Hình ảnh quốc tế của Trung Quốc sa sút nhanh và bất ngờ đến mức phải lùi lại thời gian hai thập kỷ với dư âm sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, người ta mới tìm được một môi trường bên ngoài tương đối tiêu cực với Bắc Kinh như vậy để so sánh.

 
Năm 2010 “ngoại giao tồi tệ” đó bắt đầu khi Liên minh châu Âu (EU) vẫn bực bội với việc bị bẽ mặt dưới tay Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, tổ chức tại Đan Mạch trong tháng 12/2009. Thể hiện ảnh hưởng và mạnh bạo vì lợi ích của mình, Trung Quốc đã làm tan vỡ các kế hoạch của EU, ngăn cản việc thông qua bất cứ thỏa thuận có ý nghĩa nào.
Sau “cuộc chiến” Côpenhaghen đó, Bắc Kinh đối đầu với Oasinhtơn về những thương vụ vũ khí Mỹ - Đài Loan và cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama với thủ lĩnh tinh thần của người Tây Tạng lưu vong, Dalai Lama. Dù đó là những vấn đề không mới trong quan hệ song phương, nhưng động thái mạnh mẽ từ Trung Quốc gây khó khăn cho chính quyền Obama, một chính quyền đã hy vọng củng cố quan hệ Mỹ - Trung như là cách để giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu. Đó là chưa kể cuộc tranh cãi dai dẳng về tỷ giá đồng Nhân dân tệ, vấn đề thương mại đã bị chính trị hóa cao khi tăng trưởng của Trung Quốc lẫn tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đều đạt hai con số.

 

“Đáy” của chính sách ngoại giao Trung Quốc năm qua là tháng 9 khi Bắc Kinh phản ứng dữ dội việc Tôkiô bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp Điếu Ngư. Một Nhật Bản bị "sốc" và "bẽ mặt" sau đó đã thả đối tượng trên, nhưng Trung Quốc cũng phải trả giá: sự quyết liệt, mạnh bạo của họ chỉ càng củng cố những lo ngại của Nhật Bản rằng một Trung Quốc hùng mạnh chính là mối đe dọa.


Chưa hết, cuối tháng 11, Bắc Triều Tiên mà Trung Quốc bảo trợ nã pháo vào một đảo của Hàn Quốc, làm cả binh sĩ và dân thường thiệt mạng. Thay vì chỉ trích, Bắc Kinh cố hồi sinh đàm phán 6 bên để làm dịu căng thẳng. Nhưng ban đầu kế hoạch đó bị cả Mỹ và Hàn Quốc bác bỏ. Kể từ đó, các quan hệ quân sự giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc được thắt chặt hơn. Đây là bước phát triển làm đau đầu những nhà hoạch định chiến lược Trung Quốc.

 
Với Bắc Kinh, tất cả chưa phải là quá tuyệt vọng. Năm 2010 có thể là một năm ác mộng cho ngoại giao Trung Quốc, nhưng vì hầu hết những đổ vỡ đó là do họ tự gây ra, cơ hội sửa sai vẫn còn đó và hy vọng vào những cải thiện trong năm nay. Dựa trên những dấu hiệu ban đầu, dường như Trung Quốc bắt đầu cố gắng khôi phục hình ảnh quốc tế. Bắc Kinh can dự vào cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên và dường như đã ra tay kiềm chế Bình Nhưỡng để tình thế không xấu hơn nữa. Quan hệ Trung-Mỹ cũng đang trong quá trình “sửa chữa”, vì thế trong tháng 1 này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sẽ lần đầu đi thăm Trung Quốc. Một trao đổi quân sự cấp cao như vậy có thể là một phần trong tiến trình xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau. Sau đó sẽ là chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, một dịp nữa để tái lập những quan hệ. Để hiện thực hóa những cơ hội đó, Trung Quốc cần nỗ lực hơn. Về mặt tâm lý, Bắc Kinh phải tự kìm nén sự “ngạo mạn” của mình cũng như những cám dỗ khoe khoang sức mạnh mới nổi.


Một trong những lí do khiến Trung Quốc đối đầu với nhiều sức mạnh cùng một lúc trong năm qua là bởi quan điểm mới cho rằng phương Tây đang suy yếu một cách không tránh khỏi còn Bắc Kinh thẳng đường đến ngôi vị siêu cường tương lai. Quan điểm đó rất nguy hiểm và dựa vào mong ước hơn là thực tế. Trung Quốc cần định hướng chính sách đối ngoại theo hai khái niệm: kiềm chế mang tính chiến lược và trách nhiệm của một quyền lực quốc tế. Trong năm qua, không điều nào được thể hiện. Hy vọng, trong năm nay, Bắc Kinh sẽ rút ra bài học và hành xử khác hơn.

Nguồn: South China Morning Post

Đọc toàn bộ bản gốc tại đây