Úc cần sớm mua tàu ngầm tấn công của Nhật Bản, Pháp hoặc Đức để thay thế cho đội tàu lớp Collins đã lạc hậu. Để có được sản phẩm phù hợp, đạt hiệu quả như ý, Úc cần có sự lựa chọn kỹ giữa các nhà cung cấp. Ngoài các đặc điểm về giá cả và hoạt động, Úc cần chú ý các đặc điểm khác để có thể lựa chọn được lực lượng tàu ngầm như ý. 

Mặc dù các mẫu thiết kế tàu ngầm của Pháp, Đức khá ấn tượng và các nhà sản xuất của những nước này cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các hợp đồng quân sự nước ngoài hơn so với Nhật Bản, nhưng tàu ngầm Soryu của Nhật Bản là phiên bản đã chứng minh được hiệu quả hoạt động tại các địa hình của vùng biển châu Á-Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, việc mua tàu ngầm của Nhật Bản cũng có thể giúp làm sâu sắc thêm mối quan hệ an ninh Úc-Nhật, đồng thời giúp quân đội hai nước có thể phối hợp nhịp nhàng trong hoạt động chung. Nhật Bản cũng đề nghị hợp đồng "trọn gói" nhằm tạo ra cơ hội mở rộng hợp tác với Úc. 

Nhật Bản đã nhắm đến Úc cho các hoạt động chào bán vũ khí chính của mình một phần nhằm xây dựng mối quan hệ tự vệ tập thể tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây không phải là điều ngẫu nhiên. Thông qua việc đưa tàu ngầm Soryu ra chào bán cho Úc, Nhật Bản muốn chứng minh rằng nước này coi Úc là đối tác an ninh quan trọng như Mỹ. Có lẽ Nhật Bản muốn thông qua ý định bán tàu ngầm để củng cố mối quan hệ ba bên với Úc và Mỹ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể khiến Nhật Bản rơi vào tình thế khó xử nếu thương vụ không thành công và điều này cũng có thể tạo ra sự cọ sát với Trung Quốc. 

Bắc Kinh đã gọi những nỗ lực trên của Nhật Bản là một phần của "mối đe dọa Trung Quốc trên lý thuyết" và đang tìm cách để ngăn chặn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc trong 15 năm qua và những ngôn từ chống Nhật Bản mạnh mẽ, có thể nhận thấy động thái của Nhật Bản không hoàn toàn là nhằm thay đổi cách tiếp cận trong mối quan hệ quốc phòng với Úc. 

Cả Nhật Bản lẫn Úc đều bị báo động vì Trung Quốc đã tiến hành các hành động đơn phương khẳng định và mở rộng chủ quyền tại Biển Đông. Các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp này không chỉ hủy hoại các khu vực rạn san hô nguyên sơ rộng lớn mà còn làm đảo lộn cân bằng an ninh của khu vực. Trên thực tế, Bắc Kinh đã xây dựng các sân bay quân sự và các cơ sở hậu cần của hải quân để phục vụ cho các tuyên bố chủ quyền quá đáng của họ nhưng lại ngụy biện, che giấu dưới cái mác là vì mục đích dân sự. 

Tháng 1 vừa qua, Trung Quốc đã thử nghiệm 2 chuyến bay dân sự ra sân bay mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên Đá Chữ Thập nhằm cố gắng chứng minh việc xây dựng đường băng đó là vì mục đích dân sự. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các hành động của Trung Quốc tại các vùng biển Đông Á đang đi ngược lại những gì họ nói. 

Trung Quốc đang tăng tốc tối đa các hoạt động quân sự và bành trướng tại các đảo lẻ nằm ngoài khơi Thái Bình Dương. Mặc dù Trung Quốc đã đe dọa các nước láng giềng yếu hơn như Philippines và Việt Nam thông qua các lực lượng hải quân, bảo vệ bờ biển và lực lượng dân quân bảo vệ tàu đánh cá, nhưng phản ứng của các nước láng giềng là khá yếu ớt nên không thể thuyết phục Bắc Kinh thay đổi hành động của họ. 

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản hiểu rất rõ chiến lược lâu dài của Trung Quốc và đang chuẩn bị cho mình một tình huống xấu nhất. Trung Quốc sẽ không lùi bước và cuối cùng sẽ đòi chủ quyền và chiếm hữu toàn bộ cái gọi là "Đường chín đoạn" trên Biển Đông. Khi đó, Trung Quốc sẽ đưa ra các yêu cầu của kẻ thống trị bá quyền đối với vùng biển này. Do đó, việc xây dựng một mặt trận thống nhất là cần thiết để đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực. Nền tảng của mặt trận thống nhất này mà là một liên minh an ninh ba bên giữa Úc, Nhật Bản và Mỹ. 

Việc mua bán tàu ngầm mà Nhật Bản đề xuất không đơn thuần chỉ là hoạt động mua bán thông thường mà có thể là một cột mốc quan trọng trong nhận thức rằng các quốc gia có ý thức tôn trọng luật pháp quốc tế phải liên kết với nhau để bảo vệ mình khỏi những hành động bá quyền của một cường quốc mới nổi.

James E. Fanell là cựu Giám đốc phụ trách các hoạt động tình báo và thông tin thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Mỹ. Fred Smith là giảng viên trường Đại học Macquarie, cựu Đại tá Hải quân Mỹ. Bài viết được đăng trên The Wall Street Journal.

Văn Cường (gt)