Kết quả các cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 11/12 cho thấy đảng LDP và đồng minh của đảng này có thể sẽ giành chiến thắng vang dội trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 16/12 tới và quay trở lại cầm quyền sau 3 năm bị gián đoạn.

Khi còn là Thủ tướng năm 2006-2007, ông Abe đã coi việc sửa đổi Hiến pháp 1947 là một phần then chốt trong nỗ lực thay đổi "chế độ hậu chiến tranh" do Mỹ áp đặt, mà theo những người bảo thủ, chế độ đó đã làm suy yếu các giá trị truyền thống và khiến tâm lý hối tiếc về lịch sử thời chiến của Nhật Bản tăng lên.

Lo ngại ngày càng gia tăng về ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc khiến việc thay đổi cách giải thích bản Hiến pháp do Mỹ soạn thảo - nếu văn bản này chưa được chính thức viết lại - trở nên dễ dàng hơn trước đây, cho phép Tôkiô xóa bỏ lệnh cấm sử dụng quyền tự vệ tập thể, hoặc giúp đỡ các đồng minh trong trường hợp họ bị tấn công. Không chỉ vậy, theo các chuyên gia, điều này còn cho phép quân đội Nhật Bản bắn hạ tên lửa của Bắc Triều Tiên đang hướng tới các thành phố của Mỹ, cử quân tới trợ giúp các tàu chiến của Mỹ trong trường hợp các tàu này bị tấn công ở vùng biển khơi, và nhìn chung sẽ mở rộng đường để Nhật Bản tham gia các chiến dịch chung với các lực lượng Mỹ.

Richard Samuels - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Viện Công nghệ Massachusetts ở Boston, đồng thời là một chuyên gia về chính sách an ninh của Nhật Bản - nói: "Tôi cho rằng việc thay đổi cách giải thích bản hiến pháp khá dễ dàng về mặt thủ tục và diễn ra trong bối cảnh thuận lợi. Ông Abe sẽ làm điều đó bởi ông ấy có thể. Sự thay đổi này sẽ sớm diễn ra".

Điều 9 của bản Hiến pháp tuyên bố Nhật Bản từ bỏ quyền phát động chiến tranh để giải quyết các tranh chấp quốc tế, và nếu hiểu theo nghĩa đen, điều này đồng nghĩa với việc cấm duy trì quân đội. Tuy nhiên, điều khoản này đã được giải thích một cách linh hoạt nhằm cho phép duy trì quân đội với mục đích tự vệ cũng như để tham gia các hoạt động ở nước ngoài, ví dụ như việc triển khai quân đội tham gia sứ mệnh phi chiến đấu tại Irắc.

Những động thái xa hơn nữa về vấn đề này, thậm chí nếu chỉ mang tính biểu tượng, cũng có thể kích động sự giận dữ tại Trung Quốc - nơi những ký ức về sự xâm lược của Nhật Bản vẫn còn rất sâu đậm. Trong năm nay, các tuyên bố chủ quyền của hai bên đối với các đảo nhỏ tranh chấp ở Biển Hoa Đông đã dẫn tới các cuộc biểu tình bạo lực và Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, khiến mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất khu vực bị thiệt hại.

Huang Dahui, Giáo sư và chuyên gia về Nhật Bản tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói: "Các khuynh hướng cánh hữu ở Nhật Bản đang rất mạnh, và ông Abe đang đi theo khuynh hướng ấy. Nhìn vào Nhật Bản ngày nay, có thể thấy họ sẽ khôi phục chủ nghĩa quân phiệt, song nếu bản hiến pháp được sửa đổi, Nhật Bản sẽ có cơ hội tăng cường vũ khí quân sự. Vấn đề này hiện còn để ngỏ. Do đó, về dài hạn, tôi cho rằng Trung Quốc cần thận trọng đối với Nhật Bản".

Việc Nhật Bản thay đổi theo hướng thiên hữu sẽ được Oasinhtơn hoan nghênh, bởi từ lâu Mỹ đã thúc giục Nhật Bản phải đảm đương thêm nhiều trách nhiệm trong liên minh giữa hai nước. Ngày 11/12, Philíppin cho rằng một nước Nhật hùng mạnh hơn sẽ đóng vai trò là đối trọng đối với sự trỗi dậy về mặt quân sự của Trung Quốc, vốn đang khiến các quốc gia nhỏ hơn tại châu Á lo ngại trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông ngày càng căng thẳng.

Michael Green, làm việc tại Trung Tâm nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Oasinhtơn, nói: "Nếu Nhật Bản thay đổi theo hướng thiên hữu có nghĩa rằng chi tiêu quốc phòng sẽ tăng lên và các rào cản lỗi thời bị loại bỏ để tiến tới hợp tác quốc phòng hiệu quả hơn với Mỹ thì câu trả lời của tôi là 'hãy làm vậy đi'. Chúng tôi hết sức hoan nghênh và toàn bộ khu vực Đông Nam Á cũng vậy chứ không chỉ riêng Philíppin". Ông Abe cũng cam kết tăng cường chi tiêu cho quốc phòng sau một thập kỷ ngân sách cho lĩnh vực này bị sụt giảm, có khả năng sẽ vượt qua mức giới hạn 1% GDP, vốn được áp dụng nhiều thập kỷ qua.

Hiến pháp Nhật Bản, do lực lượng Mỹ chiếm đóng Nhật Bản soạn thảo vào tháng 2/1947, chưa từng được sửa đổi. Việc sửa đổi Hiến pháp cần sự chấp thuận của 2/3 các nghị sỹ Quốc hội ở cả hai viện và nhận được đa số phiếu tán thành trong cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, việc thay đổi cách giải thích Hiến pháp có thể được thực hiện mà không phải tuân theo các thủ tục pháp lý như vậy, do đó có khả năng ông Abe sẽ nỗ lực thực hiện điều này đầu tiên.

Tuy nhiên, triển vọng của cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7/2013 tới có thể sẽ khiến ông Abe phải hành động chậm lại nhằm tránh làm mếch lòng đảng Komeito Mới ôn hòa hơn - đối tác lâu năm của LDP. Cựu Đại sứ Kunihiko Miyake, hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon tại Tôkiô, nói: "Bước tiếp theo (trong chương trình nghị sự) sẽ không phải là thay đổi cách giải thích hiến pháp, mà là tập trung vào cuộc bầu cử Thượng viện mùa Hè tới. Nếu ông Abe hành động quá nhanh, nó sẽ phản tác dụng". Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh: "Việc này (thay đổi cách giải thích Hiến pháp) sớm muộn cũng sẽ được thực hiện bởi đó là yêu cầu thay đổi chính sách tối thiểu nhằm đảm bảo rằng liên minh Nhật-Mỹ và các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế hiệu quả và đáng tin cậy hơn".

Ông Abe và những người ủng hộ đã nói rõ rằng mục tiêu đầu tiên của họ không phải là (sửa đổi) Điều 9 mà là một điều khoản khác đề cập tới việc cần sự đồng ý của ít nhất 2/3 số thành viên cả hai viện để tiến hành sửa đổi Hiến pháp. Họ muốn giảm bớt con số tối thiểu này để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các thay đổi về sau.

Hiện vẫn chưa rõ liệu bối cảnh chính trị bất ổn của Nhật Bản có cho phép ông Abe tại vị đủ lâu để thực hiện các mục tiêu hay không. Kể từ năm 2006 đến nay, Nhật Bản đã thay 6 đời Thủ tướng. Uy tín của các nhân vật này sau khi lên nắm quyền đã bị xói mòn nhanh chóng, và ông Abe có thể cũng sẽ hứng chịu kết cục tương tự.

Reuters

Thuỳ Anh (gt)