Theo báo trên, điều khiến người khác cảm thấy thú vị là, mặc dù trước đó không nằm trong kế hoạch chuyến công du lần này của Panetta, song Nhật Bản đột nhiên lại trở thành trạm dừng chân đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Tất nhiên, nếu suy xét tới tình hình tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang ngày càng căng thẳng, người Trung Quốc cũng không có gì bất ngờ về sự thay đổi lịch trình của ông Panetta. Lý do rất đơn giản: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ “thăm thêm” Nhật Bản trước khi thăm Trung Quốc trong bối cảnh Trung-Nhật “nước sôi lửa bỏng” rõ ràng là nhằm thể hiện sự coi trọng của Mỹ đối với nước đồng minh quân sự Nhật Bản, cùng với đó, Trung Quốc rõ ràng chỉ là thứ yếu. 

Người Trung Quốc từ lâu luôn nghi ngờ về lòng tin quân sự Trung-Mỹ, cảm giác này không phải ngày một ngày hai mà có, và họ cũng hết sức lo lắng về xu thế diễn biến trong tương lai của mối quan hệ này. Mặc dù có ý kiến cho rằng chuyến thăm Trung Quốc và Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là nhằm giảm nhiệt căng thẳng Trung-Nhật trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, song nếu nhìn lại hành động “đổ thêm dầu vào lửa” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong chuyến thăm Trung Quốc cách đây ít ngày của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, mọi người còn có thể kỳ vọng gì vào chuyến thăm Trung Quốc và Nhật Bản của ông Panetta? Liệu hành động của ông Panetta có khác biệt với bà Hillary không? 

Tình hình rất rõ ràng, không phải vô cớ mà xuất hiện quan điểm cho rằng “xung đột Trung-Mỹ không thể tránh khỏi”. Cùng với sự chuyển dịch trọng tâm chiến lược của Mỹ về phía Đông, không chỉ vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan - trở ngại lớn nhất trong quan hệ song phương Trung-Mỹ từ trước đến nay - càng trở nên căng thẳng, mà kéo theo nó còn là sự tăng nhiệt các cuộc tranh chấp giữa các nước xung quanh tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Nếu như có thể giải thích rằng các hành động của Mỹ như đồn trú quân đội tại Ôxtrâylia và bố trí chiến hạm tại Xinhgapo chính là điềm báo cơ bản về quy hoạch chiến lược của Mỹ, vậy thì hiện chưa có nhà phân tích nào có thể dự báo chính xác về sự sắp xếp đặc biệt về con đường bao vây Trung Quốc của Mỹ trong tương lai. 

Bối cảnh này sẽ tạo ra một vấn đề: sự bất đồng Trung-Mỹ cuối cùng sẽ còn thể hiện ở mặt nào? Ảnh hưởng của nó đối với quan hệ song phương sẽ như thế nào? Ai cũng rõ, kể từ đầu thế kỷ XXI, Mỹ đã mất 10 năm vào cuộc chiến chống khủng bố, tuy cuộc chiến này giúp Mỹ có thể thọc sâu chiến lược vào “vùng bụng” của hai đối thủ chiến lược chính là Nga và Trung Quốc, song những chi phí khổng lồ cùng sự kéo dài của cuộc chiến đã làm ảnh hưởng tới vị trí bá quyền quốc tế của Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc đã tận dụng tốt thời kỳ 10 năm hoàng kim này để phát triển, không chỉ vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng được nâng cao rõ rệt. Cho dù Trung Quốc không có dụng ý thách thức Mỹ, song nếu như xu thế này tiếp tục tiếp diễn, liệu Mỹ có thể chấp nhận không? 

Chính vì con đường chiến lược Trung-Mỹ đã được định rõ nên cho dù là vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, hay Mỹ hối thúc đưa ra Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, hay quần đảo Điếu Ngư/Senkaku phù hợp với Điều ước đảm bảo an ninh Mỹ-Nhật… tất cả khuynh hướng của các vấn đề trên đều phải đi theo con đường này. Theo đó, Trung-Mỹ chỉ cần xảy ra bất kỳ tranh chấp nào về mặt an ninh, phía Trung Quốc đều có thể bị rơi vào thế bị động. 

Phân tích chuỗi hiện tượng có thể thấy, về bề ngoài, Tổng thống W. Bush chống khủng bố, Tổng thống Obama “trở lại châu Á”, song thực chất hiện tượng lại không phải như vậy. Có thể ý nguyện chống khủng bố của Bush là thật, song bên cạnh đó Mỹ vẫn ngấm ngầm bố trí chiến lược tại Đông Á. “Hội nghị Tham vấn Mỹ-Nhật 2+2” thời Tổng thống Bush đã phát đi tín hiệu rất rõ ràng về điều này, chỉ có điều phía Trung Quốc lúc đó chưa nhận thức kịp mà thôi. Nếu như Bush chỉ tập trung vào chống khủng bố mà không có sự bố trí từ trước tại Đông Á, liệu “trở lại châu Á” của Obama có được tiến hành một cách xuôi chèo mát mái như vừa qua không? Trên thực tế, đây chính là vở kịch “công khai làm đường, ngấm ngầm dựng kho” mà Mỹ diễn rất thành thục. 

Theo Đại Công báo (Hồng Công)

Trần Quang (gt)