài chính, xây dựng và điều hành ít nhất là 4 trong số các đập Lào có kế hoạch xây trên phần sông Mê Công chính thuộc nước này.

Philip Hirsch, trong số tháng 5 của tạp chí “Asia-Pacific Journal” đã viết: “Những tác động chính trị, kinh tế và thủy học của việc Trung Quốc phát triển thủy điện ở thượng nguồn Mê Công đã thúc đẩy việc xây dựng các con đập ở dòng chính Mê Công phía dưới”. Hirsh chỉ ra rằng với việc ổn định dòng chảy Mê Công, các đập Trung Quốc khiến các đập trong kế hoạch của Lào rất khả thi về kinh tế, có thể hoạt động quanh năm. 

Trong khi đó, suốt vài năm qua, các nhà hoạt động môi trường gióng lên hồi chuông báo động, khẳng định rằng ngư nghiệp trên hệ thống sông Mê Công sẽ không thể sống sót bởi các dự án đập của Lào. Dù các quan ngại từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) như Quỹ quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) hay Tổ chức Sông ngòi quốc tế (IR) được phản ánh trong các nghiên cứu tham vấn mà MRC uỷ nhiệm, các quan chức đại diện cho các nước thành viên, chủ yếu là cấp cao của các Bộ Năng lượng, dường như bình thản trước những kết quả nghiên cứu này. 

Thay đổi nhận thức 

Khi vấn đề mới chỉ được nêu lên là bảo tồn số lượng những sinh vật thủy sinh quý hiếm, trong đó có cá da trơn khổng lồ Mê Công và cá heo Irrawaddy, phản ứng của khu vực chỉ là một sự hờ hững chung. Nhưng khi các tổ chức như IR thành công trong việc dựng lên viễn cảnh các con đập gây nên một thảm họa kinh tế không thể sửa chữa, các nhà hoạch định chính sách ở Hà Nội mới bắt đầu chú ý.

Những quan ngại mang tính chiến lược và các quan hệ kinh tế đã khiến Việt Nam im lặng khi các dự án đập ở Lào trên dòng chính Mê Công được thúc đẩy. Nhưng việc sắp sửa xây dựng con đập Xayaburi đã dẫn đến hành động của Hà Nội. 

Trong các năm 2006 và 2007, Chính phủ Lào ký các bản ghi nhớ về việc xây dựng không ít hơn 7 con đập với các nhà thầu của Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Dự án đầu tiên trong số đó sắp hoàn thành về tài chính là dự án Xayaburi, một tổ hợp thủy điện 1,285 megaoát có tổng đầu tư 3,8 tỷ USD được xây dựng bởi nhà thầu Thái Lan CH Karnchang và được cung cấp tài chính bởi một cam kết của Thái Lan sẽ mua 95% lượng điện tạo ra. 

Tháng 10/2010, khi quá trình chuẩn bị mặt bằng đã tiến hành, Lào đề nghị ban thư ký MRC sắp xếp một tiến trình chính thức “tham vấn và thỏa thuận sớm” về dự án Xayaburi với các thành viên MRC. Theo đó, MRC sẽ gửi đến 4 nước thành viên. Đánh giá tác động đến môi trường (EIA) được nhà thầu Thái Lan chuẩn bị.

Khi các NGO hoạt động vì môi trường biết được đánh giá này (vốn không công bố rộng rãi mãi cho đến tháng 3 vừa qua), họ không có ấn tượng chút nào. Theo IR, EIA đó không nhấn được vào những ảnh hưởng xuyên biên giới, thiếu sự kết hợp các hệ quả của Xayaburi với 10 đập khác đang trong kế hoạch ở hạ lưu sông Mê Công đồng thời thiếu những phân tích, thông tin kỹ thuật. 

Trong khi về mặt chính thức, Việt Nam cân nhắc đề nghị của Lào nhất trí với kế hoạch, một làn sóng quan ngại trong dư luận nước này trở nên rõ rệt khi một số tờ báo và blogger nêu ra những cảnh báo từ các nhà khoa học và các nhà hoạt động môi trường. Nông dân bị hạn hán ở châu thổ Mê Công cho rằng đợt phù sa đến muộn hồi năm ngoái là bằng chứng những con đập Trung Quốc đã xây dựng trên thượng nguồn sông làm giảm lưu lượng chảy mùa mưa. 

Truyền thông Campuchia cũng nhấn mạnh đến “thảm họa tiềm tàng… mối đe dọa từ những con đập” ở Lào. Tại Thái Lan, truyền thông đặt câu hỏi liệu lợi ích từ nguồn điện rẻ của các dự án tại Lào có đáng so với thiệt hại được dự báo trước cho cộng đồng ngư dân ven sông ở khu vực Đông Bắc vốn đã đói nghèo của nước này. 

Với giới lãnh đạo Hà Nội, và dường như cũng với giới lãnh đạo ở Phnôm Pênh, cảnh báo của truyền thông khiến đề nghị nhất trí của Lào được xem xét ở cấp độ cao nhất. Tại Việt Nam , Bộ Chính trị dường như lo ngại một phản ứng dữ dội trong dư luận (giống tranh cãi hồi 2 năm trước về các mỏ bôxít do Trung Quốc đầu tư) có thể tạo ra nghi ngờ về khả năng bảo vệ lợi ích quốc gia. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các cộng sự không muốn bị “lưu danh” là những lãnh đạo đã không nhìn thấy trước được các nguy cơ nghiêm trọng mà Xayaburi và những con đập như thế tại Lào gây ra với nền kinh tế ở châu thổ sông Mê Công, nơi các sản phẩm nông nghiệp và ngư nghiệp đóng góp 10% GDP Việt Nam. 

Với 25 triệu người sống ở đồng bằng châu thổ Mê Công, họ hiểu rõ dòng chảy phù sa hàng năm có tính quan trọng sống còn cho mùa màng bội thu. Dòng chảy giúp rửa muối, hạn chế nhiễm mặn nước biển và làm giàu cho đất đai. Khi lượng nước tăng, Biển Hồ của Campuchia sẽ được tiếp nước cho đến khi đạt mức gấp 100 lần lượng trữ mùa khô. Luồng chảy giúp cho quá trình sinh sản, di cư của cá sông, cung cấp nguồn protein động vật chính cho dân cư khu vực. 


Những rì rầm của khu vực 

Một con đập Xayaburi đơn lẻ, hay thậm chí thêm 4 con đập trên dòng chính Mê Công mà Trung Quốc đang xây dựng ở thượng nguồn, có thể không làm giảm mạnh mẽ luồng chảy xuống hạ nguồn. Tuy nhiên, không nghi ngờ rằng độ ổn định của dòng chảy - hậu quả từ việc xây dựng Xayaburi cũng như 6-10 con đập nữa ở hạ lưu Mê Công - sau cùng sẽ trở thành một thảm họa cho hàng triệu nông dân, ngư dân Việt Nam . 

 

Những dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang nghĩ lại về quan điểm “không quan tâm”.

Theo một biên bản chính thức, các thành viên của phái đoàn Ủy hội sông Mê Công phía Việt Nam đã bày tỏ “lo ngại sâu sắc về những ảnh hưởng nghiêm trọng của các con đập trên dòng chính”. Các quan chức, chuyên gia Việt Nam đánh giá EIA của nhà thầu dự án đập Xayaburi là “không thỏa đáng… thiếu đánh giá phù hợp về những tác động xuyên biên giới và mang tính tích lũy đối với khu vực hạ nguồn”.

 Hội thảo Cần Thơ và một hội nghị tiếp theo 5 tuần sau đó kết luận rằng quyết định về việc xây dựng đập Xayaburi “cần được hoãn lại từ 5-10 năm để thực hiện những nghiên cứu sâu hơn”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Việt Nam , Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh “cần đánh giá trong khuôn khổ toàn bộ kế hoạch hệ thống đập trên dòng chính”. Quan chức này lặp lại một đề xuất được thúc đẩy tại một nghiên cứu công bố tháng 10 năm ngoái của giới chuyên gia mà MRC ủy nhiệm thực hiện. 
Trong vài ngày trước hội nghị MRC ngày 19/4 vừa qua, một loạt bài báo trên truyền thông Việt Nam dẫn lời các nhà khoa học nổi tiếng trong nước càng làm tăng nhận thức dư luận về những nguy cơ nếu đập Xayaburi được xây dựng. Một bài báo còn cho rằng đập Xayaburi mới chỉ là “phát súng đầu tiên” hủy diệt hạ lưu sông Mê Công. Nếu toàn bộ hệ thống đập trong kế hoạch hiện nay được xây dựng, một nhà khoa học dự báo, lượng phù sa đến các tỉnh châu thổ của Việt Nam sẽ giảm đi tới 70%. 

Việc truyền thông tập trung rầm rộ như vậy đã báo trước quan điểm của chính phủ. Nó dường như xác nhận không chỉ một quyết định ngăn chặn các dự án đập trên dòng chính Mê Công của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn cả sự tự tin của Hà Nội rằng Campuchia và đáng lưu ý là cả Thái Lan sẽ chung quan điểm với Việt Nam về việc cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa dự án Xayaburi. 
Tại hội nghị 19/4, các đại diện của Lào tại MRC bị thúc ép ngừng dự án Xayaburi để chờ các nghiên cứu sâu hơn đã miễn cưỡng đồng ý rằng sẽ hoãn kế hoạch chờ xem xét ở cấp Bộ trưởng trong vòng 6 tháng tới. Vài tuần sau, Viêng Chăn ngừng công việc chuẩn bị cho dự án trong khi chờ đợi một xem xét lại về những đánh giá tác động môi trường của nhà thầu Thái Lan. 

Có khả năng rằng kết quả từ hội nghị 19/4 sẽ trở thành một bước ngoặt, một sự bác bỏ dứt khoát với kiểu phát triển bằng mọi giá vốn vẫn chiếm ưu thế trong khu vực cho đến lúc này, kiểu phát triển đang được ủng hộ và đôi khi được lèo lái bởi cả dư luận lẫn các đối tác tư nhân đa quốc gia. 

Bằng việc thách thức Viêng Chăn đối với một dự án phát triển quan trọng mà Lào ấp ủ, Hà Nội đánh đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng cứng rắn kể cả phải đánh đổi bằng nguy cơ thiệt hại “quan hệ đặc biệt” song phương. Và giờ đây khi 88 triệu dân đã được cảnh báo về những hiểm họa liên quan đến láng giềng nhỏ hơn này, giới lãnh đạo Việt Nam không còn sự lựa chọn mềm mỏng hơn.

Nếu Lào quyết tâm theo đuổi kế hoạch, viễn cảnh phía trước không có gì rõ ràng, chắc chắn. Dù không là một thành viên MRC, không nghi ngờ gì Trung Quốc sẽ thể hiện sức mạnh trong hậu trường. Họ có thể nhắc nhở Lào rằng Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ xây dựng các đập cũng như can thiệp với Campuchia, nước đang dựa vào Trung Quốc để chống lại những sức ép từ Việt Nam và Thái Lan.

Thái Lan sẽ nắm lá phiếu quyết định. Nếu Băng Cốc cho rằng họ sẽ tìm được cách khác để đáp ứng nhu cầu điện năng trong vài thập kỷ tới, các kế hoạch thủy điện của Lào ở hạ lưu Mê Công có thể tan biến. Tuy nhiên, với những căng thẳng hiện nay trên chính trường Thái Lan, việc hoạch định kế hoạch dài hạn đang phải nhường chỗ cho những chiến lược ngắn hạn. 

Không có lợi ích kinh tế liên quan, các chính phủ phương Tây nhiều khả năng sẽ tìm cách can thiệp trên phương diện môi trường. Điều này có thể dẫn đến một nỗ lực phối hợp ngoại giao giúp Lào “giữ thể diện” khi hủy bỏ các kế hoạch thủy điện và nhận được một vài “phần thưởng an ủi”, có thể bao gồm những tín dụng mới từ các ngân hàng đa phương cho các dự án phát triển ít gây tranh cãi hơn./.

Theo Asia Times Online

TT (gt)