Giá trị ngoại giao và giá trị quân sự của việc Trung Quốc và Nga lần đầu tiên tiến hành diễn tập hải quân chung rất được coi trọng. Cuộc diễn tập này ngoài việc phản ứng lại cuộc diễn tập "Vai kề vai" giữa Mỹ và Philíppin và nhằm vào Mỹ và Nhật Bản còn nêu bật mối quan hệ quân sự vừa hợp tác vừa đấu tranh Trung-Nga, sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa ngoại giao và nội chính của Trung Quốc cũng như tương lai của vị tướng Trung Quốc chủ đạo cuộc diễn tập. Mỗi khi Trung Quốc và Nga tiến hành diễn tập quân sự quy mô lớn, dư luận phương Tây đều xuất hiện tiếng nói về khả năng Trung Quốc và Nga xây dựng quan hệ đồng minh quân sự. Tuy nhiên, phải thấy rằng tên lửa vượt đại châu mà Ấn Độ vừa thử nghiệm được Nga giúp đỡ về mặt công nghệ, tên lửa hành trình kiểu mở mà Việt Nam nghiên cứu chế tạo đã cho thấy một thực tế là đối tác hợp tác là Nga và nước phải chịu đe dọa nhiều nhất (từ các loại vũ khí này) là Trung Quốc. Do vậy, dù Trung Quốc và Nga nhấn mạnh tới quan hệ đối tác chiến lược, nhưng những bất đồng mang tính “thiên bẩm” từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và việc Nga khôi phục vai trò nước lớn cho thấy Nga và Trung Quốc khó có thể tái lập quan hệ đồng minh. Nếu nói rằng ngoại giao là sự kéo dài của nội chính, diễn tập quân sự chung Trung-Nga đương nhiên là sự kéo dài của tình hình chính trị, quân sự trong nước của Trung Quốc. Hiện nay, đối với quân đội Trung Quốc, tác động chính trị lớn nhất chính là sự kiện Bạc Hi Lai. Hiện vẫn còn quá sớm để kết luận liệu một cuộc diễn tập quân sự chung quy mô lớn có thể biểu hiện được sự hài hòa, đoàn kết của giới lãnh đạo quân đội cấp cao của Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, người ta thấy có một sự trùng hợp, đó là việc Chính ủy Quân chủng Hải quân Trung Quốc Lưu Hiểu Giang chính là vị Thượng tướng đầu tiên biểu lộ thái độ ủng hộ Trung ương tước bỏ chức vụ của Bạc Hi Lai trên truyền thông chính thức. Vì thế, câu hỏi đặt ra là liệu vai trò của hải quân Trung Quốc sẽ đi lên theo kiểu “nước dâng thuyền nổi”?

Một vấn đề khác, là ở Trung Quốc, cuộc đấu tranh quyền lực cấp cao đang diễn ra quyết liệt, xung đột xã hội liên tục xảy ra. Các nước như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đều lo ngại khả năng Trung Quốc sẽ chuyển sự chú ý từ vấn đề nội chính sang vấn đề ngoại giao, thậm chí là châm ngòi xung đột quân sự để cố kết lòng dân, sợ rằng tranh chấp Biển Đông, Biển Hoa Đông sẽ đối mặt với rủi ro súng nổ lửa cháy. Điều kỳ lạ là khi cuộc đấu tranh quyền lực cấp cao hình thành sự chế ước lẫn nhau, khiến các bên đều phải bày tỏ thái độ cứng rắn và không dám manh động khinh suất, khả năng Bắc Kinh sử dụng xung đột ngoại giao, xung đột quân sự để làm giảm áp lực từ sự phẫn uất của dân chúng lại giảm xuống. Đồng thời, nếu chú ý sẽ thấy các loại tàu chiến mà Nga và Trung Quốc huy động tham gia diễn tập chung tuy nhận được sự quan tâm, nhưng điều khiến người ta ngẫm nghĩ hơn cả lại là việc Trung Quốc cử Trung tướng Đinh Nhất Bình làm “tổng đạo diễn” của nước này trong diễn tập chung với Nga. Ở Trung Quốc, các cơ quan đảng, chính quyền và quân đội đều thực hiện chế độ giải trình trách nhiệm. Trong khi các quan chức chấp cao của đảng và chính quyền sau khi bị giải trình trách nhiệm phần lớn được điều đi nơi khác, thậm chí còn được thăng chức, các tướng lĩnh quân đội chấp hành chế độ giải trình trách nhiệm tương đối nghiêm túc hoặc là về hưu, hoặc là bị giáng cấp. Đinh Nhất Bình vốn là Phó Tư lệnh Quân khu Tế Nam kiêm Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải, năm 2003, do để xảy ra sự cố tàu ngầm 361 nên đã phải giải trình trách nhiệm, bị giáng cấp xuống làm Phó Tham mưu trưởng Hải quân, ba năm sau mới được đưa lên làm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Hải quân, mất cơ hội làm Tư lệnh Hải quân. Giờ đây, Đinh Nhất Bình trở thành nhân vật “nóng”, và câu hỏi đặt ra là liệu Đinh Nhất Bình sẽ có cơ hội tiến lên nấc thang mới tại Đại hội 18?

Theo tờ "Bình quả" (Hồng Công) ngày 23/4

Lê Sơn (gt)